Phát hoảng vì dầu ăn bỗng cứng như đá

30/12/2013 11:22
Theo Tố Uyên (Pháp Luật Online)
Những ngày rét đậm rét hại, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện hiện tượng những chai dầu ăn lớn, nhỏ tại nhiều cửa hàng tạp hóa đua nhau “kết tủa” trắng xóa từ đáy lên tận nắp chai nhìn, từ xa trông như những can mỡ lợn. Liệu sức khỏe của người tiêu dùng có đang bị “đánh cược”?

Nghi ngờ nhưng… vẫn mua

Đó là chuyện tưởng chừng vô lí nhưng vẫn diễn ra thường ngày vì tâm lí ngại thắc mắc của người tiêu dùng.

Bác Len (Tiên Lữ - Hưng Yên) cho biết: “Tôi ra cửa hàng tạp hóa mua dầu ăn, thấy nhiều loại dầu ăn khác nhau. Tôi chọn hãng Cooking Oil mà nhà vẫn thường dùng. Lúc đó tôi thấy 1/3 chai có hiện tượng đông cứng, màu trắng, phần còn lại đang chuẩn bị đông. Tôi có hỏi chủ cửa hàng thì chị nói mùa này dầu nào cũng thế cả, không sao đâu. Sau khi dùng được 2, 3 ngày thì cả chai dầu chuyển thành một khối rắn, cứng, không thể lấy ra được”.

 
Nhiều trường hợp tương tự xảy ra như đối với trường hợp bác Len, nhưng mọi người đều không gọi điện đến đường dây nóng của công ty để thắc mắc, mà chỉ âm thầm bỏ dở can dầu, không dám dùng vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Dạo qua thị trường thấy rằng, không chỉ một mà rất nhiều nơi đang bán và tiêu thụ những chai dầu ăn bị đông. Được hỏi, chị Mát – chủ một cửa hàng tạp hóa giải thích: “Tôi không hiểu nhiều về các thành phần có trong dầu ăn, nhưng hiện tượng dầu ăn đông lại trong điều kiện thời tiết như thế này là bình thường. Khi chai dầu còn hạn sử dụng, khách hàng có nhu cầu mua thì tôi vẫn bán”.

Điều đáng chú ý là có những chai dầu bị đông kín từ đáy lên tận nắp, không còn dấu hiệu màu vàng của dầu ăn. Nếu không tinh mắt, người tiêu dùng rất dễ lầm tưởng là mỡ lợn được đóng vào chai đem bán.

Bác Trung, ngụ tại Quan Nhân, Thanh Xuân kể lại: “Đối diện nhà có một quán tạp hóa nên tôi thường mua dầu thực vật ở đó. Hơn một tháng nay, thấy dầu không trong như trước, chuyển thành màu trắng đục nên vợ tôi đến siêu thị mua chai khác. Chai dầu cũ bị đông dùng xào nấu thấy có mùi khét, tôi đành vứt bỏ”.

Khi hỏi tại sao không khiếu nại đến công ty đã sản xuất ra chai dầu đó, bác Trung cười đáp: “Có mà con kiến kiện củ khoai. Thêm nữa, mình mua có một chai, đáng là bao mà kiện cáo”.

Dầu bị đông có gây hại?


Theo PGS.TS Lê Đức Mạnh – Viện trưởng Viện Công nghiệp Thực phẩm (Bộ Công Thương): “Không thể lấy độ đông của dầu ăn để đánh giá chất lượng của sản phẩm. Tuy nhiên, những sản phẩm dầu thực vật bị đông thường không tốt bằng những loại không bị đông. Hiện nay, những cơ sở làm dầu ăn giả không thiếu. Họ lấy những dầu thực vật đã qua chế biến nhiều lần, gạn cấn và lọc qua than hoạt tính để màu nhạt đi, sau đó đóng vào can, dán nhãn mác để bán tràn lan trên thị trường.

Thực ra, màu dầu đã lọc qua than hoạt tính sẽ giống với dầu ăn bình thường nhưng độc tố trong đó vẫn rất nhiều. Dầu đã qua chế biến thường đông rất nhanh, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, nhất là đối với những người có tiền sử về bệnh tim mạch”.

Dầu ăn là thứ không thể thiếu trong tủ bếp của mỗi gia đình. Mùa đông, những món xào, nấu, chiên không thể không có dầu ăn. Thế nhưng, việc chọn một thương hiệu dầu ăn đảm bảo luôn là nỗi lo của những bà nội trợ. Thị trường tràn ngập các loại dầu ăn, giá cả cũng chỉ chênh nhau vài nghìn đồng, khó lòng biết loại nào tốt, loại nào không tốt. Nhiều người cho rằng, sở dĩ dầu ăn trong siêu thị không có hiện tượng bị đông một phần là do nhiệt độ bảo quản tốt, thứ nữa toàn hàng chính hãng, ít khi xảy ra việc trà trộn các loại dầu ăn không nhãn mác, kém chất lượng.

Chị Mùi đang mua sắm trong siêu thị Big C cho biết: “Tôi chưa bao giờ mua dầu ăn bị đông. Khi nhìn thấy chai dầu ăn có hiện tượng đông lại, tôi sẽ không mua mà đến nơi khác mua. Ai cũng nên đề phòng”.

Cũng theo Viện trưởng Lê Đức Mạnh, lực lượng quản lí thị trưởng nước ta quá mỏng, lại chỉ tập trung ở thành phố, thị xã nên các sản phẩm kém chất lượng, hàng giả có xu hướng đổ về những vùng quê, người dân không biết nên vô tư tiêu thụ.

Vậy nên, muốn đảm bảo sức khỏe, chính người tiêu dùng cần cảnh giác, tự bảo vệ mình. Trường hợp như mua phải những mặt hàng nghi ngờ không đảm bảo chất lượng thì phải lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của chính mình. Có như vậy, những loại hàng hóa kém chất lượng mới không có “đất” để “tung hoành”.

Theo Tố Uyên (Pháp Luật Online)