Phi công hơn 30 năm kinh nghiệm giật mình trước sự cố hạ cánh nhầm đường băng

04/05/2018 06:09
Vũ Phương
(GDVN) - Đại tá Bùi Quốc Tế đánh giá, công tác an toàn bay đang bị buông lỏng và việc thẩm định đánh giá năng lực của phi công nước ngoài cũng có vấn đề.

Chuyến bay mang số hiệu VN -7344 của hãng hàng không Vietnam Airlines chở 203 hành khách đã hạ cánh nhầm xuống đường bay chưa đưa vào khai thác tại Cam Ranh (Thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa) được đánh giá là sự cố đặc biệt nghiêm trọng.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Đại tá Bùi Quốc Tế (Phi công quân sự có kinh nghiệm hơn 1.700 giờ bay) bày tỏ sự ngạc nhiên và khó hiểu khi máy bay của hãng hàng không Vietnam Airlines hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác ở sân bay Cam Ranh.

“Tôi không thể hình dung tại sao họ có thể hạ cánh nhầm xuống băng chưa khai thác? Tính mạng hàng trăm con người trên tàu bay mà phi công, tổ lái có thể cẩu thả, vô trách nhiệm đến như vậy?

Trong khi đó, đường băng chưa hoàn thiện còn máy móc, vật liệu… mà máy bay hạ cánh xuống va vào thì quá nguy hiểm. Đây là sự cố hết sức nghiêm trọng (mức B) được đánh giá chỉ sau sự cố tai nạn (mức A). Công tác an toàn bị coi nhẹ và quá lỏng lẻo”, Đại tá Bùi Quốc Tế nói.

Phi công hơn 30 năm kinh nghiệm giật mình trước sự cố hạ cánh nhầm đường băng ảnh 1Máy bay Vietnam Airlines hạ cánh nhầm đường bay là đặc biệt nghiêm trọng

Đại tá Bùi Quốc Tế cũng chỉ ra: “Rõ ràng lỗi hạ cánh nhầm này là do tổ bay. Phi công lái chính là người nước ngoài mà lại để xảy ra sự cố đáng tiếc như vậy.

Yêu cầu bắt buộc với phi công, tổ lái là trước khi bay phải nghiên cứu kỹ, chi tiết điểm đi và đến của sân bay. Hơn nữa, phi công được trả lương cao, bởi trong đó có trách nhiệm anh chở rất nhiều người trên đó.

Qua đây có thể thấy công tác thẩm định, đánh giá năng lực, kinh nghiệm thực tế của phi công nước ngoài đang còn nhiều vấn đề mà Vietnam Airlines phải xem lại.

Để phi công thiếu kinh nghiệm, năng lực hạn chế lái máy bay là do một phần chúng ta quá tin tưởng và chủ quan vào sự giới hiệu phi công của hiệp hội hàng không quốc tế, phần do cách tuyển phi công gấp và thiếu người có đủ trình độ chuyên môn đánh giá, thẩm định năng lực phi công đó.

Trước đây đã phát hiện có trường hợp phi công dùng bằng lái máy bay giả. Hậu quả sẽ không thể lường hết được nếu phi công dùng bằng lái máy bay giả chở hàng trăm người. Đây là điều hết sức nguy hiểm, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn bay”.  

Chuyến bay số hiệu VN -7344 của hãng Vietnam Airlines hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác tại Cam Ranh. Ảnh: Đỗ Hoa/Tienphong
Chuyến bay số hiệu VN -7344 của hãng Vietnam Airlines hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa khai thác tại Cam Ranh. Ảnh: Đỗ Hoa/Tienphong

Không ít chuyên gia hàng không khi được phóng viên tham vấn đều lắc đầu ngao ngán, sự cố hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác là chuyện thật như đùa.

Sự cố này đã uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn bay, tính mạng của hàng trăm người trên tàu bay bị xem nhẹ.

Nếu không chấn chỉnh, xử lý nghiêm những cá nhân liên quan thì sự cố tương tự hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.

Kết quả có thể sẽ không may mắn như lần này khi toàn bộ hành khách đều an toàn, bởi chỉ cần va chạm với một chướng ngại vật trên đường băng, máy bay có thể bị nổ lốp, gãy cánh... lao ra khỏi đường băng, lúc đó hậu quả sẽ khó lường.

Chưa bao giờ hành khách đi máy bay lại tưởng tượng có ngày máy bay có thể hạ cánh xuống đường băng đang xây dựng.

Phi công hơn 30 năm kinh nghiệm giật mình trước sự cố hạ cánh nhầm đường băng ảnh 3Liên tiếp xảy ra sự cố an ninh hàng không, bộc lộ năng lực quản lý yếu kém

Trong lĩnh vực hàng không thì an toàn bay luôn là số 1, đặt lên hàng đầu, nhưng qua vụ việc này cũng như một vài sự cố gần đây như đi nhầm máy bay, người lạ đột nhập máy bay, hạ cánh nhầm đường băng... có thể thấy công tác an toàn hàng không đang bị buông lỏng.

Nhưng cũng có ý kiến thẳng thắn cho rằng, để những sự cố xảy liên tiếp xảy ra là do năng lực quản lý yếu kém của lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, bên cạnh đó là trách nhiệm của Bộ Giao thông Vận tải.

Sau sự cố dư luận cũng hết sức quan tâm trước cách xử lý, rút kinh nghiệm của hãng hàng không Vietnam Airlines như thế nào, Cục Hàng không Việt Nam sẽ chỉ đạo ra sao để không tái diễn tình trạng tương tự.

Nhưng bên cạnh đó, dư luận cũng đặt câu hỏi về “sợi dây kinh nghiệm” mà lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam rút bao giờ mới hết khi tính mạng, an toàn trong mỗi chuyến bay ngày càng bị đe dọa.

Liên quan đến sự cố hy hữu trên, tối 1/5, Hãng hàng không Vietnam Airlines cũng phát đi thông báo về sự việc máy bay mang số hiệu VN7344 hạ nhầm đường băng chưa khai thác tại Cam Ranh ngày 29/4.

Theo Vietnam Airlines, sự cố xảy ra hãng đã lập tức họp khẩn trên toàn hệ thống, rà soát toàn bộ hoạt động khai thác tại sân bay Cam Ranh cũng như tất cả các sân bay để tránh các sự việc tương tự.

Kết quả điều tra, bình giảng sự cố trong nội bộ Vietnam Airlines cho thấy sự cố hạ cánh nhầm đường băng vừa qua có một phần quan trọng do lỗi của tổ bay.

Hành khách trên chuyến bay hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác đã thở phào nhẹ nhõm khi chuẩn bị rời máy bay. Ảnh: P.C.B
Hành khách trên chuyến bay hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác đã thở phào nhẹ nhõm khi chuẩn bị rời máy bay. Ảnh: P.C.B

Trong khi đó, phía Cục Hàng không Việt Nam cũng phát đi thông báo về sự cố khó tin nhưng có thật trên.

Cục Hàng không cho biết, đối với tàu bay, động cơ số 1 bị hư hỏng các tầng cánh quạt, miệng hút do hút các vật ngoại lai (sỏi, đá, các tấm, mảnh tôn). Các phần chính của động cơ bao gồm máy nén, buồng đốt, turbine đang được soi và tiếp tục đánh giá; các cánh tà trước của cánh trái bị hư hỏng nhẹ.

Theo kết luận sơ bộ của Tổ điều tra, tổ lái chưa tìm hiểu kỹ về sơ đồ sân bay và không thực hiện tốt phương thức hạ cánh bằng mắt (không tham chiếu đến đèn dẫn đường PAPI khi thực hiện phương thức hạ cánh bằng mắt).

Ngoài ra, Tổ điều tra cũng đưa ra các yếu tố khách quan tác động dẫn đến sự cố, đó là mặc dù đường băng số 2 đã thể hiện không sử dụng (gạch chéo) trên sơ đồ sân bay, tuy nhiên các dấu sơn, kẻ trên đường băng số 2 đang xây dựng cơ bản hoàn thiện dễ gây nhầm lẫn cho tổ lái.

Các hoạt động quan sát từ đài kiểm soát không lưu chưa được thực hiện đầy đủ để cảnh báo, hỗ trợ kịp thời cho tổ lái trong giai đoạn tiến sát đến đầu đường băng và tiếp đất.

Liên quan đến sự cố này, Bộ Giao thông Vận tải đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ.

Vấn đề đặt ra lúc này là sau khi xử lý trách nhiệm đối với cơ trưởng, tổ lái chuyến bay VN -7344 thì liệu có xem xét trách nhiệm liên quan của người đứng đầu Vietnam Airlines hay Cục trưởng Cục Hàng không?

Vũ Phương