Phía sau câu chuyện HAGL tạm nhập, tái xuất 30.000 tấn đường

25/11/2013 10:24
Theo Thanh niên
Ai đúng, ai sai? Nên hay không nên cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tạm nhập tái xuất 30.000 - 40.000 tấn đường vào thị trường nội địa không còn là một vấn đề, một sự việc cụ thể. Nó là hồi chuông báo động về tình trạng kém cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước và điều này càng trở nên nguy hiểm khi lộ trình hội nhập của kinh tế VN đã cán đích.
Lý do mà Hiệp hội Mía đường VN (VSSA) phản ứng dữ dội trước việc Hoàng Anh Gia Lai xin tạm nhập tái xuất 30.000 - 40.000 tấn đường là đường do Hoàng Anh Gia Lai sản xuất tại Lào có giá rẻ hơn rất nhiều so với đường nội địa.


Nên kể cả tái xuất hay không tái xuất đều khiến các doanh nghiệp (DN) mía đường trong nước lo ngại, nhất là khi đường đang tồn kho rất lớn như hiện nay. Bản chất cuối cùng trong việc này chính là sự kém cạnh tranh của đường nội về giá thành.

Điều đáng nói là hàng chục năm qua, ngành này luôn được bảo hộ bằng hạn ngạch, thuế... để nâng cao sức cạnh tranh nhưng đến tận lúc này, người tiêu dùng trong nước vẫn phải chấp nhận mua đường với giá cao nhất nhì thế giới.

Mỗi khi có chuyện, VSSA luôn lấy người trồng mía làm "tấm bia" che chắn cho sự yếu kém, trì trệ của mình. Thế nhưng, sau cả chục năm được bảo hộ, đời sống của người trồng mía khổ vẫn hoàn nghèo. Quan trọng hơn, không có sự bảo hộ nào có thể tồn tại được nếu tự bản thân sản phẩm đó kém cạnh tranh.

Bảo hộ khi sản xuất trong nước chưa đủ mạnh khi hội nhập kinh tế toàn cầu là điều cần thiết. Nhưng đây chỉ là giải pháp nhất thời để các DN củng cố nội lực. Tuy nhiên, không ít DN lại coi bảo hộ là vũ khí, để ỷ lại và "không chịu lớn".

Sau 6 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thu nhập của người nông dân vẫn thấp trong khi người tiêu dùng vẫn phải mua nhiều mặt hàng nông sản với giá cao. Vậy bảo hộ có ý nghĩa gì khi giá thịt bò nuôi trong nước cũng tương đương giá thịt bò Úc ngoại nhập trong khi thịt bò Úc phải chịu thuế, chi phí vận chuyển?

Ủng hộ hàng nội địa không có nghĩa là người tiêu dùng phải trả thêm tiền bởi sự yếu kém của các DN trong nước. Câu chuyện giữa Hoàng Anh Gia Lai và các DN mía đường đang đặt ra câu hỏi, có cần thiết phải tiếp tục bảo hộ cho các DN, các lĩnh vực ngành nghề sau rất nhiều năm vẫn phải dựa chính sách này để tồn tại?

Người dân không quan tâm tới lý do, họ cần được hưởng lợi thực sự từ cạnh tranh mà chúng ta đã và đang hội nhập hàng chục năm nay. Đó là hàng hóa, dịch vụ chất lượng tốt, giá rẻ. Vì vậy, đừng vì thiểu số DN mà gạt đi quyền lợi của hàng triệu người tiêu dùng nội địa.

Theo Thanh niên