Phía sau con số 36,3% thị phần nội địa của Vietjet

21/01/2016 14:03
Mai Anh
(GDVN) - “Khi Vietjet xuất hiện, rõ ràng Vietnam Airlines đã cảm thấy có sức ép, từ đó phải có những chiến lược về mặt dịch vụ và giá cả để có thể níu giữ thị phần".

Tăng trưởng từ chiến lược bài bản

Theo đánh giá của AAPA (Hiệp hội các hãng hàng không Thái Bình Dương), năm 20015 chứng kiến Vietjet tăng trưởng mạnh về thị phần hàng không trong nước.

Nếu như năm 2014, Vietjet chiếm khoảng 29,4% thị phần nội địa thì năm 2015, hãng bay này đã vươn lên con số 36,3% trong khi Vietnam Airlines giảm từ 56% thị phần trong nước xuống còn 47,1%.

Đây được xem là điều bất ngờ, bởi năm 2015 Vietnam Airlines đầu tư mạnh khi liên tục đón máy bay hạng sang Airbus 350 mới (kế hoạch thuê mua 14 chiếc cùng loại) và Boeing 787-9 Dreamliner (trong tổng số 19 chiếc Boeing 787 được hãng tiếp nhận dần từ nay đến đầu năm 2019). Bên cạnh đó, Vietnam Airlines vẫn chiếm lĩnh nhiều đường bay, giờ bay đẹp... 

Từ 29,4% thị phần nội địa năm 2014, Vietjet đã tăng trưởng ngoạn mục khi chiếm lĩnh 36,2% năm 2015.
Từ 29,4% thị phần nội địa năm 2014, Vietjet đã tăng trưởng ngoạn mục khi chiếm lĩnh 36,2% năm 2015.

Cùng với đà tăng của thị phần, thương hiệu Vietjet đang phát triển song hành và có phần lấn lướt Vietnam Airlines ở phân khúc khách hàng có thu nhập khá và trung bình.

Đánh giá về đà tăng này, chuyên gia thương hiệu Hoàng Tùng cho rằng sự tăng trưởng về thị phần của VietJet Air cho thấy chiến lược phát triển của hãng đã phát huy tác dụng với sự triển khai những chiến dịch marketing rất bài bản và hiệu quả. 

Có 3 nguyên nhân dẫn đến tăng trưởng thị phần của Vietjet: Thứ nhất, vị thế độc quyền của Vietnam Airlines trên thị trường đã quá lâu và người tiêu dùng cần có thêm sự lựa chọn để phá đi thế độc quyền đó. VietJet Air ra đời đáp ứng được nhu cầu này của khách hàng. 

Thứ hai, chiến lược chọn phân khúc giá bình dân với tiêu chí “Bay là thích ngay” của Vietjet tạo nhiều cơ hội cho người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ hàng không. Đó là giá trị lớn của Vietjet đã mang đến cho khách hàng. 

Cùng với đà tăng của thị phần, thương hiệu Vietjet đang phát triển song hành và có phần lấn lướt Vietnam Airlines ở phân khúc khách hàng có thu nhập khá và trung bình.
Cùng với đà tăng của thị phần, thương hiệu Vietjet đang phát triển song hành và có phần lấn lướt Vietnam Airlines ở phân khúc khách hàng có thu nhập khá và trung bình. 

Thứ ba, những chiến dịch marketing của Vietjet sáng tạo và đã tạo được nhiều tiếng vang, khiến người tiêu dùng từ tò mò đến thích thú và từ đó chuyển đổi thành hành động sử dụng dịch vụ của Vietjet. 

“Tuy nhiên, từ sử dụng dịch vụ đến giữ chân khách hàng sử dụng lại dịch vụ là một vấn đề khác. Có vẻ như Vietjet đã làm tốt việc giữ chân khách hàng bằng dịch vụ tươi mới và không khí trẻ trung. Kết quả như ta đã thấy, cho dù Vietnam Airlines đầu tư mạnh mẽ nhưng thị phần của Vietjet vẫn tăng trưởng ngoạn mục”, ông Tùng nhận xét.   

Hành khách hưởng lợi

Cùng với chiến lược phát triển riêng của Vietjet, ông Tùng nhận định năm 2015 ghi nhận sự tăng trưởng tốt của ngành hàng không so với các ngành khác. Tăng trưởng tốt của hàng không cho thấy nhu cầu đi lại là một trong những nhu cầu thiết yếu bậc nhất trong đời sống xã hội. 

Phía sau con số 36,3% thị phần nội địa của Vietjet ảnh 3

Năm 2016, hàng không nội địa là cuộc đua quyết liệt giữa VNA và Vietjet

Vậy nên, cho dù các ngành kinh tế khác có thể gặp khó khăn do suy thoái kinh tế nhưng những lĩnh vực liên quan đến nhu cầu thiết yếu cũng sẽ bị ảnh hưởng nhưng ít hơn.

Riêng với hàng không, ở nước ta lĩnh vực này vẫn đang trong xu hướng phát triển bởi quy mô về dịch vụ hàng không tại các nước trong khu vực lớn hơn rất nhiều.

Ngoài ra trong lĩnh vực giao thông, rõ ràng nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không càng tăng cao hơn, đi cùng với thu nhập của người dân ngày càng tốt hơn và dịch vụ của ngành hàng không cũng được mở rộng, cải thiện. 

“Đặc biệt, với sự tham gia của những hãng hàng không mới với giá thành tốt và dịch vụ tốt như Vietjet thì nhu cầu sử dụng dịch vụ hàng không của người tiêu dùng sẽ còn tăng hơn nữa”, ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, việc Vietjet tăng thị phần hàng không nội địa mang lại tín hiệu tích cực trên thị trường mà hưởng lợi lớn nhất chính là người tiêu dùng.

Vị chuyên gia này phân tích, nếu không xuất hiện đối thủ đủ mạnh thì một doanh nghiệp đang có vị thế độc quyền sẽ rất hiếm khi chịu hy sinh lợi ích của mình.

Bằng chứng là trước đây, Việc Vietnam Airlines rất ít khi có các chương trình khuyến mãi về giá vé bởi họ hầu như không có đối thủ có thể uy hiếp đến vị thế độc tôn. 

Nhưng từ khi Vietjet xuất hiện, rõ ràng Vietnam Airlines đã cảm thấy có sức ép, từ đó phải thực thi những chiến lược về mặt dịch vụ và giá cả để có thể níu giữ thị phần.

“Tôi nghĩ, chương trình giảm giá vé "sốc" của Vietjet những ngày đầu tiên đã thực sự tạo tiếng vang và khiến người tiêu dùng thực sự quan tâm. Trên các diễn đàn đua nhau chia sẻ thông tin để săn vé giá rẻ của Vietjet cho thấy hiệu ứng về giá của Vietjet đã thành công. 

Tuy nhiên, để có được một thị phần tăng trưởng bền vững và vị thế như hiện nay, rõ ràng Vietjet không chỉ phụ thuộc vào giá vé tốt mà còn phụ thuộc vào chất lượng dịch vụ được người tiêu dùng chấp nhận và hài lòng", ông Tùng kết luận.

Mai Anh