Quy mô nhà máy đường tại Lào của bầu Đức lớn đến đâu?

21/11/2013 13:56
Minh Hồng (Tổng hợp)
(GDVN) - Quyết định mạo hiểm khi đem 100 triệu USD xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu nhưng thành quả đem lại cho bầu Đức và HAGL thật bất ngờ, theo báo cáo tình hình kinh doanh mới nhất mảng mía đường đóng góp đến 64,4% cho tập đoàn này.
Được biết đến là doanh nghiệp đầu tư đa ngành từ bất động sản - xây dựng, khai khoáng, thủy điện, bóng đá, nông nghiệp… Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) do ông Đoàn Nguyên Đức (thường được biết đến với tên gọi Bầu Đức) đứng đầu đang có khuynh hướng đầu tư mạnh mảng nông nghiệp với cao su và mía đường. Nếu như cao su được coi là “vàng trắng” đóng góp lớn vào sự thành công trong việc đầu tư sang Lào và Campuchia những năm qua thì mía đường là lĩnh vực mới được HAGL quan tâm trong vòng hơn hai năm trở lại đây. Năm 2012 HAGL gây chú ý dư luận khi quyết định đầu tư 100 triệu USD khởi công xây dựng Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu. Cụm khu công nghiệp khép kín này đặt ngay nông trường mía bao gồm một máy tinh luyện đường công suất 120 ngàn tấn/năm, một nhà máy nhiệt điện 30 megawatt và một nhà máy sản xuất ethanol.
Nhà máy sản xuất đường của HAGL tại Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu
Nhà máy sản xuất đường của HAGL tại Cụm công nghiệp Mía đường Attapeu
Để có nguyên liệu cho nhà máy đường, HAGL dự kiến phát triển vùng nguyên liệu rộng 6.000 héc-ta trong năm đầu tiên và nâng dần lên trong những năm tiếp theo. Trước đó, HAGL đã đầu đầu tư trồng thử nghiệm và trồng đại trà một diện tích mía đường lớn. Riêng trong vụ mùa 2012, HAGL đã trồng được 5.530 ha mía. Đồng thời, tập đoàn này đã xây dựng xong nhà máy sản xuất đường với công xuất 7.000 tấn mía/ngày và nhà máy nhiệt điện chạy bằng bã mía với công suất 30 MW. Lứa mía đầu tiên đã được thu hoạch và nhà máy bắt đầu vận hành trong tháng 1/2013.
Bước sang mùa 2013, HAGL dự kiến trồng thêm 4.470 ha mía và xây dựng xưởng sản xuất phân vi sinh công suất 50.000 tấn/năm. Với hơn 10.000 ha mía, dự kiến hàng năm sản lượng đường thành phẩm sẽ đạt trên 100.000 tấn. Việc chủ động nguồn nguyên liệu với giống mía cho năng xuất 130 tấn/hecta cùng với hệ thống tưới nước tự động từ Israel cùng diện tích canh tác lớn và liền vùng nên Hoàng Anh Gia Lai có thể áp dụng máy móc thiết bị trong công tác trồng, chăm sóc và thu hoạch mía. Nhờ đó năng suất mía đạt cao và giá thành mỗi tấn mía thấp hơn nhiều so với mặt bằng chung của ngành. Đây là yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công trong ngành mía đường. Theo báo cáo tình hình kinh doanh của HAGL mới đây cho thấy, mảng mía đường đạt biên lãi gộp cao nhất trong 8 lĩnh vực kinh doanh chính của tập đoàn, với 64,4%. Trong khi đó, với các doanh nghiệp mía đường trong nước, với kinh nghiệm trồng và sản xuất mía đường lâu năm, biên lãi gộp chỉ ở mức 12%. Việc quyết định đầu tư sang ngành mía đường tại đất nước Triệu Voi của Bầu Đức được xem là khôn ngoan bởi lẽ chất lượng mía trồng ở Lào cao hơn nhiều so với ở Việt Nam. Việt Nam chỉ đạt năng suất 63 tấn mía/ha, thu hồi đường đạt 5,7 tấn đường/ha, trong khi Thái Lan, một trong những quốc gia đứng đầu về mía đường, đạt 90 tấn mía/ha, thu hồi 11 – 12 tấn đường/ha. Bộc bạch về bí quyết thành công với mía đường, Bầu Đức cho rằng tất cả nhờ công nghệ, theo ông Đức chi phí sản xuất ra một tấn mía đường ở Việt Nam tốn khoảng 1 triệu đồng. Riêng chi phí chặt mía, ở Việt Nam tốn khoảng 170 ngàn/tấn mía. Trong khi đó, theo tính toán của HAGL, chi phí này ở Lào chỉ mất khoảng 240 ngàn đồng/1 tấn mía do ông Đức đầu tư hẳn máy chặt mía về phục vụ việc thu hoạch. Bên cạnh đó, việc tận dụng bã mía sẽ làm nguyên liệu cho nhà máy nhiệt điện, rồi lấy tro quay trở lại làm phân bón mía. Cộng thêm tiền thu từ việc bán điện giá khiến giá thành sản xuất tấn mía đường của Bầu Đức giảm mức tối đa. Theo kế hoạch của HAGL năm 2013, tập đoàn này sẽ phấn đầu đạt sản lượng 411.440 tấn mía và 45.715 tấn đường, năm 2014 con số tăng lên 1.056 triệu tấn mía cùng với đó 117.440 tấn đường. Kế hoạch năm 2015 HAGL ước đạt 1.192 triệu tấn mía hơn 132.444 tấn đường.
Minh Hồng (Tổng hợp)