Sai phạm nhiều tỷ đồng dự án BT Hà Nội: Tiền "chạy" đi đâu, rơi vào túi ai?

23/07/2017 06:09
Mai Anh
(GDVN) - Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, với từng dự án theo hợp đồng BT của Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm người ký, người thẩm định, phê duyệt dự án.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, Thanh tra Chính phủ vừa có kết luận thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm.

Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan có liên quan có biện pháp xử lý về cơ chế chính sách, hành chính, xử lý kinh tế về khoản tiền hơn 1.600 tỷ đồng, gần 38 triệu USD.

Đồng tình với kiến nghị xử lý khuyết điểm, vi phạm tại các dự án BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường của Hà Nội Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An Đại biểu Quốc hội Khóa 13 cho rằng, Thành phố Hà Nội cần làm rõ trách nhiệm người ký, thẩm định và phê duyệt dự án. 

Đồng thời phải làm rõ khoản tiền trước khi Thanh tra Chính phủ nêu ra “chạy”đi đâu? Rơi vào túi ai?

Một đoạn đường thuộc dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (một trong các dự án BT có nhiều vi phạm được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong kết luận) - ảnh H.Lực
Một đoạn đường thuộc dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường từ đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương (một trong các dự án BT có nhiều vi phạm được Thanh tra Chính phủ nêu ra trong kết luận) - ảnh H.Lực

Xử lý kinh tế hàng tỷ đồng

Một trong những vi phạm, khuyết điểm được Thanh tra Chính phủ nêu ra tại các dự án BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường của Hà Nội từ năm 2008 đến năm 2012 chính là việc Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội và các cơ quan trực thuộc thẩm định, phê duyệt, chưa chính xác, chưa đúng chế độ quy định làm sai tăng tổng vốn đầu tư dự án, ảnh hưởng đến việc tính toán, sắp xếp phương án giao đất đối ứng để xác định tiền sử dụng đất.

Ngoài ra còn xuất phát từ việc thẩm định, đánh giá lựa chọn các doanh nghiệp không đủ năng lực tài chính để thực hiện các dự án. 

Điển hình như việc chọn Công ty cổ phần Tasco nhà đầu tư dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương; Công ty Bitexco chủ đầu tư thực hiện dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An… Các doanh nghiệp này đều không đảm bảo năng lực tài chính nhưng vẫn được lựa chọn.

Những vi phạm, khuyết điểm này của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội dẫn đến chậm tiến độ, đội vốn. 

Ngay Dự án Nhà máy nước Yên Sở, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ giá trị thực hiện nạo vét và đề nghị quyết toán vào giá trị dự án theo báo cáo của chủ đầu tư là 9,8 triệu USD nhưng không có hồ sơ, tài liệu được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền điều tra; kéo dài thời gian hoàn thành dự án do công tác thi công khiến tăng chi phí phát sinh ngoài hợp đồng hơn 11,5 triệu USD…

Một góc nhà máy nước Yên Sở - ảnh nguồn Công ty Gamuda
Một góc nhà máy nước Yên Sở - ảnh nguồn Công ty Gamuda

Từ những vi phạm trên Thanh tra Chính phủ  kiến nghị giảm trừ quyết toán 1,339 triệu USD (30 tỷ đồng) đối với phát sinh lãi vay sau ngày 8/11/2012 tại dự án nhà máy nước thải Yên Sở.

Bên cạnh đó, giảm trừ khi quyết toán hơn 612 nghìn USD (14 tỷ đồng) do tính toán trùng lắp các hạng mục đầu tư dự án này và giảm trừ chi phí bồi thường đất trùng lắp 64 nghìn USD (1,5 tỷ đồng).

Trong khi đó Dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ chỉ rõ công tác lập, thẩm định và phê duyệt vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng làm tăng giá trị hợp đồng BT lên hơn 19,5 tỷ đồng.

Do đó, Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thành phố Hà Nội cần tính thêm giá trị tiền sử dụng đất để nộp vào ngân sách nhà nước hơn 11,2 tỷ đồng do áp sai suất vốn đầu tư.

Bên cạnh đó, dự án này còn 37 tỷ đồng tiền sử dụng đất tăng thêm cần rà soát xác định lại để khi thanh toán hợp đồng BT chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước.

Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ đề nghị Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội chỉ đạo Ủy ban nhân dân quận Nam Từ Liêm và nhà đầu tư là Công ty Cổ phần Tasco giảm trừ tổng mức đầu tư hơn 19,5 tỷ đồng.

Sai phạm nhiều tỷ đồng dự án BT Hà Nội: Tiền "chạy" đi đâu, rơi vào túi ai? ảnh 3

Sai phạm dự án BT, BOT, kiến nghị xử lý trách nhiệm lãnh đạo Hà Nội

Với dự án đường bao quanh khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, kết luận Thanh tra Chính phủ cho biết, công tác lập, thẩm định và phê duyệt tổng vốn đầu tư không chính xác do áp dụng định mức, đơn giá và tính toán khối lượng không đúng, làm tăng số tiền hơn 12 tỷ đồng; 

Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công chưa chính xác do tính sai khối lượng, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm tăng số tiền hơn 15 tỷ đồng.

Tại dự án này, số tiền cần giảm trừ giá trị tổng mức đầu tư là 12 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ yêu cầu loại khỏi thanh toán 6,2 tỷ đồng do sai phạm về khi phê duyệt thiết kế.

Dự án đường Lê Văn Lương Thanh tra Chính phủ kết luận việc xác định thi công cọc và sàn giảm tải, tường chắn mô cầu vượt Sông Nhuệ, phát sinh do tăng mật độ cọc là gần 8 tỷ đồng, khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp nhận về kỹ thuật, không đúng với quy định về quản lý dự án đầu tư. 

Chi phí giải phóng mặt bằng liên quan đến việc di chuyển đường điện 0,4kv, điện nước phục vụ các hộ dân tái định cư, chi phí đo đạc khảo sát... phát sinh với giá trị hơn 7,7 tỷ đồng. 

Trong đó, giá trị khối lượng thực hiện trên địa bàn quận Nam Từ Liêm chưa được xác nhận theo quy định, do vậy, chưa đủ điều kiện để quyết toán đối với khối lượng này. 

Dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ Thanh tra Chính phủ kết luận, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt và tính chi phí lãi vay 920 tỷ đồng trong tổng vốn đầu tư dự án BT là không có cơ sở dẫn đến xác định giá trị tổng vốn đầu tư để ký hợp đồng sai tăng 920 tỷ đồng.

Sai phạm nhiều tỷ đồng dự án BT Hà Nội: Tiền "chạy" đi đâu, rơi vào túi ai? ảnh 4

Sai phạm quá nhiều dự án, Hà Nội phải xử lý cả cán bộ đã nghỉ hưu

Nhà đầu tư đã chiếm dụng ngân sách nhà nước trong thời gian dài đối với số tiền chênh lệch phải nộp ngay vào ngân sách nhà nước là 510,12 tỷ đồng (tại thời điểm tháng 4/2008). 

Với những vi phạm trên, Thanh tra Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) nộp ngay vào ngân sách Nhà nước 1.428 tỷ đồng dự án đường trục phía Nam tỉnh Hà Tây cũ.

Trong đó, 902 tỷ đồng chi phí lãi vay và 510 tỷ đồng tiền chênh lệch giữa tiền giá trị sử dụng đất và công trình BT.

Tại dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên, Thanh tra Chính phủ xác định số tiền hơn 18,7 tỷ đồng tiền trả lãi vay của các khoản vay để đảo nợ không được dùng vào mục đích đầu tư dự án BT, không đủ cơ sở để tính vào giá trị quyết toán công trình. 

Thanh tra Chính phủ kiến nghị cần giảm trừ 10,5 tỷ đồng và tính toán lại gần 4 tỷ đồng do chênh lệch giá các nguyên vật liệu.

Số tiền trả lãi vay ngân hàng 15 tỷ đồng, Thanh tra Chính phủ cũng yêu cầu không tính vào giá trị quyết toán công trình.

Dự án nút giao thông trung tâm Long Biên Thanh tra Chính phủ chỉ rõ công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư không chính xác do tính sai khối lượng trị giá hơn 34 tỷ đồng; 

Công tác lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế bản vẽ không chính xác dẫn đến tăng giá trị 4,5 tỷ đồng; 

Công tác giải phóng mặt bằng, phê duyệt dự án gói thầu, định mức chưa phù hợp làm tăng giá trị 22,9 tỷ đồng.

Trước vi phạm tại dự án nút giao thông trung tâm Long Biên Thanh tra Chính phủ kiến nghị giảm trừ 34 tỷ đồng vốn sai quy định.

Tiền rơi vào túi ai? 

Liên quan đến kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc chấp hành quy định pháp luật trong thực hiện một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trên địa bàn Thành phố Hà Nội, trong đó chỉ ra nhiều sai phạm.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng, sai phạm của dự án giao thông BT, BOT trên cả nước nói chung và Hà Nội nói riêng làm méo mó chủ trương đúng của Đảng, Nhà nước trong việc huy động vốn xã hội hóa, giảm niềm tin của nhà đầu tư chân chính, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Vì vậy, việc Thanh tra Chính phủ công bố những vi phạm và đề nghị xử lý kinh tế nhiều tỷ đồng tại các dự án nêu trên là đúng đắn, nhằm thu hồi tiền thất thoát của nhà nước.

Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13 cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Thành phố Hà Nội liên quan đến vi phạm, khuyết điểm tại dự án BT theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII, ảnh Ngọc Quang.
Phó Giáo sư – Tiến sĩ Bùi Thị An – Đại biểu Quốc hội khóa 13  cho rằng cần phải làm rõ trách nhiệm lãnh đạo Thành phố Hà Nội liên quan đến vi phạm, khuyết điểm tại dự án BT theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 - Khóa XII, ảnh Ngọc Quang.

Bà An đề nghị: “Xem xét trách nhiệm cá nhân lãnh đạo cần xem dự án ai ký thẩm định, phê duyệt, ai ký cấp phép? Trước hết, lãnh đạo ký các quyết định thẩm định, phê duyệt, ký quyết định chỉ định nhà đầu tư mà có vi phạm khuyết điểm phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ trong quyết định chỉ định thầu, khi ký quyết định lãnh đạo thành phố có thẩm định năng lực tài chính của doanh nghiệp hay không? Có nắm rõ tình hình hoạt động của doanh nghiệp hay không?”.

Theo Phó Giáo sư Bùi Thị An, cần phải làm rõ số tiền chênh lệch được Thanh tra Chính phủ đề nghị thu hồi tại sao lại thất thoát, thất thoát này là do đâu và rơi vào túi ai?

“Chắc chắn số tiền chênh lệch Thanh tra Chính phủ kiến nghị xử lý không được sử dụng để thực hiện dự án, nó không nằm ở trong công trình, trong các dự án. Số tiền đó đi đâu, rơi vào túi ai Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội cần phải làm rõ”, bà An nói.

Theo Phó Giáo sư An, khi làm rõ trách nhiệm cá nhân trong những vi phạm khuyết điểm tại dự án BT của Hà Nội, lãnh đạo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội phải đưa ra xử lý trách nhiệm cá nhân trách nhiệm tập thể một cách công khai, minh bạch sai đâu xử lý ở đó.

“Tinh thần xử lý đúng như Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII, đó là cương quyết xử lý cán bộ đảng viên sai phạm và không có vùng cấm đối với bất cứ ai vi phạm. Ngay cả trường hợp cán bộ lãnh đạo nghỉ hưu, chuyển công tác nếu vi phạm cũng phải làm rõ, xử lý nghiêm”, bà An cho biết.

Bà An cho rằng, những vi phạm, khuyết điểm trong kêu gọi đầu tư dự án giao thông, môi trường theo hình thức BT của Hà Nội sau giai đoạn bùng nổ có nhiều vi phạm trong thẩm định, phê duyệt, cấp phép, giám sát…

"Kết luận của Thanh tra Chính phủ là lúc để Hà Nội nhìn lại việc xét duyệt dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT. Vi phạm, khuyết điểm của dự án BT được làm rõ chính là bài học hôm nay và sau này cho Hà Nội và các địa phương khác", bà An nhận định. 

Mai Anh