Sân bay Long Thành nguy cơ chậm tiến độ đến năm 2023

18/01/2016 15:31
Mai Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Dự án xây dựng sân bay Long Thành có nguy cơ chậm tiến độ phải đến năm 2023 mới khởi công trong khi đây phải làm năm hoàn thành giai đoạn 1 dự án.

Đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (UBKT) vừa kết hợp với các ngành chức năng của tỉnh Đồng Nai tổ chức khảo sát thực địa khu vực Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành. Sau khi khảo sát, Đoàn đã có cuộc gặp gỡ, đối thoại với người dân đang sinh sống trong vùng quy hoạch để ghi nhận nguyện vọng của dân.

Tại buổi làm việc, người dân mong Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành sớm triển khai để họ có điều kiện ổn định cuộc sống. Theo đó, Nhà nước thực hiện quy hoạch, người dân ủng hộ và sẵn sàng di dời để nhường mặt bằng cho sân bay.

Ảnh phối cảnh sân bay Long Thành.
Ảnh phối cảnh sân bay Long Thành.

Tuy nhiên, hơn chục năm qua, Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành chưa triển khai khiến cuộc sống người dân hết sức khó khăn, sống trong cảnh thấp thỏm, âu lo, đợi chờ dự án...

Từ 10 năm trước khi dự án quy hoạch sân bay Long Thành công bố thì mọi hoạt động xây dựng, sang nhượng đất đai tại 6 xã Long An, Bình Sơn, Cẩm Đường, Suối Trầu, Bàu Cạn, Long Phước của huyện Long Thành đều bị đình lại. 

Nhiều ngôi nhà vì thế xuống cấp nghiêm trọng, mục nát và có nguy cơ sụp đổ. Các trường học cũng không được sửa sang vì lý do “sắp di dời”, còn công việc người dân cũng chỉ làm cầm chừng cho qua ngày, đợi dự án triển khai.

Theo ông Võ Văn Chánh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai nếu như làm tuần tự theo quy định của nhà nước thì việc giải tỏa mặt bằng có thể hoàn thành vào năm 2022, trong khi mong muốn hiện nay là năm 2018. 

Như vậy, dự án xây dựng sân bay được khởi công thì mặt bằng chưa được giải tỏa. Thời gian dài như vậy, khiến cuộc sống người dân thêm khó khăn nên tỉnh kiến nghị Chính phủ cho phép tách khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư thành dự án riêng và được thực hiện song song với công tác lập phương án khả thi xây dựng sân bay. Khi có quyết định xây dựng cảng hàng không thì có sẵn mặt bằng để dự án được tiến hành triển khai ngay.

Đồng quan điểm ông Nguyễn Văn Phúc - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội - cho biết: Đây là một dự án lớn điển hình với gần như 100% người dân ủng hộ. Nếu thiếu sự ủng hộ này của người dân thì dự án nhất quyết không thể triển khai được. 

Do đó mong muốn đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nếu không có cơ chế đặc thù thì dự án sẽ chậm từ 3-5 năm gây thiệt hại lớn về kinh tế và đời sống nhân dân gặp khó khăn.

Với tiến độ như hiện nay, Chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) dự tính đến 7/2017 mới trình lên Bộ Giao thông báo cáo khả thi dự án để Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư vào kỳ họp đầu tiên của năm 2018.

Như vậy, thuận lợi nhất tức báo cáo khả thi dự án được thông qua thì năm 2018 Thủ tướng mới bố trí vốn để xây dựng hai khu tái định cư Lộc An, Bình Sơn và đến năm 2020 mới có thể tiến hành giải phóng mặt bằng. Khi ấy, việc thu hồi đất nhanh nhất cũng phải tới 2023 mới xong.

Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, dự án phải khởi công vào năm 2018 để chậm nhất là kết thúc giai đoạn 1 (hoàn thành nhà ga, một đường cất hạ cánh để đón 25 triệu hành khách mỗi năm) vào năm 2025. 

"Tuy nhiên, nếu thực hiện các bước theo quy định hiện hành thì phải tới năm 2023 mới khởi công, tức chậm 5 năm so với nghị quyết của Quốc hội", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho biết.

Do vậy, Ủy ban kinh tế Quốc hội đề nghị Thủ tướng trình Quốc hội cơ chế đặc thù về thu hồi đất, tái định cư, cụ thể là xin bố trí vốn để tái định cư, giải phóng mặt bằng trước khi phê duyệt báo cáo khả thi.

Trước đó, theo Nghị quyết được Quốc hội thông qua chủ trương hồi tháng 6/2015, Sân bay Long Thành được coi là cảng hàng không quốc tế quan trọng của quốc gia, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Long Thành có công suất thiết kế 100 triệu hành khách và 5 triệu tấn hàng hóa mỗi năm sau khi hoàn tất ba giai đoạn vào năm 2050. Khái toán cho toàn bộ dự án là 336.630 tỷ đồng (tương đương 16,03 tỷ USD, áp dụng đơn giá của năm 2014), trong đó giai đoạn một là 114.450 tỷ đồng (tương đương 5,45 tỷ USD). 

Dự án được sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước, vốn cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước của ngành hàng không, vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn doanh nghiệp, vốn đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) và các loại vốn khác.

Mai Anh (Tổng hợp)