Sao nỡ tiếc một lời khen thưởng?

23/03/2016 10:06
Việt Hoài
(GDVN) - Lẽ nào, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lại quên người có công đầu trong việc cứu vãn thảm họa ở sự cố sập cầu Ghềnh.

Vào 11h30 ngày 20/3, cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm làm gẫy hai nhịp cầu. Cũng vào thời khắc ấy, trạm gác chắn tàu Bửu Hòa nhận được lệnh đóng chắn, đón tàu hàng đang chạy hướng từ ga Dĩ An (Bình Dương) tới.

Dù cầu Ghềnh nằm không quá xa với trạm gác chắn tàu Bửu Hòa nhưng khi cầu sập, ba nhân viên của trạm không hề hay biết. 

Chỉ đến khi họ chuẩn bị hạ chắn thì một người đàn ông- đó chính là anh Huỳnh Ngọc Hoàng nhà ở ngay sát cầu, trú tại ấp Tân Mỹ, khu phố 4, phường Bửu Hòa (TP Biên Hòa) chạy đến báo là cầu sập.

Sao nỡ tiếc một lời khen thưởng? ảnh 1
Vào 11h30 ngày 20/3, cầu Ghềnh bắc qua sông Đồng Nai bị sà lan đâm làm gẫy hai nhịp cầu (Ảnh: TTXVN)

Anh Hoàng kể lại, cả nhà đang ăn cơm thì bỗng nghe tiếng va chạm rất lớn, nhà anh cũng bị rung động mạnh. Chạy vội ra xem thì anh Hoàng mới hay cầu bị sà lan đâm sập.

Vì nhà ở gần đường tàu nên khi cầu sập anh Hoàng nghe được tín hiệu báo tàu sắp đến, nên anh đã chạy nhanh về phía trạm gác chắn, báo cho nhân viên biết là cầu đã sập. 

Nhận được tin báo từ anh Hoàng, ba nhân viên trạm gác đã kịp thời báo tín hiệu để đoàn tàu chở hàng dừng lại, ở trong khoảng cách “sinh tử”, cách cầu Ghềnh hơn 200m.

Nhờ vậy mà thảm họa "kép" đã không xảy ra.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã quyết định thưởng nóng cho ba nhân viên của trạm gác chắn, vì đã “ngăn được vụ tai nạn đường sắt, đảm bảo an toàn tính mạng cho nhiều người và tài sản".

Tên của ba nhân viên trạm gác chắn Bửu Hòa: Phạm Tiến Dũng, Phan Tiến Dũng và Ngô Việt Phái tràn ngập trên phương tiện thông tin.

Họ xứng đáng để được khen ngợi và nhận phần thưởng.

Thế nhưng, dư luận lại thấy lăn tăn, là vì sao Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam không có lấy lời khen, không có lấy chút quà thưởng tới anh Huỳnh Ngọc Hoàng. 

Phải chăng anh là người dân, không phải quân số của ngành đường sắt nên không nằm trong diện được khen thưởng.

Nếu không có tin báo của anh Hoàng- cho dù sau đó, nhân viên trạm gác chắn tàu Bửu Hòa có phát hiện cầu Ghềnh sập thì cũng không đủ thời gian để phát tín hiệu cho tàu hàng dừng lại.

Và điều gì sẽ xảy ra khi tàu đang chạy ở vận tốc 45km/h?

Theo lời kể của anh Phạm Tiến Dũng đăng tải trên báo Đồng Nai: Ba chúng tôi chuẩn bị hạ chắn thì một người đàn ông chạy từ hướng cầu Ghềnh lên và hét to cầu Ghềnh sập rồi. 

Do gác chắn ở vị trí khuất tầm nhìn nên anh Dũng ở vị trí gác chắn làm trung gian báo tin. Anh Phái chạy đến cầu Ghềnh để xác minh, còn tôi chạy về hướng đoàn tàu đang tới.

Khi anh Dũng giơ hiệu cờ làm ám hiệu báo tin cầu sập là chính xác, tôi tức tốc ra hiệu để tàu dừng. Khoảng cách tàu dừng cách cầu Ghềnh khoảng 200 m, bằng 5 giây tàu chạy.

Khi được hỏi, anh Hoàng chỉ cười và nói rằng, thấy cầu sập thì mình phải báo cho nhân viên để họ dừng tàu. Anh không quan tâm đến chuyện khen hay thưởng.

Thế nhưng dư luận xã hội dậy sóng nói lời cảm ơn nghĩa cử cao đẹp của anh. Anh là người có lương tâm và trách nhiệm với xã hội. Anh không nhận được lời khen, phần thưởng, nhưng tên anh đã ở trong trái tim nhiều người.

Và dư luận vẫn cứ day dứt với câu hỏi “nếu không có tin báo của anh Hoàng”, liệu ba nhân viên trạm gác chắn có kịp báo hiệu để đoàn tàu dừng lại?

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam lẽ nào lại “quên” công dân Huỳnh Ngọc Hoàng- người có công đầu trong việc cứu vãn thảm họa ở sự cố sập cầu Ghềnh.

Việt Hoài