Sáp nhập Ngân hàng Phương Nam vào Sacombank, ai hưởng lợi?

07/03/2014 10:54
Thảo Nguyên
(GDVN) - Vì sao Sacombank lại chọn Ngân hàng Phương Nam mà không là ngân hàng khác? Nếu thương vụ này thành công, ai có lợi nhất?

 
Mới đây, theo tiết lộ của một số lãnh đạo tại ngân hàng Sacombank với báo chí: Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên ngày 25/3/2014 tới đây, Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank - STB) sẽ bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị mới và Sacombank đang chuẩn bị trình Ngân hàng Nhà nước đề án sáp nhập với Ngân hàng TMCP Phương Nam.

Hai ngân hàng hiện đang xem xét quy trình, thủ tục và xây dựng đề án để trình NH Nhà nước. Dự kiến ngày 10/3 NH sẽ công bố dự thảo nội dung đại hội cổ đông, trong đó có nội dung trình đại hội cổ đông chấp thuận chủ trương cho NH Phương Nam sáp nhập vào Sacombank theo nghị quyết đại hội đồng cổ đông 2013.

Thực trạng Ngân hàng Phương Nam

Ngân hàng Thương mại cổ phần Phương Nam (Ngân hàng Phương Nam) thành lập và khai trương hoạt động từ 4/6/1993, là một trong những ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên tham gia Bảo hiểm tiền gửi.

Ngân hàng Phương Nam đang sở hữu 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ, mạng lưới hoạt động 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc. Ảnh minh họa.
Ngân hàng Phương Nam đang sở hữu 4.000 tỷ đồng vốn điều lệ, mạng lưới hoạt động 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc. Ảnh minh họa.

Với vốn điều lệ ban đầu là 10 tỷ đồng đến nay Ngân hàng Phương Nam đang sở hữu số vốn điều lệ là 4.000 tỷ đồng, mạng lưới hoạt động 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc; tổng tài sản đạt hơn 75.269 tỷ đồng với khoảng 3.000 nhân viên.

Trong giai đoạn phát triển từ 1997 – 2003, ngân hàng Phương Nam đã tiến hành sáp nhập với Ngân hàng TMCP Đồng Tháp năm 1997, sáp nhập Ngân hàng TMCP Đại Nam năm 1999. Năm 2000 mua Quỹ Tín Dụng Nhân Dân Định Công Thanh Trì Hà Nội. Năm 2001 sáp nhập Ngân hàng TMCP Nông Thôn Châu Phú và năm 2003 Sáp nhập Ngân hàng TMCP Nông Thôn Cái Sắn, Cần Thơ.

Hiện, cổ đông lớn nhất tại ngân hàng Phương Nam là United Overseas Bank Limited (UOB) đang sở hữu 19,99% vốn điều lệ, đứng thứ 2 là ông Trầm Bê sở hữu 8,36%. Các cổ đông còn lại bao gồm: con gái ông Trầm Bê, bà Trầm Thuyết Kiều 7,36%, Công ty TNHH Tropical Investments Việt Nam 5,68%, Trầm Trọng Ngân 4,42% và các cổ đông khác chiếm 54.19%.

Nhìn qua cơ cấu cổ đông của Ngân hàng Phương Nam dễ thấy, gia đình ông Trần Bê đang nắm giữ nhiều vị trí quan trọng cũng như vốn điều lệ lớn tại Ngân hàng Phương Nam.

Theo thống kê của Ngân hàng nhà nước, lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 3/2013 của Ngân hàng TMCP Phương Nam chỉ đạt 36 tỷ đồng, giảm 71% so với cùng kỳ năm trước. Nợ xấu của ngân hàng tính đến cuối tháng 9/2013 ở mức 3,79% (1.650 tỉ đồng) trên tổng dư nợ 43.539 tỉ đồng. So với đầu năm, số tuyệt đối thì nợ xấu của ngân hàng này đã tăng 474 tỉ đồng. Đặc biệt, nợ có khả năng mất vốn tăng 25% lên 999 tỉ đồng.

Sáp nhập Ngân hàng Phương Nam và Sacombank, ai hưởng lợi?

Một câu hỏi được đặt ra là vì sao Sacombank lại chọn Ngân hàng Phương Nam mà không là ngân hàng khác? Và nếu thương vụ này thành công, ai có lợi nhất?

fg
fg

Trả lời câu hỏi này trên báo Tuổi trẻ, ông Phan Huy Khang – Tổng giám đốc Ngân hàng (NH) Sacombank, cho biết: Phương Nam là Ngân hàng tầm trung, có mạng lưới tương đối tốt và lượng khách hàng khá, nếu sáp nhập với Sacombank sẽ tạo thuận lợi cho sự phát triển của Sacombank. Sau khi sáp nhập với Phương Nam, Sacombank sẽ có mạng lưới, tổng tài sản chỉ đứng sau Agribank, Vietcombank, VietinBank và BIDV”.

NH Phương Nam hiện có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, mạng lưới hoạt động gồm 141 chi nhánh, phòng giao dịch và các đơn vị trực thuộc trên toàn quốc.

Sacombank hiện có vốn điều lệ 12.425 tỉ đồng, tổng tài sản hơn 160.000 tỉ đồng với 424 điểm giao dịch tại VN, Lào, Campuchia.

Vốn điều lệ của Sacombank sau khi sáp nhập là 16.425 tỉ đồng, tổng tài sản ở mức 240.000 tỉ đồng, có mạng lưới 564 điểm giao dịch.

Trao đổi với VnExpress chiều 6/3, vị lãnh đạo này cũng cho rằng: "Phương Nam cũng nhận thấy họ tự tái cấu trúc là không khả thi, nên đã đề nghị được sáp nhập vào Sacombank. Từ đó hai bên thống nhất nghiên cứu khả năng sáp nhập. Việc này đối với cả hai là tự nguyện, phù hợp với chủ trương của Nhà nước”.

Theo CEO Sacombank, đề án sáp nhập sẽ thống nhất giữ toàn bộ nhân sự của hai bên. Thương hiệu Southernbank sau đó sẽ không còn tồn tại, thay vào đó là cái tên hợp nhất Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín.

Nếu thương vụ thành công, ngân hàng sau sáp nhập có vốn điều lệ gần 16.500 tỷ đồng (bằng tổng vốn điều lệ hiện tại của Sacombank 12.425 tỷ đồng và Phương Nam 4.000 tỷ đồng), với tổng tài sản khoảng 240.000 tỷ đồng đưa quy mô nhà băng vươn lên, chỉ đứng sau "4 ông lớn quốc doanh".

Lãnh đạo Sacombank cho biết thêm, việc sáp nhập thực chất vẫn trong giai đoạn xúc tiến bước đầu. Trong trường hợp được đại hội cổ đông 2 bên thông qua, Sacombank và Sourther Bank cần nhận được sự chấp thuận của NHNN và các cơ quan quản lý mới tiến hành. Theo ông, đây là một quá trình lâu dài và cẩn trọng, cần đảm bảo đúng thủ tục, quy trình cũng như quyền lợi của khách hàng, cổ đông và sự an toàn trong hệ thống.

Trong khi đó, bình luận về việc sáp nhập Phương Nam vào Sacombank, ông Phạm Hữu Phú – Chủ tịch HĐQT Sacombank nói: “Cá nhân tôi cho rằng trong việc sáp nhập này, một số cổ đông sẽ cảm thấy thiệt thòi nhưng trong dài hạn thì việc sáp nhập này sẽ đem lại lợi ích rất lớn cho cổ đông cả hai bên. Các chi nhánh, phòng giao dịch của NH Phương Nam sau khi sáp nhập về Sacombank sẽ hoạt động hiệu quả hơn dưới sự điều hành của Sacombank, chi phí huy động vốn cũng rẻ hơn, các khoản cho vay cũng hiệu quả hơn. Sacombank sau khi nhận Phương Nam có thể sẽ chững lại nhưng triển vọng lâu dài sẽ tốt hơn, cổ đông cũng được hưởng lợi từ điều này. Nhìn rộng ra, cổ đông của cả hai bên NH sẽ được lợi từ thương vụ sáp nhập này chứ không riêng NH nào”.

Thảo Nguyên