Sẽ còn nhiều doanh nghiệp bán lẻ phải rời khỏi BigC

21/09/2016 07:20
Mai Anh
(GDVN) - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, sau Thế giới di động sẽ còn nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội khác bị yêu cầu rời khỏi Big C như một lẽ tất yếu.

Xác nhận với báo giới, ông Đặng Thanh Phong - Giám đốc truyền thông Công ty cổ phần đầu tư Thế giới di động (MWG) cho hay, đơn vị này vừa rút 22 cửa hàng ra khỏi hệ thống siêu thị Big C Việt Nam theo yêu cầu của Big C.

Theo ông Phong, việc rút 22 cửa hàng trong hệ thống Big C là một thỏa thuận kinh doanh bình thường.

Tuy nhiên động thái ra đi của Thế giới di động được cho dọn chỗ để hàng điện tử, điện lạnh Thái Lan vào thế chỗ tại Big C Việt Nam, đặc biệt sau thương vụ chuyển nhượng trị giá hơn 1 tỉ USD, Big C Việt Nam về tay Central Group của Thái Lan.

22 cửa hàng Thế giới di động phải rời BigC Việt Nam - ảnh nguồn Thế giới di động.
22 cửa hàng Thế giới di động phải rời BigC Việt Nam - ảnh nguồn Thế giới di động.

Ở góc nhìn thị trường bán lẻ, ông Vũ Vinh Phú - - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng, sau Thế giới di động sẽ còn nhiều doanh nghiệp bán lẻ nội khác bị yêu cầu rời khỏi Big C Việt Nam như một lẽ tất yếu, điều này mang lại yêu tố tích cực và tiêu cực.

Dọn sẵn chỗ đón hàng Thái

Như vậy, sau khi Central Group thâu tóm Big C Việt Nam, từ hàng thủy hải sản, giờ đến bán lẻ điện máy bị gây khó. Nếu không chịu được sức ép, sản phẩm phải rời khỏi hệ thống Big C là tất yếu.

Xét yếu tố thị trường, ông Vũ Vinh Phú cho rằng đó là điều dễ hiểu. Với ông chủ người Thái Lan, họ muốn đưa hàng Thái vào, do đó những động thái trên để gây sức ép, dọn chỗ cho hàng Thái.

“Ngay thời điểm thâu tóm Big C, lãnh đạo Central Group khẳng định hàng Thái chiếm 60-70% trong Big C, giờ họ đang hiện thực hóa điều ấy. Đặt lại vấn đề, nếu doanh nghiệp Việt thâu tóm doanh nghiệp bán lẻ tại nước ngoài sẽ tìm cách đưa hàng Việt sang và chiếm lĩnh”, ông Phú cho biết.

Tuy nhiên, động thái của Big C Việt Nam đang mang lại hiệu ứng cả tích cực và tiêu cực.

Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ảnh H. Lực.
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - ảnh H. Lực.

Về tiêu cực, điều này đang tạo hình ảnh hệ thống bán lẻ Big C Việt Nam o ép hàng Việt, muốn đẩy hàng Việt ra khỏi các gian hàng. Nếu hiệu ứng tiêu cực này lan tỏa sẽ tác động đến nhận thức và hành vi của người tiêu dùng. Từ đó có thể tạo ác cảm trong suy nghĩ của người tiêu dùng Việt, thậm chí dẫn đến tẩy chay BigC. 

Khi người tiêu dùng quay lưng, doanh nghiệp sản xuất tìm đến hệ thống bán lẻ khác có mức chiết khấu hợp lý hơn... BigC có thể lâm vào thế khó. "Nên nhớ, không có hàng Việt sẽ không hút được người tiêu dùng Việt", ông Phú nói.

Về mặt tích cực, việc hàng loạt cửa hàng Thế giới di động buộc phải rời khỏi siêu thị Big C Việt Nam cũng là cơ hội để doanh nghiệp bán lẻ trong nước nhìn lại kế hoạch xây dựng chiến lược và xây dựng chuỗi liên kết.

“Thực tế, bán lẻ Việt đang tự hại nhau. Tôi biết có siêu thị nội lấy chiết khấu doanh nghiệp 15% cộng các khoản khác 9%, như vậy doanh nghiệp phải bỏ chiết khấu tới 24%, ngoài ra khi bán sản phẩm xong siêu thị chậm trả tiền doanh nghiệp. Siêu thị nội như vậy sao cạnh tranh được”, ông Phú cho biết.

Ngoài việc chiết khẩu cao, theo ông Phú hệ thống bán lẻ nội đang thiếu sự liên kết, thiếu chuyên nghiệp trong phục vụ dẫn đến người tiêu dùng quay lưng.

“Tôi không tiện nói nhưng đi đến siêu thị ngoại tại Hà Nội, đi vệ sinh xong đi ra người ta cũng nhắc xem có quên chìa khóa, quên điện thoại không, trong khi siêu thị Việt phải bỏ tiền gửi xe, vào không chào không hỏi, mua thì mua không mua thì thôi, thái độ phục vụ như vậy thì hàng có rẻ không ai muốn mua”, ông Phú cho biết.

Theo ông Phú hệ thống bán lẻ Việt đang thua người Thái mọi khía cạnh. Về chất lượng hàng hóa điện máy chiếm đến 75% thị phần trong nước, hoa quả chiếm 42%, chất lượng hàng Thái hơn hẳn hàng liên doanh hay sản xuất trong nước trong khi về giá chỉ cao hơn khoảng 5%. 

“Người Thái đi trước một bước trong các thương vụ sáp nhập mua bán Big C Việt Nam hay Nguyễn Kim. Cả Big C và Nguyễn Kim đều là ông lớn thị trường bán lẻ, có sẵn thương hiệu, vị trí... cộng thêm hàng Thái có chất lượng nữa, việc ông chủ Thái chiếm lĩnh thị trường bán lẻ Việt Nam là điều cảnh báo từ lâu”, ông Phú nhận định.

Cần đẩy mạnh mô hình như Vinmart

Trong bức tranh xám về doanh nghiệp bán lẻ nội địa, ông Phú chỉ ra điểm sáng duy nhất là hệ thống bán lẻ Vinmart của Tập đoàn Vingroup.

Theo ông Phú, tuy Vingroup chỉ mới đầu tư tay ngang sang bán lẻ nhưng với tiềm lực vốn, chiến lược rõ ràng, hiệu quả mang tính nhân văn, lan tỏa đã nhận được sự ủng hộ của thị trường và khách hàng.

“Trong lúc siêu thị ngoại lấy chiết khấu cao, Vinmart đưa ra chính sách miễn 1 năm chiết khấu cho doanh nghiệp bán thực phẩm tươi sống, như vậy quá nhân văn, tạo điều kiện cho hàng Việt lên sạp nhiều hơn”, ông Phú nói.

Theo ông Phú mô hình Vingroup xây dựng Vinmart là cách duy nhất để doanh nghiệp bán lẻ Việt thành công.
Theo ông Phú mô hình Vingroup xây dựng Vinmart là cách duy nhất để doanh nghiệp bán lẻ Việt thành công.

Phân tích sâu hơn về hệ thống Vinmart,  Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội cho rằng Tập đoàn Vingroup đã đồng loạt mở siêu thị lớn nhưng cũng đầu tư hệ thống cửa hàng tiện ích. Với định hướng mở 100 siêu thị, 1.000 cửa hàng tiện ích, với chuỗi bán lẻ liên kết như vậy Vinmart mới cạnh tranh được bán lẻ ngoại.

Ngoài ra, việc Vinmartgroup đầu tư sản xuất nông sản sạch từ rau, củ, quả, gạo sạch cộng với việc liên kết 1.000 hợp tác xã nông hộ trồng rau củ quả sạch cho thấy sự bài bản và chủ động trong nguồn cung thực phẩm, một điều mà ngay cả siêu thị ngoại cũng chưa làm được.

“Rõ ràng với chiến lược bài bản, bền vững Vinmart đang là mô hình bán lẻ đáng học tập của các doanh nghiệp Việt”, ông Phú nói.

Mai Anh