"Siêu Ủy ban" giám sát 30 Tổng công ty, Tập đoàn sẽ làm giảm 70% nhóm lợi ích

26/07/2016 12:46
Mai Anh
(GDVN) - Theo ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó chủ tịch VAFI, thành lập “siêu Ủy ban” giám sát vốn nhà nước sẽ giúp giảm nhóm lợi ích tại các bộ ngành đang quản lý.

Dự thảo Nghị định về thực hiện các quyền và trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước trong đó đề xuất thành lập cơ quan chuyên trách thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các doanh nghiệp là Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp do Bộ Kế hoạch và đầu tư soạn thảo đang nhận được sự quan tâm lớn của dư luận.

Đang có hai chiều ý kiến, trong đó nhiều ý kiến lo ngại một cơ quan mới ra đời chuyên trách quản lý vốn nhà nước, quản lý doanh nghiệp sẽ làm phình bộ máy hành chính.

Ý kiến còn lại thì băn khoăn, việc “siêu Ủy ban” ra đời liệu có dẫm chân lên Tổng công ty Quản lý và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) – một đơn vị chuyên trách được giao nhiệm vụ quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp?

Đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đang nhận được sự quan tâm của dư luận - ảnh nguồn Chính phủ.
Đề xuất thành lập Ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp đang nhận được sự quan tâm của dư luận - ảnh nguồn Chính phủ.

Trước những vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, việc đưa ra đề xuất thành lập Ủy ban giám sát vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Bộ Kế hoạch và đầu tư xuất phát từ những hạn chế trong quản lý điều hành doanh nghiệp của các bộ, ngành địa phương.

Những hạn chế đó không chỉ làm khó doanh nghiệp nhà nước, khiến doanh nghiệp không phát triển và cạnh tranh được trong thời kỳ kinh tế thị trường, thời kỳ đất nước hội nhập mở cửa.

Bộ ngành quảnh lý làm khó doanh nghiệp 

Phó chủ tịch VAFI chỉ rõ 3 hạn chế lớn của bộ ngành trong quản lý doanh nghiệp: Thứ nhất là thủ tục hành chính. Về mặt quản lý một doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước chịu sự quản lý của một bộ ngành nào đó nhưng trong bộ ngành đó có nhiều đơn vị từ các phòng ban, cục, vụ.

Do đó, để giải quyết một thủ tục hành chính doanh nghiệp phải xin phép từ cấp cục, vụ, đến tổng cục, rồi cuối cùng là đến bộ, ngành để phê duyệt.

Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).
Ông Nguyễn Hoàng Hải – Phó Chủ tịch Hiệp hội các Nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI).

“Chính bộ máy hành chính đó khiến quá trình giải quyết thủ tục hành chính kéo dài doanh nghiệp mất cơ hội cạnh tranh. Cái gì cũng chờ phê duyệt, nên đôi khi muốn nhanh phải bôi trơn, từ đây nảy sinh tiêu cực.

Thay vì phải xin phép đủ các đơn vị nếu doanh nghiệp đưa về 1 siêu ủy ban với bộ máy gọn nhẹ kỳ vọng lớn nhất sẽ giúp doanh nghiệp giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính”, ông Nguyễn Hoàng Hải cho biết.

Thứ hai bổ nhiệm nhân sự. Do doanh nghiệp trực thuộc bộ, ngành nên việc bổ nhiệm nhân sự cũng phải chờ phê duyệt nhiều khâu từ vụ tổ chức cán bộ, văn phòng bộ, lãnh đạo bộ phê duyệt… Hay với cán bộ chủ chốt, lãnh đạo của doanh nghiệp bộ, ngành, địa phương quản lý có quyền bổ nhiệm.

Theo ông Hải, không ít trường hợp bộ ngành bổ nhiệm người không có kinh nghiệm vào chức vụ lãnh đạo doanh nghiệp dẫn đến điều hành quản lý kém.  

"Siêu Ủy ban" giám sát 30  Tổng công ty, Tập đoàn sẽ làm giảm 70% nhóm lợi ích ảnh 3

Nếu không có cơ chế minh bạch thì chưa nên thành lập "siêu ủy ban" giám sát vốn

"Siêu Ủy ban" giám sát 30  Tổng công ty, Tập đoàn sẽ làm giảm 70% nhóm lợi ích ảnh 4

VAFI tiếp tục điểm "tử huyệt" Bộ Công Thương

“Với vai trò quản lý, bộ ngành đưa cán bộ thân quen, con em hay đưa cán bộ công chức chưa có kinh nghiệm ở cục này, vụ kia vào doanh nghiệp nhà nước là có, dẫn đến doanh nghiệp hoạt động không hiệu quả. Điều này kỳ vọng sẽ được giảm đi nếu đưa doanh nghiệp về một Ủy ban mà tác khỏi lợi ích bộ ngành”, ông Hải cho hay.

Thứ ba là vấn đề chịu trách nhiệm. Rõ ràng về nguyên tắc, doanh nghiệp thuộc Bộ thì Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm.

“Tuy nhiên khi xin phê duyệt, nói đơn giản như lãnh đạo doanh nghiệp đi nước ngoài phải trải qua từ vụ tài chính, vụ quản lý cán bộ, văn phòng… doanh nghiệp đôi khi không biết ai là người chịu trách nhiệm giúp doanh nghiệp giải quyết nhanh vấn đề. Mặt khác, khi xảy ra sai phạmdoanh nghiệp thì trách nhiệm cơ quan quản lý như bộ ngành rất chung chung”, ông Hải nhận xét. 

Từ những phân tích trên, ông Nguyễn Hoàng Hải cho rằng việc đưa 30 tổng công ty, tập đoàn về một Ủy ban giám sát sẽ giúp tháo gỡ những rào cản trên để doanh nghiệp phát triển.

“Bên cạnh đó sẽ làm giảm 70%-80% nhóm lợi ích tại các bộ ngành hiện này”, ông Hải nói.

Không lo dẫm chân SCIC

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, khi “siêu Ủy ban” quản lý giám sát vốn nhà nước tại doanh nghiệp được thành lập sẽ giúp doanh nghiệp giải quyết tất cả các thủ tục hành chính có liên quan. Đây sẽ là đầu mối và cơ quan quản lý nhà nước lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp doanh nghiệp.

“Chính yếu tố quan trọng đó, ủy ban này phải do Chính phủ trực tiếp điều hành và phải có quy định về việc chọn cán bộ. Ví dụ, phải chọn cán bộ tại Ủy ban là người có kinh nghiệm quản lý doanh nghiệp có thành tích quản lý doanh nghiệp, tương dự quy định ủy ban khi bổ nhiệm cán bộ tại doanh nghiệp cần chọn người có kinh nghiệm không bổ nhiệm công chức viên chức, con cháu”, ông Hải nói.

Trước câu hỏi “siêu Ủy ban” ra đời liệu có dẫm lên nhiệm vụ SCIC, ông Hải cho rằng. Ủy ban là đơn vị quản lý nhà nước trong khi SCIC hoạt động như doanh nghiệp. SCIC cần tách ra khỏi Bộ Tài chính để hoạt động trực thuộc Chính phủ, có thể nằm trong “siêu ủy ban”.

“Thời gian qua dư luận đề cập đến những hạn chế trong việc SCIC chậm thoái vốn nhà nước, mang tiền nhà nước đầu tư vào lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ… Chính phủ cần yêu cầu SCIC thực hiện đúng nhiệm vụ và phải nhanh chóng đẩy nhanh quá trình thoái vốn. Tiền thu được thoái vốn nên đưa về ngân sách, đầu tư cơ sở hạ tầng không mang tiền đi đầu tư”, ông Hải nêu quan điểm.

“SCIC có nhiệm vụ thoái vốn, siêu Ủy ban đẩy nhanh cổ phần hóa hai đơn vị không ngại dẫm chân lên nhau vấn đề là cơ chế quản lý và việc chọn con người nắm giữ chức vụ trong SCIC và siêu ủy ban”, ông Hải cho biết thêm.

Lo ngại ngân sách nhà nước phải thêm cơ cấu lương, phình bộ máy... ông Hải đề nghị cơ cấu tổ chức của “siêu Ủy ban” chỉ nên dưới 100 người, nguồn tài chính chi trả không bằng ngân sách mà bằng lợi nhuận điều hành hoạt động doanh nghiệp.

Theo đó, tuy là cơ quan quản lý nhà nước nhưng hoạt động như đơn vị sự nghiệp có thu, tiền lương sẽ tương ứng với hiệu quả làm việc chứ không phải ngạch bậc công chức, viên chức.

Mai Anh