Sở Y tế Hà Nội trả lời vòng vo về việc quản lý phòng khám Maria

25/07/2012 09:41
Theo VnE
Liên tục bị truy vấn về trách nhiệm quản lý trước những sai phạm của Phòng khám Maria, nơi xảy ra cái chết của bệnh nhân Thu Phong, nhưng đại diện Sở Y tế Hà Nội lại “đổ” cho do thanh tra quá mỏng, chế tài xử phạt chỉ có thế…
Dù đại diện Sở Y tế là thành phần được mời tham gia thêm trong buổi giao ban báo chí thành uỷ Hà Nội chiều 24/7, thế nhưng câu chuyện quản lý phòng khám có yếu tố nước ngoài trên địa bàn lại là vấn đề nổi cộm.
Những câu hỏi liên quan đến quản lý lỏng lẻo, hậu kiểm chưa quyết liệt, trình độ tay nghề của các bác sĩ nước ngoài, trách nhiệm của Sở Y tế trong sự việc đáng tiếc tại phòng khám Maria… được nêu ra. Tuy nhiên, câu trả lời của lãnh đạo Sở, thanh tra hay phòng quản lý hành nghề y dược tư nhân vẫn chưa thực sự thoả đáng.
Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Đây là những vấn đề băn khoăn, trăn trở của ngành y tế trong vấn đề quản lý. Chúng tôi chia sẻ với bức xúc của người dân nhưng quả thực khối lượng công việc của ngành y tế quá lớn, riêng ngành y tế khó làm tốt mà cần sự vào cuộc của các cấp ngành”.
Nhiều thắc mắc về trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong sự việc nghiêm trọng tại Phòng khám Maria nhưng chưa được trả lời thỏa mãn.
Nhiều thắc mắc về trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội trong sự việc nghiêm trọng tại Phòng khám Maria nhưng chưa được trả lời thỏa mãn.

Theo ông, công tác kiểm tra hậu kiểm của Sở đối với các cơ sở y tế có yếu tố nước ngoài chưa được thường xuyên, các hình thức xử phạt chưa có tính răn đe. Vì thế sau khi xử lý, họ vẫn vi phạm.
“Như lần kiểm tra phòng khám 59 Khương Trung và phát hiện sai phạm vừa rồi, tôi có lợi thế là mới lên giám đốc nên họ chưa quen mặt, không cảnh giác, thậm chí còn mời vào khu vực khám để chờ. Tôi thực sự đề cao việc kiểm tra đột xuất và mong muốn được làm nhiều hơn nhưng lực lượng thanh tra không nhiều, việc đi kiểm tra hết các cơ sở là hết sức khó khăn”, ông Hiền cho biết thêm.
Về vấn đề Phòng khám Đa khoa Maria, báo chí liên tục đặt nghi vấn về việc tại sao phòng khám này mới đi vào hoạt động chưa đầy 2 năm nhưng đã bị xử phạt 4 lần (với những sai phạm như: 2 lần sử dụng bác sĩ nước ngoài không phép, quảng cáo quá mức cho phép…, phòng khám bị phạt 42,5 triệu đồng). Chỉ đến khi một bệnh nhân tử vong tại đây thì cơ quan chức năng mới ra quyết định đình chỉ hoạt động. Ngoài ra, một trong 3 bác sĩ hành nghề không phép trực tiếp điều trị cho bệnh nhân Thu Phong từng bị Sở đình chỉ trước đó cũng vì lý do hành nghề “chui”.
Lý giải việc này, ông Nguyễn Việt Cường, Chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết: “Những sai phạm trước đó của phòng khám này chiếu theo luật thì chưa đến mức đình chỉ, tước giấy phép. Không thể thích tước là tước được. Trước kia, việc bác sĩ hành nghề không phép chỉ bị phạt 1-3 triệu, thì nay thì mức phạt tăng lên 15-20 triệu".
“Ngày 20/7, chúng tôi đã mời chủ các phòng khám lên làm việc, yêu cầu ký cam kết. Trên cơ sở đó, nếu cơ sở tiếp tục tái phạm thì sẽ bị đình chỉ tước giấy phép”, ông Cường nói.
Rõ ràng việc quản lý phòng khám tư của cơ quan chức năng theo kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”. Chỉ đến khi có sự việc nghiêm trọng xảy ra, Sở Y tế mới tỏ ra quyết liệt trong việc xử lý sai phạm của các phòng khám. Thực tế, tháng 9/2011, Sở Y tế cũng từng mời chủ các phòng khám có yếu tố nước ngoài lên làm việc và tuyên bố nếu nếu vi phạm tái diễn sẽ đình chỉ hoạt động.
Trả lời câu hỏi về trách nhiệm của ngành y tế với trường hợp tử vong ở Phòng khám Maria, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, Nguyễn Khắc Hiền cho rằng, theo luật thì kinh doanh khám chữa bệnh là kinh doanh có điều kiện, có người đứng đầu chịu trách nhiệm chuyên môn, kỹ thuật. Vì thế, trước hết trách nhiệm ở đây thuộc về người sử dụng lao động, người đứng đầu phòng khám.
“Ngành y tế cũng có trách nhiệm trong việc quản lý, hậu kiểm, nhưng nếu không nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu phòng khám thì sẽ rất khó kiểm soát”, ông Hiền nói.
Sở Y tế cho rằng cần nâng cao trách nhiệm của người phụ trách chuyên môn của phòng khám. Thế nhưng qua sự việc ở Phòng khám Maria nhiều người đặt câu hỏi người phụ trách phòng khám có khác gì “bù nhìn”, bởi bác sĩ Đỗ Y Na trên giấy tờ là Trưởng phòng khám Maria (trực thuộc công ty Cổ phần tư vấn và đầu tư An Thịnh), nhưng thực chất theo bà này thì bà không có quyền hành gì. Ngay cả khi phát hiện sai trái, bất ổn trong hoạt động của phòng khám thì bà cũng không xin phép nghỉ được.
Kết luận buổi giao ban, ông Phan Đăng Long, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy cho rằng, trong quá trình hoạt động, người đứng đầu phòng khám, phụ trách chuyên môn của phòng khám có thể lách luật, làm chui, vì thế cần thanh tra, kiểm tra. Trên thực tế, Phòng khám Maria đã được thanh tra 4 lần. Sau những lần đó, những sai phạm đều bị xử lý, nhưng không thể thích là tước giấy phép của cơ sở.
"Luật không cho phép phạt bổ sung như vậy thì cơ quan quản lý cũng không thể đi quá giới hạn. Nếu ra quyết định rút giấy phép thì người ta kiện", ông nói.
Nhằm chấn chỉnh hoạt động của các cơ sở y tế có người nước ngoài, ngày 24/7, Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân của TP Hà Nội và TP HCM chỉ đạo Sở Y tế tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra các cơ sở tư nhân trên địa bàn. Sở cũng cần có cơ chế khuyến khích nhân dân cùng giám sát, phát hiện các sai phạm của các phòng khám. Khi phát hiện sai phạm thì phải xử lý nghiêm, không bao che hay làm nhẹ sai phạm, kết hợp tước chứng chỉ hành nghề, giấy phép…

Bên cạnh đó yêu cầu Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Sở Thông tin Truyền thông quản lý chặt chẽ việc quảng cáo về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại địa phương. Hai đơn vị cần kịp thời phát hiện và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp quảng cáo vượt quá phạm vi chuyên môn cho phép.

Theo VnE