Sợ một ngày Vinamilk không có bà Mai Kiều Liên

29/04/2015 07:44
Mai Anh
(GDVN) - Đó là lo lắng của cổ đông Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) khi tới đây, bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đến tuổi nghỉ hưu.

Hai nỗi lo lớn của cổ đông Vinamilk

Điều đọng lại và ấn tượng nhất tại đại hội cổ đông Công ty cổ phần sữa Việt Nam – Vinamilk diễn ra sáng 27/4 vừa qua có lẽ là tình cảm của cổ đông với bà Mai Kiều Liên, đương kim Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Vinamilk.

Tại đại hội, hai vấn đề được đặt ra khiến cổ đông lo lắng: Thứ nhất, việc tách hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc.

Bà Mai Kiều Liên cho biết: Bà đã kiêm nhiệm 2 chức năng Chủ tịch và Tổng giám đốc trong nhiều năm. Năm nay là năm bản lề để công ty đào tạo thế hệ người kế cận.

Tuy tại đại hội cổ đông năm nay vẫn tiếp tục thông qua vấn đề kiêm nhiệm, nhưng việc tách hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc vẫn được bà Liên đề nghị ghi vào biên bản để chọn thời điểm thích hợp sẽ thực hiện.

Bà Mai Kiều Liên liên tục được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.
Bà Mai Kiều Liên liên tục được tạp chí Forbes vinh danh là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Phát biểu của bà Mai Kiều Liên khiến nhiều người bất ngờ, bởi hầu như ai ở vị trí đó cũng thường tìm cách củng cố vị trí của mình. Tuy nhiên với bà Liên thì khác, tất cả vì tập thể, tất cả vì Vinamilk.

Ở vị trí thuyền trưởng, bà Liên hiểu hơn ai hết áp lực, trong khi ở mô hình tập đoàn doanh nghiệp hiện đại chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc cần được tách biệt.

Trong phát biểu của mình, vị Chủ tịch Vinamilk nhiều lần nhắc đi nhắc lại việc tạo cơ hội cho thế hệ trẻ. Điều này lý giải tại sao Vinamilk liên tục dành được những thành công trong những năm qua khi trong con mắt vị Chủ tịch Vinamilk, người trẻ luôn có dịp thể hiện tài năng của mình trong vai trò mới.

Thứ hai là việc bà Mai Kiều Liên không đại diện vốn của của Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). 

Tại đại hội, khi bà Mai Kiều Liên chia sẻ về việc mình sẽ không đại diện vốn của SCIC, vì theo quy định đã quá tuổi làm việc, chỉ còn là đại diện cho cổ đông, nhiều cổ đông tỏ ra lo ngại cho rằng: Việc không còn đại diện vốn cho SCIC mà chỉ đại diện cho cổ đông, cùng với việc tách hai chức danh Chủ tịch HĐQT và Tổng giám đốc, ghế Chủ tịch HĐQT Vinamilk của bà Liên sẽ không giữ được. 

Nhưng hơn cả lo lắng của cổ đông chính là sợ một ngày Vinamilk không có bà Mai Kiều Liên.

Năm 2015, kết quả kinh doanh của Vinamlik sẽ khả quan

Ngoài lo lắng Chủ tịch Mai Kiều Liên từ nhiệm, chi phí công ty tăng và doanh thu lợi nhuận có dấu hiệu suy giảm cũng khiến nhiều cổ đông quan ngại.

Tuy nhiên, theo bà Liên việc chi phí tăng bên cạnh nguyên nhân mở rộng quy mô còn do chi cho quảng cáo và khuyến mãi. Riêng doanh thu, lợi nhuận công ty vẫn tăng trưởng qua các năm, chỉ có điều là chậm lại so với trước đây bởi đối thủ cạnh tranh ngày càng nhiều và mạnh. 

Bước sang năm 2015, Chủ tịch Mai Kiều Liên cho biết: Kết quả kinh của Vinamilk sẽ khả quan, bởi lẽ ngay trong quý I, sản lượng của Vinamilk tăng 13% và sẽ không tăng giá sản phẩm.

Riêng về xuất khẩu tăng tới 70% là tín hiệu đáng mừng cho kế hoạch 2015 của công ty.

Năm 2015, công ty đặt kế hoạch doanh thu 38.424 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 6.830 tỷ đồng, lần lượt tăng 9,5% và 12,6% so với 2014; tỷ lệ chia cổ tức bằng tiền mặt tối thiểu 50% lợi nhuận sau thuế. Thù lao cho Hội đồng quản trị của công ty là 4,8 tỷ đồng, còn ban kiểm soát là 2 tỷ đồng.

Tại đại hội, cổ đông đã thông qua việc phát hành và niêm yết 200 triệu cổ phiếu để tăng vốn cổ phần từ nguồn vốn chủ sở hữu. Tỷ lệ phát hành 5:1, nghĩa là mỗi cổ đông sở hữu 5 cổ phần tại thời điểm chốt danh sách sẽ nhận được một cổ phần phát hành thêm.

Dự kiến ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ phiếu thưởng sẽ trong quý III/2015.

Năm 2014, Vinamilk đạt doanh thu 35.704 tỷ đồng, tăng 13% so với 2013 nhưng chỉ đạt 98,4% kế hoạch đặt ra trong năm. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của đơn vị này đạt 6.068 tỷ đồng, giảm 7,1% so với 2013.

Vinamilk cho hay, năm 2014 sức mua trên thị trường giảm, kèm theo sự cạnh tranh gay gắt trong ngành nên đơn vị phải chi nhiều cho quảng cáo, khuyến mãi khiến chi phí tăng. Đồng thời, xuất khẩu giảm, giá nguyên liệu biến động, cùng với việc áp giá bán trần cho sản phẩm sữa dành cho trẻ em khiến doanh thu và lợi nhuận công ty giảm.

Bà Mai Kiều Liên sinh năm 1953 tại Paris, Pháp. Nguyên quán: Thị xã Vị Thanh, Tỉnh Hậu Giang.

Năm 1976, bà tốt nhiệp kỹ sư công nghệ chế biến thịt và sữa tại Moscow, Liên Xô.

Từ tháng 8/1976 – 8/1980: Bà là kỹ sư phụ trách Khối sản xuất sữa đặc và sữa chua Nhà máy sữa Trường Thọ, Công ty Sữa – Cà phê Miền Nam (tiền thân của Công ty Sữa Việt Nam).

Từ tháng 8/1980 – 2/1982: Kỹ sư Công nghệ Phòng Kỹ thuật Xí nghiệp Liên hợp Sữa Cà phê Bánh kẹo 1.

Từ tháng 2/1982 - 6/1983, bà Mai Kiều Liên là Phó giám đốc kỹ thuật phụ trách sản xuất tại Nhà máy sữa Thống Nhất. Sau khi hoàn tất khóa đào tạo tại Đại học kỹ sư kinh tế Leningrad tại Nga, bà được bổ nhiệm chức Phó tổng giám đốc phụ trách kinh tế tại Xí nghiệp Liên hiệp Sữa-Cà phê và Bánh kẹo I.

Tháng 12/1992, bà được đề bạt vào vị trí Tổng giám đốc Công ty sữa Việt Nam.

Từ năm 1996 - 2011, bà là Ủy viên Trung ương Đảng khóa VIII. Ngày 14/11/2003, bà được bầu vào Hội đồng quản trị giữ chức chủ tịch và kiêm tổng giám đốc cho đến nay.

Bà Mai Kiều Liên là doanh nhân nữ Việt Nam đầu tiên nằm trong danh sách 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á được bình chọn bởi Forbes.

Tính đến thời điểm này bà nhận được 10 giải thưởng do các tổ chức trong và ngoài nước trao tặng. Ngoài ra, bà còn được Nhà nước trao huân chương Lao động hạng nhất và được phong tặng Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Mai Anh