Sự thật tin đồn tăm tre tẩm hàng chục loại hóa chất

22/05/2012 14:13
P.V
(GDVN) -  Chính sự nhầm lẫn giữa công đoạn làm nan mành với tăm để xỉa răng đã tạo ra những thông tin sai lệch về nghề làm tăm ở Quảng Phú Cầu cũng như các doanh nghiệp làm tăm chân chính khác.

Từ năm 2009 đến nay, thông tin về công nghệ sản xuất, ngâm tẩm tăm tre bằng hàng chục hóa chất ở Quảng Phú Cầu (Hà Tây cũ) được nhiều trang báo điện tử đăng tải với những tiêu đề cảnh báo “Rùng mình tăm tẩm hóa chất của cơ sở N.A" hoặc “Chúng ta đang xỉa răng tăm tẩm hóa chất”... thực sự khiến nhiều người tiêu dùng hoang mang, lo lắng: Đến cả chiếc tăm bé xíu còn độc hại như thế thì không biết còn cái gì không độc?

Để làm rõ hơn những thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với anh Nguyễn Văn Hà, chủ doanh nghiệp tăm tre Bình Minh - cơ sở đã được Tổng cục đo lường chất lượng kiểm chứng chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn. Hai sản phẩm của doanh nghiệp Bình Minh là tăm tre hương quế và tăm tre hương bạc hà cũng đã từng nhận Huy chương vàng hàng Việt Nam chất lượng cao và nhiều giải thưởng của Nhà nước.
Cơ sở sản xuất tăm của anh T.
Cơ sở sản xuất tăm của anh T.
Doanh nghiệp tăm tre Bình Minh hiện đang làm chủ 4 xưởng sản xuất tại Nghệ An, Hà Nam, Xuân Mai và Khâm Thiên (Hà Nội). Sản phẩm của doanh nghiệp không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn được xuất khẩu.

Khi đề cập đến những thông tin xung quanh công đoạn sản xuất tăm tre hương quế bằng các loại hóa chất độc hại từ chất tẩy trắng đến chất bảo quản, chống mối mọt... như trong các bài báo đã nêu, anh Hà như được dịp cởi tấm lòng, anh khẳng định: “Trong quá trình tẩy tăm bằng oxy hoặc sấy bằng lưu huỳnh mà không đảm bảo kỹ thuật, trong tăm tre còn dư lượng hóa chất sẽ không thể nào ủ được hương quế vì hóa chất sẽ làm mất mùi quế”.

Anh Hà cũng dẫn chứng một nghịch lý, theo báo Hải quan Bình Duơng (ngày 18/11/2010) chúng ta xuất hàng ngàn tấn tre cho Trung Quốc và nhập tăm về đến 1.118 tấn tăm tre/năm. Hiện, vẫn chưa có con số thống kê cụ thể lượng tăm tre nhập về Việt Nam là bao nhiêu vì Nhà nước chưa có quy định về xuất tre và nhập tăm song có một thực tế là số tăm nhập khẩu được bán trên thị trường có giá rẻ bằng một nửa so với tăm sản xuất trong nước.

"Thời kỳ đầu họ bán 19.000 đồng/kg tăm trong khi để sản xuất 1 kg tăm, các doanh nghiệp trong nước cũng phải chi phí hết 19.000 đồng tiền nguyên liệu chưa kể đến các chi phí khác như nhân công, máy móc. Chính vì thế, các nhà sản xuất tăm trong nước bị thua ngay trên sân nhà", anh Hà nhận định.

Câu hỏi đặt ra là họ chuyên chở tre về nước, mất thêm nhiều chi phí điện, tiền công, hao mòn máy móc, rồi họ lại chở tăm sang Việt Nam bán với giá rẻ bèo như thế, họ lãi như thế nào?

Không dừng lại ở đó, dễ thấy, hiện hàng ngàn tấn tăm bán ra thị trường trong nước đều được dán nhãn mác Việt Nam, hiếm có hộp tăm nào mang nhãn mác Trung Quốc. Trên nhãn mác lại không ghi rõ xuất xứ hàng hóa hoặc địa chỉ không rõ ràng thậm chí có nhãn mác in biểu tượng Huy chương vàng của hàng Việt Nam chất lượng cao khiến nhiều người tiêu dùng nhầm lẫn là hàng trong nước.

Những hộp tăm này đã từng được lấy mẫu mang lên Tổng cục đo lường chất lượng kiểm tra về nồng độ hóa chất và kết quả thử nhiệm TCVN 6494 - 2000 cho thấy: Hàm lượng hóa chất Na2SO4 ở mẫu số 1 = 404,8, mẫu số 2 = 948,0, mẫu số 3 = 1156,3. Mùi chua tăm cắn dập ra cảm nhận hơi đắng, hoàn toàn không có mùi quế. "Với dư lượng hóa chất như thế nếu có cho quế vào cũng sẽ bị mất mùi. Song đã dán nhãn mác Việt Nam thì doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm", anh Hà bức xúc.
Các sản phẩm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăm tre Bình Minh.
Các sản phẩm hàng xuất khẩu của doanh nghiệp tăm tre Bình Minh.
Trở lại chuyện sản xuất tăm quế ngâm tẩm hóa chất ở Quảng Phú Cầu, anh Hà cho biết: hiện ở Quảng Phú Cầu không có xưởng nào sản xuất tăm quế (không có cơ sở nào đăng ký sản xuất tăm quế). Những hộ sản xuất tăm như anh chị N.A, anh T... được nêu trong các bài báo cũng khẳng định, thông tin các anh làm tăm quế là sai sự thật. Những công đoạn ngâm tẩy tăm như các phóng viên "mục kích" có thể là nan mành, để bán cho những người mua về dệt mành. Chính sự nhầm lẫn giữa công đoạn làm nan mành với tăm để xỉa răng đã tạo ra những thông tin sai lệch về nghề làm tăm ở Quảng Phú Cầu cũng như các doanh nghiệp làm tăm chân chính khác.

Những thông tin ấy nếu không được "nói lại cho rõ" có thể góp phần ảnh hưởng không nhỏ đến nghề sản xuất tăm trong nước. Những cơ sở chuyên đi thu mua tăm Trung Quốc giá rẻ về đóng gói, thay đổi nhãn mác kiếm lợi nhuận, không đầu tư công nghệ tạo việc làm sẽ khiến các doanh nghiệp tăm tre làm ăn bài bản thua ngay trên sân nhà, người lao động mất việc, doanh nghiệp lao đao vì bị cạnh tranh không lành mạnh.

Nguy hiểm hơn, thực trạng trên sẽ làm mất niềm tin của người tiêu dùng đối với thương hiệu Việt, không chỉ ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tăm tre cũng như các sản phẩm làm từ nguyên liệu tre khác, vốn là những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của Việt Nam.

Cũng còn một thực trạng nữa là rừng tre của chúng ta đang cạn kiệt trong khi hàng ngày người dân vẫn chặt hàng trăm tấn tre bán cho thương lái nước ngoài. Theo anh Hà: "Điều cần nhất là các doanh nghiệp phải chủ động đầu tư công nghệ để sản xuất, đào tạo việc làm, tái tạo rừng tre bảo vệ nguồn nguyên liệu. Bằng mọi cách lấy lại niềm tin của người tiêu dùng bằng các sản phẩm sạch... mới có thể cứu được chính mình".
P.V