Sự thật về “Bác sĩ điện tử” chữa từ hói đầu đến yếu sinh lý

22/09/2011 06:37
Cũng có tin đồn người này hay người kia khỏi bệnh, nhưng tất cả đều mơ hồ và chỉ do người khác kể lại.
Mặc dù mỗi ngày tại TP.HCM có hàng chục ngàn người thử nghiệm miễn phí các máy hỗ trợ điều trị bệnh, thậm chí có người còn mua máy về nhà sử dụng, nhưng cho đến nay chưa khách hàng nào trong nước tự khẳng định mình được hết bệnh nhờ máy với bằng chứng thuyết phục.
Chi tiền triệu, thu tiền ngàn
Sau một thời gian thử nghiệm máy miễn phí và được nhân viên tuyên truyền, chăm sóc rất nhiệt tình, không ít khách hàng – thường là lớn tuổi – đã tậu một chiếc máy chữa bệnh để khỏi tới lui vất vả. Qua nhiều người giới thiệu, chúng tôi đã tìm được nhà bà Ngọc, trên đường Hàn Hải Nguyên, quận 11, người đang sở hữu một “bác sĩ điện tử”. Bà kể, chồng bà bị thấp khớp, viêm xoang mãn tính. Sau nửa năm ngồi “bác sĩ điện tử” miễn phí, ông quyết định mua máy về nhà. Tuy nhiên, có máy rồi, chồng bà vẫn phải đến bác sĩ thiệt để chữa bệnh.
Vừa nằm thử máy, bệnh nhân lại được nhân viên hỏi thăm sức khỏe rất chu đáo.
Vừa nằm thử máy, bệnh nhân lại được nhân viên hỏi thăm sức khỏe rất chu đáo.
Bà nói: “Tại cơ địa của ổng chưa thích ứng, chứ từ từ cũng khỏi thôi”. Bản thân bà cũng bị bệnh đau nhức của người già, nhưng giống như ông, kèm với “bác sĩ điện tử”, bà vẫn phải uống thuốc. Ngồi tỉ tê với bà Ngọc một hồi, chúng tôi biết thêm, cháu bà cũng có một “bác sĩ điện tử” muốn bán lại với giá 4.000 USD dù cách đó một năm người này mua máy với giá 5.000 USD. Theo bà, đứa cháu mua “bác sĩ điện tử” về tặng cho mẹ chồng dưới quê để chữa bệnh. Tuy nhiên, chỉ ngồi được dăm ba hôm thì bà chán nên không muốn sử dụng nữa. Còn bà Bình ngụ tại đường Khuông Việt, quận Tân Phú, lại sẵn sàng cho mọi người thuê nằm chiếc giường Vigen với giá 5.000 đồng/40 phút. Bà cho biết, mình bị bệnh sạn thận, gan nhiễm mỡ, cao huyết áp, uống thuốc hoài không khỏi, nhưng nghe một người quen giới thiệu nằm máy khỏi bệnh, nên cũng tìm đến xem thế nào. Bà kể: “Thiệt tình lúc nằm tui không thấy đỡ chút nào, nhưng nhằm đợt khuyến mãi, mua giường được tặng đèn hồng ngoại nên tui bấm bụng gom góp tiền để mua”. Mua giường tốn gần 48 triệu đồng, nhưng nằm cả năm nay không khỏi bệnh, vẫn phải đều đặn uống thuốc, nên bà phải cho thuê lại để kiếm được đồng nào hay đồng đó!
Thiết bị không kiểm chứng
Khi được chúng tôi cho xem catalogue các thiết bị hỗ trợ sức khoẻ đã kể trên, chuyên gia y tế nào cũng cho rằng đó là những thiết bị tào lao. ThS Nguyễn Thị Hương, trưởng khoa vật lý trị liệu, bệnh viện đại học Y dược TP.HCM nói: “Y học ngày nay được gọi là y học dựa trên chứng cớ. Các thiết bị này có nghiên cứu khoa học nào đưa ra bằng chứng thuyết phục chữa được bệnh không?” Thật ra trên những tờ quảng cáo phát cho khách hàng, có công ty cũng giới thiệu chân dung người được chữa khỏi. Chẳng hạn tờ rơi của “bác sĩ điện tử” giới thiệu ông Lee Fook, 70 tuổi, bị tai biến, nhờ sử dụng máy mà đi đứng lại bình thường. Hay trường hợp bà Woon Chiew Thai, 78 tuổi, lưng khom hơn mười năm, sau khi được “bác sĩ điện tử” chữa trị, lưng thẳng lên, đi lại dễ dàng. Tuy nhiên, tất cả chân dung trong tờ quảng cáo chỉ là những người nước ngoài (mà cũng không biết nước nào!). Ngoài chiêu trên, để dụ dỗ bệnh nhân mua máy, các công ty kinh doanh hiện nay đều dùng chiêu cho “sử dụng miễn phí suốt đời”, đánh vào tâm lý người tiêu dùng. Chuyên gia tâm lý Trần Thị Tâm Nhàn (trung tâm Hồn Việt) phân tích: “Người tiêu dùng thường là bệnh nhân có bệnh mãn tính, muốn mau khỏi nhưng lại lười tập luyện hoặc theo đuổi một liệu trình điều trị do bác sĩ đưa ra. Hàng ngày đi nghe nhân viên bán máy thuyết trình, dưới tác dụng “mưa dầm thấm lâu”, cuối cùng họ cũng phải xiêu lòng mua máy về nhà”. Bác sĩ Hồ Phạm Thục Lan, trưởng khoa nội cơ xương khớp bệnh viện Nhân dân 115, TP.HCM cho biết, các thiết bị chăm sóc sức khoẻ ngoài thị trường chỉ hoạt động dựa trên hai cơ chế: xung điện hoặc mátxa. Thời gian qua, khoa này đã tiếp nhận không ít bệnh nhân “tiền mất tật mang” vì khi mua máy về sử dụng một thời gian không hết bệnh nên phải quay lại bệnh viện để chữa trị. Bác sĩ Lan nói: “Y học chính thống hiện nay chỉ chấp nhận một số phương pháp như mát xa, châm cứu, chạy xung điện đúng cách trong hỗ trợ điều trị giảm đau. Ngoài ra, các phương pháp này không hề có tác dụng chữa trị những bệnh khác. Khi mới sử dụng những thiết bị chăm sóc sức khoẻ ngoài thị trường, tâm lý người tiêu dùng thường thích thú vì thấy mới lạ. Nếu sử dụng miễn phí thì người ta cố đeo đuổi để thử, nhưng nếu mua về nhà sử dụng, sau một thời gian họ mới hiểu rằng chúng hoàn toàn không có tác dụng gì, nên lại phải tìm đến bác sĩ điều trị”. Vậy cơ quan nào có trách nhiệm quản lý những thiết bị chăm sóc sức khỏe được quảng cáo một cách cường điệu, thậm chí có dấu hiệu lừa gạt này? Bác sĩ Phạm Kim Bình, phó chánh thanh tra sở Y tế TP.HCM nói: “Chúng tôi cũng bó tay. Hỏi ngoài bộ Y tế, người ta nói những thiết bị này không thuộc sự quản lý của ngành”. Dù chưa ghi nhận trường hợp nào bị tai biến nghiêm trọng do sử dụng các thiết bị này, nhưng không lẽ ngành y tế lại chấp nhận đứng ngoài cuộc để cho các công ty tha hồ kinh doanh, lừa gạt trên sức khỏe.
Bộ Y tế chỉ quản lý trang thiết bị trong danh mục

Bộ Y tế chỉ quản lý những thiết bị trong danh mục ban hành. Những sản phẩm khác không nằm trong danh mục đó thì doanh nghiệp nhập khẩu trực tiếp thông qua hải quan. Tuy nhiên, để đảm bảo các sản phẩm chất lượng, đúng nguồn gốc cần có chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấy phép lưu hành đúng quy định. Các loại giấy tờ này phải lưu lại và khi đoàn kiểm tra hậu kiểm tiến hành kiểm tra thì đơn vị có sản phẩm phải trình được đầy đủ các loại giấy, chứng từ.

Tại các địa phương, thanh tra, quản lý thị trường, sở y tế và một số đơn vị chức năng khác có nhiệm vụ quản lý, kiểm tra những sản phẩm trên địa bàn của mình. Bộ Y tế chỉ quản lý thiết bị y tế vào bệnh viện, có bác sĩ điều trị hướng dẫn sử dụng. Còn các thiết bị y tế chăm sóc tại nhà đang được nhiều người sử dụng thì đơn vị nhập khẩu, kinh doanh phải đảm bảo đầy đủ chất lượng cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng không nên mua những sản phẩm trôi nổi, không rõ xuất xứ, thậm chí không nên chỉ nghe quảng cáo mà mua về dùng để “tiền mất, tật mang”. Ngay cả việc quảng cáo các sản phẩm là thiết bị y tế, bộ Y tế và bộ Thông tin và truyền thông đã có thông tư liên tịch về vấn đề này. Những sản phẩm nằm trong danh mục bộ Y tế quản lý thì phải xin phép bộ Y tế mới được quảng cáo. Hàng năm, bộ Y tế vẫn cùng các đơn vị tiến hành thanh kiểm tra về việc sử dụng các thiết bị y tế.

Nguyễn Minh Tuấn, vụ trưởng vụ Trang thiết bị và công trình y tế – bộ Y tế
Theo Sài Gòn tiếp thị