Sự thật về "cước di động tăng theo giá xăng", nhà mạng chặn OTT?

25/07/2013 11:12
Hà Nhi
(GDVN) - Trước thông tin lan tỏa rộng rãi trên các diễn đàn về việc Viettel chặn Viber – một ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí qua Internet, đại diện của nhà mạng này khẳng định: Hoàn toàn không có chuyện đó.
Có hay không Viettel chặn Viber?

Những ngày qua, thông tin về đề xuất tăng cước 3G xuất hiện trùng hợp ngay thời điểm giá xăng dầu lên cao nhất trong lịch sử, càng khiến  cho câu hỏi "Liệu cước 3G có “té nước theo xăng”? nóng hơn bao giờ hêt. Tuy nhiên, một ông lớn viễn thông khẳng định: Trên thực tế, cước 3G ở Việt Nam thấp so với thế giới và cũng nhờ có cước 3G thấp mà hàng triệu người Việt Nam nhanh chóng được hưởng các tiện ích gia tăng công nghệ cao trên di động.

Bên cạnh đó, trên không ít các trang diễn đàn công nghệ, các thuê bao di động đã rỉ tai nhau về việc Viettel chặn Viber –  một ứng dụng gọi điện và nhắn tin miễn phí qua Internet. Trao đổi với báo Giáo dục Việt Nam, đại diện truyền thông của Viettel cho biết: Ngay sau khi tiếp nhận được thông tin, Viettel đã cho kiểm tra lại và kết quả là các thuê bao Viettel vẫn “xài” Viber bình thường.
"Viettel không có hành động chặn ứng dụng VoIP như Skype, Viber, Whataspp" – vị này nhấn mạnh.

Cho tới thời điểm này, các nhà mạng đều khẳng định không chặn các ứng dụng/dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí.
Cho tới thời điểm này, các nhà mạng đều khẳng định không chặn các ứng dụng/dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí.
Viettel luôn cho rằng, các ứng dụng gọi điện trên smartphone nói riêng và Internet nói chung có ưu điểm linh hoạt và rẻ, nhưng so với đàm thoại truyền thống, chúng vẫn có những hạn chế nhất định. Người dùng phải sử dụng kết nối mạng, cả hai máy đều phải cài chung một phần mềm, theo đó, sự linh hoạt giảm. Viettel nhận định, chất lượng cuộc gọi truyền thống tốt hơn là điều khiến họ chưa lo lắng về sự tấn công của các tiện ích trên smartphone.
“Nói chung, hành động chặn những thứ mang lại lợi ích cho xã hội là đi ngược lại quy luật phát triển rồi, chứ không chỉ riêng việc chặn ứng dụng/dịch vụ OTT (Over-The-Top) đang được rất nhiều bạn trẻ ưa chuộng và sử dụng rộng rãi. Tôi nghĩ, nếu việc chặn là thật thì nhà mạng nên suy nghĩ lại và chấp nhận đón nhận nó, tìm ra giải pháp để khai thác từ các ứng dụng OTT thì sẽ tốt hơn” - ông Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc khối Thương mại điện tử của Công ty VCCorp nhận định.

Chặn OTT chỉ thiệt cho nhà mạng?!

Trước đó, chia sẻ với phóng viên Giaoduc.net.vn, ông Nguyễn Vương Quốc Thịnh - Tiến sĩ viễn thông, hiện đang công tác tại France Telecom - Orange, Pháp đã từng cho rằng: Việc cấm toàn bộ các dịch vụ OTT trên nền Internet di động ở Việt Nam là không khả thi và không phải là giải pháp mà các nhà mạng mong muốn, chưa nói đến “phản ứng ngược” của người tiêu dùng.
Ông Thịnh giải thích: Các nhà mạng có thể không cho phép các ứng dụng OTT trên mạng lưới của mình nếu muốn. Nhưng câu hỏi đặt ra là liệu tất cả các nhà mạng có đồng loạt “bắt tay” không cho phép các ứng dụng OTT trên mạng của họ hay không? Bởi chỉ cần một nhà mạng không làm theo thì chỉ thiệt cho các nhà mạng thực hiện việc cấm đoán này.
“Một số nước trên thế giới cũng có động thái muốn đưa ra các chính sách để quản lý các ứng dụng OTT. Theo tôi biết thì đây cũng chỉ là những động thái riêng lẻ và cũng chưa có những chính sách cụ thể nào được đề ra” – ông Thịnh nói. 
Theo vị Tiến sỹ viễn thông đang làm việc tại một trong 4 nhà mạng lớn nhất ở Pháp, xu hướng chung của thế giới là “sống chung” với các dịch vụ OTT. “Vậy tại sao Việt Nam lại đi ngược lại xu hướng này?!. Thay vì đối đầu với các OTT, chính sách khuyến khích hợp tác giữa các nhà mạng và các OTT là một giải pháp đôi bên cùng có lợi”. 
“Tôi nghĩ, thay vì chặn, mối đe dọa từ các dịch vụ OTT có thể coi là một nguồn động lực lớn để các nhà mạng cải tiến chất lượng dịch vụ hiện có, đồng thời nghiên cứu phát triển các dịch vụ mới vượt trội hơn các dịch vụ OTT để thu hút người dùng” – ông Thịnh đưa ra quan điểm của mình.
Trong khi mỗi ngày lưu lượng gọi, nhắn tin qua nền VoIP liên tục tăng, trên thế giới, khi không thể cấm đoán, hạn chế dịch vụ này, các nhà mạng đã buộc phải chấp nhận OTT như một xu hướng và thả lỏng để các công ty cung cấp OTT tự do phát triển. 
Tại Hàn Quốc, để ứng phó với OTT, một số nhà mạng đã tạo lập một quỹ kiểu phòng tránh rủi ro – dành để phát triển các ứng dụng; dịch vụ nội dung số trên thiết bị di động. 
Ông Kim Moon Hak – Trưởng đại diện Korea Telecom tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi phải tìm mọi cách nghĩ xem làm thế nào để nội dung đó tốt, hay hơn. Và không hề đơn giản chút nào, trong cuộc tìm kiếm giải pháp hữu hiệu, OTT cũng là cú hích để chúng tôi chuyển động và năng động hơn”.
Còn tại Nhật Bản, các mạng nhận ra hạn chế dịch vụ OTT không khác gì với việc làm cho ngành công nghiệp Internet trong nước trở nên tụt hậu so với thế giới . 
Chính vì vậy, những nhà mạng viễn thông lớn của Nhật như KDDI cũng đã xây dựng mối quan hệ hợp tác để cùng chia sẻ lợi nhuận với các nhà cung cấp OTT. Còn nhà mạng viễn thông lớn NTT Docomo cũng đang xúc tiến tự cung cấp dịch vụ OTT nhằm tăng doanh thu.

* Vấn đề đang khiến hầu hết người dùng di động hiện nay quan tâm là cước di động, cước 3G của các nhà mạng sẽ tăng trong thời gian tới kiểu "té nước theo xăng"? báo Giáo dục Việt Nam sẽ thông tin sớm nhất đến độc giả câu trả lời cụ thể từ các nhà mạng Việt Nam.
>> Tra cứu điểm thi ĐH - CĐ tại đây: http://diemthi.giaoduc.net.vn/Home.mvc/Index
Hà Nhi