Sữa đắt có thực sự tốt?

30/04/2011 07:50
Những quảng cáo sữa hiện nay rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng với những vi chất bổ sung, người dùng nên cảnh giác mức độ an toàn của những loại sữa này.

Những quảng cáo sữa hiện nay rất dễ gây hiểu lầm cho người tiêu dùng với những vi chất bổ sung, người dùng nên cảnh giác về mức độ an toàn của những loại sữa này, TS. Vũ Thị Bạch Nga -Trưởng ban Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) - cảnh báo.

Theo TS.  Vũ Thị Bạch Nga, thị trường sữa Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

“Gần 80% sữa bột nhập khẩu để làm ra các loại sữa trong nước và chủ yếu nhập khẩu từ các nước châu Âu, các nước có công nghệ tiên tiến như: Hà Lan, Mỹ, Úc… Nguồn sữa trong nước chỉ đáp ứng được 20% tổng sản lượng sữa tiêu dùng, chủ yếu là để sản xuất sữa tươi (chỉ có công ty Vinamik có dây chuyền sản xuất sữa tươi sang sữa bột nhưng không đáng kể).

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Bên cạnh đó, tỷ lệ người được sử dụng sữa thường xuyên còn rất ít chỉ chiếm hơn 10%. Giá cả của các loại sữa còn khá cao (có nhiều loại cao hơn các nước trong khu vực) cũng ảnh hưởng lớn tới việc dùng sữa của người tiêu dùng, đặc biệt với những người vùng sâu, vùng xa chưa có khả năng, thói quen, điều kiện kinh tế để dùng sữa thường xuyên.

Khả năng cạnh tranh của các sản phẩm sữa Việt không cao vì phải phụ thuộc chủ yếu vào nguyên liệu và thiết bị nhập khẩu. Ví dụ như, sản phẩm sữa nước và sữa chua, sữa đặc có đường được đánh giá là có khả năng cạnh tranh. Nhưng ngược lại, sữa bột các loại có khả năng cạnh tranh kém so với sữa ngoại nhập.

Trước thực trạng sữa tràn lan như hiện nay, người tiêu dùng luôn phải đặt ra câu hỏi về mức độ an toàn của sữa, đặc biệt sau vụ phát hiện trong sữa có chứa melamine ở TQ.

Chưa kể, những quảng cáo sữa hiện nay rất dễ gây nhầm lẫn. Với tư cách là cơ quan quản lý đồng thời là người tiêu dùng nhưng tôi thấy sản phẩm sữa có giá cao với lý do bổ sung các vi chất nhưng tác dụng của nó thế nào thì chưa biết. Có cao  hơn, thông minh hơn hay không, uống bao nhiêu mới đủ… chính tôi, nhiều khi cũng không rõ được”, TS. Nga nói.

Phân tích về xu hướng tiêu dùng sữa, TS. Nga cho biết: “Người tiêu dùng thích mua những sản phẩm trong hộp thiếc vì cho rằng sẽ bảo đảm hơn. Tuy nhiên, trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, việc lựa chọn sữa đóng trong hộp giấy cũng là cách tiết kiệm bởi trong hộp giấy cũng có giấy bọc thiếc. Người tiêu dùng có thể mua vài hộp thiếc rồi sau đó sử dụng lại hộp đó để giảm chi phí. Bằng chứng là ở Thái Lan, 90% sử dụng sữa đóng trong hộp giấy.

Một tâm lý nữa của người tiêu dùng Việt Nam là giá đắt đồng nghĩa với sữa tốt, đặc biệt là những loại dành cho người già và trẻ em. Do vậy, nhiều công ty đã lợi dụng điểm này để quảng cáo “vống lên”, tăng giá sữa tràn lan.

Tuy nhiên, theo bà Nga, sữa được đóng bằng hộp giấy, hộp thiếc, nhập khẩu nguyên hộp hoặc từ những nước phát triển thực chất đều giống nhau ở nguồn nhập. Vì thế khi mua sữa, người tiêu dùng nên so sánh các thành phần đăng ký, công bố trên sản phẩm sữa và chất lượng các loại sữa. Có thể thành phần như nhau nhưng được đóng vào thương hiệu sữa có tiếng trên thế giới thì giá sẽ đắt hơn.
 
“Trong điều kiện giá cả tăng cao, người dùng nên tiết kiệm, khôn ngoan hơn trong việc mua hàng”, bà Nga khuyến cáo.
Thị trường sữa Việt Nam có tiềm năng phát triển lớn
 
Theo số liệu của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), trước năm 1990 chỉ có 3 nhà máy sản xuất sữa, chủ yếu sữa đặc, sữa bột nhập ngoại nhưng đến năm 2010, toàn ngành có 73 doanh nghiệp sản xuất.
 
Tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam tăng lên đáng kể từ mức 8,09 lít/người/năm vào năm 2000 lên 14,81 lít/người/năm trong năm 2010, với tốc độ tăng trưởng bình quân hơn 9%/năm trong giai đoạn 2000-2010.
 
Mặt hàng sữa ngày càng phong phú, hiện có khoảng 300 nhãn mác khác nhau với các loại sữa bột, sữa nước…


Theo VTC News