Sức sống mùa xuân trên những công trình của Công ty truyền tải điện Quốc gia

08/07/2018 06:09
Lại Cường
(GDVN) - Ngành điện ngày hôm nay một thể thống nhất, các đường dây và trạm biến áp truyền tải và phân phối trải khắp các miền của đất nước. Đó là một hành trình dài...

Bắt đầu hành trình từ con số khiêm tốn

Từ cơ sở vật chất nghèo nàn và lạc hậu tiếp quản từ tay người Pháp, sau 55 năm chiến đấu, bảo vệ, xây dựng và phát triển, ngành Điện cách mạng Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc, trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, đủ sức gánh vác vai trò là đòn bẩy cho nền kinh tế đất nước.

Từ chỗ sản lượng chỉ đạt 53 triệu kWh vào năm 1954 ở miền Bắc, đến cuối năm 2008, công suất lắp đặt của hệ thống điện Quốc gia là 15.748MW, sản lượng điện sản xuất đạt 74,225 tỷ kWh.

Ngành điện ngày hôm nay là một thể thống nhất, các đường dây và trạm biến áp truyền tải và phân phối trải khắp các miền của đất nước, trong đó trục xương sống là hệ thống tải điện siêu cao áp 500kV Bắc - Nam.

Giai đoạn những năm 1996 - 2000, Việt Nam bước vào giai đoạn phát triển quan trọng của thời kỳ mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Chịu tác động của khủng hoảng tài chính - kinh tế khu vực cùng thiên tai nghiêm trọng xảy ra liên tiếp đặt nền kinh tế nước ta trước những thử thách.

Tuy nhiên, giai đoạn này, Việt Nam duy trì được tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước ổn định với con số ấn tượng: 7%/năm.

Đường dây 500 kV mạch 3 là sự đột phá của ngành điện Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. (ảnh EVN)
Đường dây 500 kV mạch 3 là sự đột phá của ngành điện Việt Nam trong thời kỳ đổi mới. (ảnh EVN)

Sự tăng tốc của nền kinh tế một lần nữa đặt hệ thống điện vào một thử thách mới. Theo quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam giai đoạn 2001-2010 có xét đến triển vọng đến năm 2020 trong đó năm 2010 là 88,5-93 tỷ kWh.

Cùng với các nhà máy tuabin khí Bà Rịa, Phú Mỹ, Cà Mau, Nhơn Trạch tiếp tục vận hành dẫn đến chiều truyền tải đường dây 500kV  thay đổi từ Nam ra Bắc trong giai đoạn 2004 - 2010.

Mặc dù Tập đoàn  Điện lực Việt Nam - EVN (lúc bấy giờ là Tổng Công ty Điện lực Việt Nam) và các ngành đang tập trung đầu tư hoàn thiện giai đoạn mở rộng Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại, xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Nhiệt điện Na Dương ở Lạng Sơn, Nhiệt điện Hải Phòng, Nhiệt điện Ninh Bình mở rộng… nhưng khả năng hoàn thành, đưa vào vận hành các nhà máy điện trên trước năm 2005 được khẳng định là không thể, do cần nguồn vốn quá lớn cũng như hạn chế về thời gian.

Sức sống mùa xuân trên những công trình của Công ty truyền tải điện Quốc gia ảnh 2EVN tiếp tục tăng trưởng, đảm bảo cung cấp điện ổn định

Vì vậy, để cứu vãn tình trạng thiếu điện nghiêm trọng ở khu vực miền Bắc và đặc biệt là Hà Nội, EVN đã chọn một phương án khả thi nhất để trình Chính phủ phê duyệt. Đó là xây dựng Đường dây 500kV Pleiku - Thường Tín. Phương án này đã được chính phủ Chính phủ  đã cho phép xây dựng đường dây 500kV mạch 2 từ Phú Lâm đến Thường Tín.

Hóa giải nguy cơ, nâng tính an toàn cho hệ thống

Công trình mạch 2 Đường dây 500kV Bắc - Nam có tổng chiều dài 1.596,3km và đi qua 21 tỉnh, thành phố: Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Long An, Bình Dương, Đồng Nai, Lâm Đồng, Đăk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Quảng Ngãi, Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Ninh Bình, Hòa Bình, Hà Nam, Hà Tây.

Vấn đề đặt ra là vì sao cần phải đầu tư tới hơn 8.000 tỷ đồng để đầu tư mạch 2, trong đó, đường dây Pleiku - Phú Lâm sử dụng vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB), các đường dây còn lại (từ Pleiku đến Thường Tín) sử dụng vốn của EVN và vốn vay tín dụng trong nước.

Vấn đề giải pháp cùng lúc làm được hai điều, hóa giải nguy cơ thiếu điện cho miền Bắc và tăng tính an toàn cho toàn hệ thống điện.

Thực tế ở nước ta cho thấy, để cân bằng công suất và năng lượng từ năm 2004 - 2010, hệ thống điện miền Bắc luôn phải nhận một lượng công suất rất lớn, đặc biệt là vào mùa lũ.

Theo tính toán của EVN, công suất truyền tải trên các đoạn đường dây 500kV Phú Lâm - Pleiku, Pleiku - Đà Nẵng rất lớn, nếu mạch 2 đường dây 500kV của các đoạn đường dây trên đưa vào vận hành trong năm 2004 - 2005, thì khi có sự cố một mạch đường dây, hai hệ thống điện Bắc - Nam vẫn được liên kết qua mạch còn lại.

Còn đối với đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh, trong trường hợp có sự cố hay sửa chữa đường dây, nếu không có mạch 2, hệ thống điện miền Bắc sẽ phải sa thải một lượng công suất từ 1.150MW đến 1.300MW (gần gấp đôi công suất Nhà máy Thủy điện Ialy), phụ tải cần sa thải chiếm tới 30-34% công suất hệ thống điện miền Bắc.

Do vậy, việc xây dựng Đường dây 500kV mạch 2 sẽ mang lại những hiệu quả cao hơn và xác đáng hơn về mặt kỹ thuật, do công suất không bị tập trung về điểm nút Hòa Bình, không gây quá tải các xuất tuyến đường dây 220kV từ Hòa Bình. Đường dây 500kV mạch 2 sẽ phân bố trực tiếp phần lớn công suất về phía Nam từ hệ thống điện miền Bắc.

Tính đặc thù của Đường dây 500kV mạch 2

Khác với hệ thống Đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng thành một dự án, thì Đường dây 500kV mạch 2, được chia thành 4 dự án độc lập: Plâycu - Phú Lâm; Plâycu - Dốc Sỏi - Đà Nẵng, Đà Nẵng - Hà Tĩnh và Hà Tĩnh - Nho Quan - Thường Tín.

Cùng với đó EVN đã đóng điện vận hành 4 trạm biến áp 500 kV. Các công trình trạm biến áp được áp dụng các công nghệ tiên tiến trên thế giới với hệ thống điều khiển bằng máy tính và hệ thống rơ-le kỹ thuật số hiện đại nhất thế giới.

Việc đóng điện vận hành với những thời điểm khác nhau nhằm nâng cao hiệu quả đầu tư, hiệu quả trong khai thác vận hành.

Sự quyết tâm của cán bộ công nhân viên ngành điện đang góp phần thay đổi diện mạo của ngành. (Ảnh: EVN)
Sự quyết tâm của cán bộ công nhân viên ngành điện đang góp phần thay đổi diện mạo của ngành. (Ảnh: EVN)

Hầu hết các vật tư, thiết bị như: cột thép, dây nhôm, sứ, dây chống sét phục vụ cho công trình mạch 2 đường dây 500kV được sản xuất trong nước với trình độ công nghệ cao, chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc tế đã tạo nên một “bất ngờ Việt Nam” đối với các chuyên gia nước ngoài.

Nếu như Đường dây 500kV mạch 1 có đến hơn 70% cột thép, dây, sứ, phụ kiện là nhập của nước ngoài, thì khi xây dựng đường dây mạch 2, chỉ phải nhập khẩu cáp quang, sứ cách điện và thiết bị trạm biến áp.

Sức sống mùa xuân trên những công trình của Công ty truyền tải điện Quốc gia ảnh 4EVN được vinh danh "Doanh nghiệp bền vững tại Việt Nam năm 2018"

Tiếp nối kỳ tích mạch 1, ngày 23/9/2005, ngày kết thúc cung đoạn Hà Tĩnh - Thường Tín, cũng là mốc son hoàn thành đường dây 500kV mạch 2. Từ thời điểm này, lưới điện ba miền Bắc - Trung - Nam được nối với nhau bằng 2 đường dây 500kV với tổng chiều dài gần 3.500km và một loạt hệ thống đường dây 220kV khác.

Tất cả tạo nên mạng lưới cơ sở vững chắc cho việc cung cấp điện chất lượng và ổn định.

Đây cũng là công trình do cán bộ, công nhân Việt Nam đảm nhận toàn bộ từ khâu thiết kế, thi công, chế tạo cột thép và giám sát, nghiệm thu, khẳng định đội ngũ cán bộ, kỹ sư Việt Nam có khả năng tiếp thu và làm chủ khoa học, công nghệ mới đối với những công trình lớn, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Chúng ta đã tạo nên “bất ngờ Việt Nam” trong mắt bạn bè quốc tế, và sự tự chủ trong xây dựng Đường dây 500kV mạch 2, một lần nữa khẳng định bản lĩnh, trí tuệ của Việt Nam, tiếp tục viết tiếp những trang sử hào hùng đối với ngành điện nói chung và ngành truyền tải điện nói riêng.

Thực tế xây dựng hệ thống Đường dây 500kV hai mạch đã khẳng định thực tế, ngành Điện đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ và nhân dân giao phó, xứng đáng là một trong những trụ cột của nền kinh tế đất nước, đặc biệt là trong quá trình chuyển đổi từ kinh tế tập trung sang kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập kinh tế quốc tế. Thành tựu quan trọng và căn bản nhất là đã luôn giữ vững và phát huy vai trò chủ đạo trong đảm bảo cung cấp điện cho nền kinh tế và xã hội, góp phần duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức cao nhiều năm liên tục.

Chặng cuối của con đường thống nhất lưới điện quốc gia

Ngay từ các tháng cuối năm 2012 và đầu năm 2013, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) sau khi cân đối cung cầu đã nhận thấy tình hình cung cấp điện sẽ khó khăn cho khu vực miền Nam, nhiều nơi đã bị mất điện cục bộ do quá tải đường truyền.

Theo kế hoạch, năm 2014, EVN sẽ sản xuất và mua 143,619 tỷ kWh điện, tăng 9,57% so với năm 2013, với sản lượng này sẵn sàng đáp ứng cho khả năng nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự kiến tăng trưởng.

Tuy nhiên, do một số công trình nguồn điện phía Nam vào chậm tiến độ nên khả năng sẽ xảy ra tình trạng thiếu điện ở miền Nam.

Để đáp ứng nhu cầu về điện cho phát triển kinh tế - xã hội và không ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế miền Nam, Dự án Đường dây 500kV mạch 3 Vũng Áng - Dốc Sỏi - Plâycu 2 đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung Quy hoạch điện VII điều chỉnh các hạng mục tại văn bản số 47/TTg-CN.

Đường dây 500kV mạch 3 được xây dựng để nâng cao độ dự trữ ổn định trên giao diện Bắc - Trung, khắc phục nguy cơ sự cố gây ảnh hưởng đến an toàn cung cấp điện trên các đường dây truyền tải.

Chặng cuối của mạnh điện quốc gia đã tạo lên những bứt phá của ngành. (Ảnh: EVN)
Chặng cuối của mạnh điện quốc gia đã tạo lên những bứt phá của ngành. (Ảnh: EVN)

Ngoài ra, mạch dây này tạo mối liên kết mạnh giữa các khu vực trong hệ thống điện và góp phần giảm chi phí vận hành của hệ thống khi gia tăng truyền tải công suất của các nhà máy điện ở miền Bắc vào miền Nam...

Với chiều dài dự kiến khoảng 822km, mạch kép; đường dây 500kV mạch 3 kéo dài từ trạm 500kV Vũng Áng (Hà Tĩnh) đi Trung tâm Điện lực Quảng Trạch (Quảng Bình), trạm 500kV Dốc Sỏi (Quảng Ngãi) và điểm cuối là Trạm 500kV Plâycu 2 (Gia Lai). Đường dây đi qua 8 tỉnh, thành phố: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai và Đà Nẵng.

Với sự phát triển của kinh tế và yêu cầu của xã hội Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xây dựng và đưa vào vận hành sẽ có vai trò đặc biệt quan trong đối với hệ thống điện 500kV của Việt Nam.

Đặc biệt công trình còn góp phần tăng cường an ninh hệ thống điện quốc gia, trong trường hợp  xảy ra bấy kỳ sự cố nào vẫn đảm bảo truyền tải công suất cao vào các tỉnh phía Nam.

Trong tình hình một số dự án nguồn điện ở khu vực miền Nam chậm tiến độ, việc xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 được xem là cách giải quyết tình trạng thiếu điện cho Thành phố Hồ Chí Minh và các vùng lân cận từ năm 2014.

Lần này đích được đặt ra là phải hoàn thành trong vòng 2,5 năm trong điều kiện muôn vàn khó khăn về giải phóng mặt bằng và thời tiết khắc nghiệt, sự “đỏng đảnh” của điều kiện tự nhiên của vùng Tây Nguyên.

Rút kinh nghiệm từ triển khai xây dựng Đường dây 500kV mạch 2 và mạch 3, lãnh đạo EVN đã làm việc trực tiếp, ký kết hợp tác với lãnh đạo 8 tỉnh, thành phố bảo đảm cung cấp điện cho các tỉnh có đường dây đi qua, thống nhất các điều kiện để triển khai xây dựng Đường dây 500kV mạch 3.

Vì chạy song song với mạch 1 và mạch 2 nên đường dây 500kV mạch 3 sẽ phải thi công ở các vị trí hiểm trở hơn rất nhiều và để bảo đảm tiến độ, cần thiết phải đơn giản hóa các thủ tục liên quan đến rừng.

Với những bất lợi nêu trên, việc thi công mạch 3 Đường dây 500kV sẽ tiếp tục là cuộc “thử lửa” đối với những người thợ điện Việt Nam.

Một lần nữa những người truyền tải, những người thợ điện lại vượt lên chính mình để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra.

Nhưng cũng một lần nữa, thực tế đã chứng minh tính đúng đắn, sáng suốt và nhạy bén của Chính phủ trong quyết định xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 (Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông) cũng như việc đặt niềm tin vào tài năng, trí tuệ và bản lĩnh của đội ngũ ngành điện.

Sức sống của mùa xuân trên công trình

Đường dây 500kV mạch 3 (Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông) được khởi công vào tháng 10/2011, tiến độ đề ra chỉ gói gọn 875 ngày, để khắc phục tình trạng thiếu điện vào mùa khô 2014 ở miền Nam.

Để đảm bảo tiến độ, đối với các vị trí cột chưa dựng xong ở phần xà trên, thì các đơn vị thi công néo tạm tại thân cột để đồng thời tiến hành rải dây đợi khi nào xong phần xà thì kéo dây lên.

Phương pháp thi công này đã rút ngắn được rất nhiều thời gian thi công nhưng để thực hiện được phải bố trí mặt bằng thật khoa học để vừa thi công rải dây, vừa dựng cột nhưng lại không ảnh hưởng đến việc thi công của nhau.

Thời gian thi công công trình là 2 năm rưỡi, nhưng cả 2 mùa xuân những cán bộ, công nhân của các đơn vị thi công và Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (đơn vị đại diện chủ đầu tư) đón giao thừa ngay trên công trình.

Ngày đêm họ miệt mài chung sức xây dựng Đường dây 500kV mạch 3 để cứu cho vùng kinh tế trọng điểm của cả nước khỏi cơn thiếu điện.

Năng lượng sẽ được đưa từ miền Bắc và miền Trung, Tây Nguyên vào miền Nam như cách đây 20 năm khi xây dựng mạch 1.

Có thể khẳng định rằng, nếu không có sức trẻ, sức khỏe và lòng nhiệt tình, thì những người thợ xây dựng điện, những cán bộ quản lý mà chúng tôi đã gặp trên khắp các cung đoạn thi công Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông khó có thể vượt qua được nhưng thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên.

Ngày 5/5/2014, Tổng Công ty truyền tải điện Quốc gia đã đóng điện thành công và đưa vào vận hành an toàn Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông.

Việc đóng điện và đưa vào vận hành công trình trọng điểm cấp bách Đường dây 500kV Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đúng tiến độ có ý nghĩa hết sức quan trọng, đảm bảo truyền tải điện an toàn, ổn định từ miền Bắc vào miền Nam, kịp thời cung ứng đủ điện cho sinh hoạt và phát triển kinh tế - xã hội của toàn miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng ngay trong mùa khô năm 2014 và những năm tiếp theo.

Cùng với  Đường dây 500kV mạch 1 và mạch 2, việc đưa vào vận hành kịp thời  Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông góp phần tạo tiền đề liên kết lưới điện khu vực Đông  - Tây Nam Bộ, đảm bảo vận hành hệ thống điện an toàn, kinh tế trong trường hợp cần có sự trao đổi điện năng ở mức độ cao giữa các vùng - miền trên cả nước.

Kết quả đạt được nêu trên thể hiện sự quyết tâm cao độ từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia.

Nếu như Đường dây 500kV mạch 1 được xây dựng bằng tinh thần dám làm dám chịu trách nhiệm, đường dây 500kV mạch 2 được xây dựng bằng tinh thần phát huy nội lực và chứng minh khả năng tự cường dân tộc thì đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông được xây dựng bằng sức trẻ, lòng nhiệt thành và bản lĩnh của những người thợ điện Việt Nam.

Đường dây 500kV mạch 3 Pleiku - Mỹ Phước - Cầu Bông hoàn thành đã góp phần dệt lên khung trời đất nước những dây đàn trĩu nặng năng lượng của những dòng sông.

Mãi mãi, hệ thống tải điện 500kV Bắc - Nam ba mạch xứng đáng là một bản anh hùng ca về tinh thần lao động, sáng tạo và dám chịu trách nhiệm trong thời kỳ đổi mới của đất nước ta.

Lại Cường