TGĐ Công ty Nhà Thủ Đức: BĐS mà làm ăn chộp giật, chết là đương nhiên!

21/01/2013 07:57
Lê Ngọc Dương Cầm (thực hiện)
(GDVN) - Theo ông Lê Chí Hiếu, TGĐ công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House): “Các nhà kinh doanh bất động sản chạy theo xu hướng, chạy theo thị trường nhưng không có thực lực, không có đồng vốn, miễn thấy có lời là nhảy bổ vào làm đại theo kiểu chụp giật. Họ bị “chết” là điều đương nhiên...".
Là một nhà kinh doanh ngành bất động sản trên 20 năm, nói về nguyên nhân ngành bất động sản “chết” trong thời gian qua, ông Lê Chí Hiếu - TGĐ công ty Phát triển Nhà Thủ Đức (Thuduc House) nhận định: “Các nhà kinh doanh bất động sản chạy theo xu hướng, chạy theo thị trường nhưng không có thực lực, không có đồng vốn, miễn thấy có lời là nhảy bổ vào làm đại theo kiểu chụp giật. Họ bị “chết” là điều đương nhiên, nhưng những hoạt động sai lầm của họ cũng làm ảnh hưởng đến những nhà kinh doanh bất động sản chân chính khác”.- Là một nhà kinh doanh ngành bất động sản, ông nhìn nhận như thế nào về tình hình kinh tế năm qua, đặc biệt là ngành bất động sản? Trong các năm khủng hoảng thì năm qua là khó khăn nhất. Mặc dầu lạm phát có giảm, lãi suất ngân hàng có giảm, nhưng đối với các doanh nghiệp lại là năm vật vã nhất, vì phải đối mặt với nhiều căn bệnh trầm kha đang tới lúc bùng phát nghiêm trọng. Riêng ngành bất động sản gặp phải tình trạng ứ đọng, tồn kho. Nhà cửa, đất đai không bán được, doanh nghiệp bị chôn vốn, dẫn đến thiếu vốn. Trong khi đó, lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng vẫn còn cao, hoặc nếu vay được vốn thì không có tiền trả lãi doanh nhân không dám “liều” mình vay. Cái khó chồng lên cái khó, khi thị trường chứng khoán liên tục đi xuống trong một thời gian dài, dẫn đến các danh mục đầu tư giảm giá, làm tăng lỗ do phải trích dự phòng.
Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty ThuDuc House (công ty Phát triển Nhà Thủ Đức).
Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị công ty  ThuDuc House (công ty Phát triển Nhà Thủ Đức).

- Hoạt động kinh doanh hơn 20 năm, ông có những dự đoán tình hình kinh tế trong năm nay?
Đầu năm nay đã có những tín hiệu tốt: Nhận thức của chính phủ đối với nền kinh tế thị trường đã có tiến bộ hơn trước, được thể hiện bằng quyết tâm chính trị trong việc lắng nghe và sửa đổi chính sách. Hiện nay chính phủ đang chuẩn bị đưa ra hàng loạt cải cách sửa đổi, kể cả sửa hiến pháp và nhiều bộ luật cũng như các quy định còn đang bất cập. Song song những giải pháp ổn định vĩ mô lâu dài, chính phủ cũng đang chú ý đến những giải pháp trước mắt để có thể giải cứu và hỗ trợ cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong đó có ngành bất động sản. Những chỉ tiêu của nền kinh tế vĩ mô cũng có một số cải thiện. Chỉ số giá tiêu dung CPI giảm, những cán cân thanh toán, nhập siêu có cải thiện. Tuy nhiên đó là những ẩn số ngầm, có những chỉ  số nhìn thấy vậy nhưng chưa chắc là tốt. Ngành kinh tế đang bị “trọng bệnh”, chưa có sức đề kháng, nhất là đối với các doanh nghiệp, đáng lo nhất là bội chi ngân sách cũng rất tăng cao.- Ông có thấy ngành bất động sản đang là nguyên nhân“chủ lực” trong việc làm tình hình kinh tế đi xuống? Không chỉ riêng Việt Nam mà ở các nước trên thế giới, ngành bất động sản luôn là ngành kinh tế đầu tàu. Ngành bất động sản bị “hắt hơi, sổ mũi” sẽ kéo đến là các ngành kinh tế khác, dẫn đến nền kinh tế chung bị ảnh hưởng. Vì vậy trên thế giới, người ta nhận thức ngành bất động sản là ngành chủ chốt của nền kinh tế, được tính vào GDP, được đưa vào các đánh giá, xem đó là ngành kinh tế chủ lực. Riêng Việt Nam, có một thời gian người ta dị ứng với ngành bất động sản, xem nó là “con ghẻ”, bị đối xử như là nơi đầu cơ, tích trữ…. Có một giai đoạn do mục tiêu chống lạm phát, nhà nước đã tiến hành thắt chặt tín dụng và tiền tệ, loại ngành bất động sản ra khỏi các ngành kinh tế cần hỗ trợ, được cho là ngành kinh tế phi sản xuất. Việc đó tuy có tác dụng chống lạm phát nhất thời nhưng đã làm tiêu hao năng lục đề kháng của ngành. Tôi đã nhiều lần kiến nghị đưa ngành bất động sản trở thành ngành kinh tế chính thức, bình đẳng như nhiều ngành kinh tế khác. Tuy đã được tháo gỡ một số vấn đề, nhưng vẫn còn những chính sách thắt chặt, vài người vẫn còn nhìn ngành bất động sản bằng đôi mắt phiến diện. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính là do các nhà kinh doanh bất động sản chạy theo xu hướng, chạy theo thị trường nhưng không có thực lực, không có đồng vốn miễn thấy có lời là nhảy bổ vào làm đại theo kiểu chụp giật. Họ bị “chết” là điều đương nhiên, nhưng những hoạt động sai lầm của họ cũng làm ảnh hưởng đến những nhà kinh doanh bất động sản chân chính khác. Năm nay tôi rất mừng vì Trung ương Đảng và Chính phủ đã nhận ra mâu chốt của nền kinh tế là ngành bất động sản, vực dậy bất động sản có thể kéo theo nhiều ngành khác phát triển, từ đó đã có những chỉ đạo các bộ ngành tập trung tháo gỡ. Tuy nhiên, đến giờ phút này, trên thực tế những “tháo gỡ” đó vẫn chưa đến được với hoạt động của doanh nghiệp, nhưng qua quỵết tâm chính trị và những nhận thức đúng của Trung ương Đảng và Chính phủ đã làm cho những nhà kinh doanh bất động sản có niềm tin trở lại. Đó là một tín hiệu tốt.
Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc công ty ThuDuc House gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp đón nhận danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu năm 2009
Ông Lê Chí Hiếu - Tổng giám đốc công ty ThuDuc House gặp Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhân dịp đón nhận danh hiệu Doanh nhân tiêu biểu năm 2009
- Theo ông, những năm tới, giá đất đai, nhà cửa ở Việt Nam sẽ tăng hay giảm? Xu hướng chung trên thế giới, trong đó có Việt Nam, giá các sản phẩm trong ngành bất động sản luôn ngày càng tăng, do nguồn đất ngày càng khan hiếm, nhu cầu về đất đai, nhà cửa của dân chúng, nhu cầu đô thị hoá của xã hội ngày càng tăng. Sau khủng hoảng kinh tế, giá bất động sản sẽ tăng dần nhưng không đột biến như trước đây nữa vì mọi người đã rút ra bài học “xương máu”, kể cả chính phủ và nhà đầu tư, thì việc tăng giá sẽ được kềm chế trong an toàn hơn. Tuy nhiên, cũng nên xét đến trường hợp đồng tiền mất giá, giá đất đai, nhà cửa cũng tăng. Đó là tăng ảo, chứ không phải tăng thực sự. Chính phủ các nước phải làm sao kềm được mức tăng cho hợp lý, vì phải tăng giá thì nhà đầu tư mới có lãi, mới có thể hăng hái, có đồng vốn để đầu tư tiếp tực. Còn về mặt an sinh xã hội, với mục đích để dân nghèo có nhà cửa thì chính phủ phải có một  chính sách nhà xã hội, nhà trả góp… có tính khả thi cao và nhà nước phải chỉ đạo đầu tư trực tiếp với những nguồn lực tương xứng, bên cạnh đó cũng phải biết cách huy động nguồn lực của xã hội. Với những chương trình đầu tư nhà cho người nghèo có thể chế rõ ràng và được nhà nước tạo điều kiện trong việc cho vay vốn ưu đãi thì dù không có lợi nhuận nhiều  các nhà đầu tư cũng vẫn sẵn sàng tham gia. Điều quan trọng là thể chế tài chính rõ ràng, tổ chức minh bạch, bài bản, thanh toán dễ dàng, thủ tục nhanh chóng.- Ngành bất động sản khủng hoảng như vậy, ông có những giải pháp nào để lèo lái Công ty Thuduc House? Dĩ nhiên là tôi phải có chiến lược kinh doanh và có những dự báo trước. Thí dụ như từ năm 2009 chúng tôi đã có kế hoạch phát hành trái phiếu chuyển đổi do chúng tôi đã có những dự báo được tình hình xấu, trước khi xảy ra khủng hoảng kinh tế lớn. Nhưng do những thủ tục hành chính kéo dài cả năm mới xong, chúng tôi đã chậm một bước. Nếu sớm hơn một năm, chúng tôi đã có trong tay 600 tỷ. Khi đưa trái phiếu ra thị trường được, lúc đó nền kinh tế thế giới và Việt Nam đã lâm vào khủng hoảng, chỉ phát hành được 208 tỷ, nhưng đó cũng đã là một thành công vì mức lãi suất chỉ 7%, một lãi suất rất thấp so với mấy năm nay, giúp công ty cũng đỡ bị động phần nào về nguồn vốn. Quan trọng thứ hai là định hướng sản phẩm. Cách đây vài năm, công ty của chúng tôi chỉ làm nhà cao cấp và đất nền, nhưng thời gian gần đây, trước tình hình kinh tế khó khăn, đã chuyển sang làm nhà dạng trung bình, trung bình khá, tuy tổng giá trị căn hộ sẽ nhỏ hơn, diện tích căn nhà nhỏ hơn nhưng chất lượng vẫn đảm bảo. Với sự thay đổi quy mô sản phẩm này, tuy bán chậm nhưng không bị tồn kho nhiều. 
"Năm nay tôi thấy mừng vì Trung ương Đảng và Chính phủ đã có những thay đổi về nhận thức rất rõ, đã nhận ra mâu chốt của nền kinh tế là ngành bất động sản, vực dậy bất động sản có thể kéo thao nhiều ngành khác phát triển, từ đó đã có những chỉ đạo các bộ ngành tập trung tháo gỡ" - Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc công ty Thuduc House.
"Năm nay tôi thấy mừng vì Trung ương Đảng và Chính phủ đã có những thay đổi về nhận thức rất rõ, đã nhận ra mâu chốt của nền kinh tế là ngành bất động sản, vực dậy bất động sản có thể kéo thao nhiều ngành khác phát triển, từ đó đã có những chỉ đạo các bộ ngành tập trung tháo gỡ" - Lê Chí Hiếu, Tổng Giám đốc công ty Thuduc House.

- Ông có thể tiết lộ trong năm 2012,  Thuduc House đã còn tồn kho sản phẩm bao nhiêu %?
Năm qua, chúng tôi đã làm 4 dự án: TDH Phước Bình hoàn thành xong đầu năm, đến nay chi còn tồn kho 19 căn hộ chưa bán được; TDH Trường Thọ chỉ còn tồn kho khoảng hơn 30%; Dự án Phước Long Spring Town đang trong giai đoạn xây dựng nên không thể gọi là tồn kho nhưng cũng đã bán được một số; dự án Long Hội đã bán được hơn 60%. Trong quý 4 này, chúng tôi đã bán được nhiều căn hộ hơn trong quý 2, quý 3. Còn giai đoạn giữa năm ngoái, khó bán hơn do các doanh nghiệp cạnh tranh nhau, họ phá giá, làm công ty chúng tôi bị ảnh hưởng. Chúng tôi không thể nào bán giá thấp hơn để cạnh tranh vì chúng tôi đã tính giá rất hợp lý ngay từ đầu. Mặt khác chất lượng căn hộ của chúng tôi thường được đầu tư chất lượng khá cao cấp nhằm giữ gìn uy tín thương hiệu, cho nên giá thường nhỉnh hơn các căn hộ của các nhà đầu tư khác trên địa bàn, tuy nhiên khi khách hàng sử dụng sản phẩm của chúng tôi thường rất hài lòng. Nhìn chung là tình hình đang khả quan hơn. Những căn hộ cao cấp, đắt tiền, có chất lượng, diện tích lớn nhưng phục vụ đúng nhu cầu thì người ta vẫn mua.- Xin cảm ơn ông! Chúc Công ty Thuduc House kinh doanh thành đạt trong năm 2013!
Công ty Thuduc House thành lập năm 1990, là công ty hoạt động về ngành bất động sản thành công tại Việt Nam, có trụ sở tại TP.HCM.  Các danh hiệu mà công ty đã nhận được:

Sao vàng đất Việt (năm 2006, 2007, 2008, 2009, 2010, 2011)
Cúp vàng doanh nghiệp xuất sắc (2009)
Cúp vàng thương hiệu xuất sắc (2009)
Cúp vàng dịch vụ địa ốc xuất sắc (2009)
Huân chương Lao động hạng III (2010)
Doanh nghiệp Asian được ngưỡng mộ nhất (2010)
500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam (2010)
Cúp Thánh Gióng(Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu 2009)
Doanh nhân-Doanh nghiệp Sài Gòn tiêu biểu (2006,2007,2008,2009,2010,2011)
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!

Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Lê Ngọc Dương Cầm (thực hiện)