TPP "cuộc chơi" yêu cầu cao về sở hữu trí tuệ

30/11/2015 07:27
Mai Anh
(GDVN) - Đó khẳng định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Việt Thanh bên lề Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" trước thềm TPP.

Trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" và Lễ trao Giấy Chứng nhận quản trị viên Tài sản trí tuệ diễn ra tại TP.HCM mới đây, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh kiêm Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ Việt Nam đã có chia sẻ nhấn mạnh vai trò sở hữu trí tuệ trước thềm hội nhập TPP.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh cho rằng, cùng với quá trình sáng tạo và phát triển các tài sản trí tuệ mới, hoạt động quản trị tài sản trí tuệ trong từng doanh nghiệp, trường, viện là rất quan trọng để tạo một môi trường rộng rãi cho việc vận dụng pháp luật sở hữu trí tuệ vào thực tiễn nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh, chuyển giao áp dụng và nhân rộng các thành quả sáng tạo vào cuộc sống. 

Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" và Lễ trao Giấy Chứng nhận quản trị viên Tài sản trí tuệ do Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ KH&CN và Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp tổ chức.
Hội thảo "Phát triển và Chuyển giao Tài sản Trí tuệ" và Lễ trao Giấy Chứng nhận quản trị viên Tài sản trí tuệ do Trường Đại học KHXH&NV TP.HCM, Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ thuộc Bộ KH&CN và Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp tổ chức.

Thứ trưởng Trần Việt Thanh đánh giá, TP.HCM là địa phương đi đầu về thúc đẩy hoạt động sở hữu trí tuệ. TP.HCM đã có những hội, hiệp hội về sở hữu trí tuệ và đặt biệt là Sở Khoa học & Công nghệ Thành phố đã phối hợp được với rất nhiều trường đại học và các cơ quan trung ươngg như Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ và Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ, Văn phòng Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (SHTT) và Văn phòng Đại diện Cục Bản quyền Tác giả tại TP.HCM, để đưa hoạt động quản trị tài sản trí tuệ ở thành phố từng bước phát triển một cách tích cực và có hiệu quả.

Thứ trưởng Thanh đánh giá cao Chương trình của đào tạo đội ngũ Chuyên viên tài sản trí tuệ, Trưởng Bộ phận Tài sản Trí tuệ và Giám đốc Tài sản trí tuệ của TP.HCM.

Theo Thứ trưởng Trần Việt Thanh, bước chuẩn bị đội ngũ chuyên viên tài sản trí tuệ như tại TP.HCM đặc biệt có ý nghĩa trước thềm Hiệp định TPP có hiệu lực. Ông Thanh cho biết, Hiệp định TPP trong đó Việt Nam là thành viên có tiêu chuẩn cao về thương mại, nhất là về khía cạnh sở hữu trí tuệ với các quy định phải thực hiện rất cao so với các Hiệp định trước đây.

"Các doanh nghiệp đều nhận thức được phải nghiên cứu thêm rất nhiều vấn đề về sở hữu trí tuệ, về thực thi quyền sở hữu trí tuệ và về bảo hộ quyền về sở hữu trí tuệ trong kinh doanh quốc tế, theo các nội dung rất mới trong Hiệp định TPP.

Có như vậy thì các doanh nghiệp mới có thể chủ động để phát huy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của doanh nghiệp mình một cách hiệu quả hơn, và rất nên có nhân sự được đào tạo chuyên môn về quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp", Thứ trưởng Trần Việt Thanh nhấn mạnh. 

Ở góc nhìn doanh nghiệp, bà Phan Thị Châu - Tổng Giám đốc kiêm Trưởng Ban Quản trị Tài sản Trí tuệ Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Vĩ Long đã khẳng định là trong giai đoạn tham gia ngày càng sâu vào các Hiệp định thương mại tự do (TPP, AEC...), quản trị tài sản trí tuệ đã trở thành một chức năng không thể thiếu của một doanh nghiệp.

Theo bà Châu, công tác quản trị tài sản trí tuệ bao gồm ba bộ phận thiết yếu gồm: Nhân sự chuyên môn về sở hữu trí tuệ;  Nội dung sở hữ trí tuệ phù hợp với từng giai đoạn phát triển khác nhau và phải cụ thể hóa Nội quy quản trị thành các quy trình, thủ tục tác nghiệp.

Phó Viện trưởng Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - ông Nguyễn Hữu Cẩn cũng đưa ra con số thống kê: 81% bên mua lại các tài sản trí tuệ của doanh nghiệp Việt Nam có quốc tịch từ châu Á và châu Âu, 25% yếu tố thúc đẩy hành vi mua là các quyền sở hữu trí tuệ đã được xác lập, các tác động của quá trình chuyển nhượng tài sản trí tuệ đối với bên bán (doanh nghiệp Việt Nam) và bên mua (doanh nghiệp nước ngoài), 

Con số thống kê trên cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thực sự quan tâm đến vấn đề sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp Việt cần nhìn nhận vấn đề sở hữu trí tuệ quan trọng giống như việc nâng cao chất lượng sản phẩm. Coi sở hữu trí tuệ như tài sản cần phát huy một cách hiệu quả hơn.

TS. Đào Minh Đức, Trưởng Phòng Sở hữu trí tuệ  Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM giới thiệu về kết quả của Chương trình Đào tạo Quản trị viên Tài sản Trí tuệ tại TP.HCM trong giai đoạn 2011-2015 do Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp cùng Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ tổ chức.

Đây là Chương trình đầu tiên trong cả nước hướng đến việc hỗ trợ các doanh nghiệp, trường, viện tự xây dựng hoạt động SHTT và quản trị tài sản trí tuệ trong nội bộ.

Thông qua việc tham gia nghiên cứu tại Chương trình, trung bình mỗi năm TP.Hồ Chí Minh có trên 20 người được đơn vị ra quyết định bổ nhiệm, phân công vào các chức danh như Chuyên viên Tài sản trí tuệ, Chuyên viên SHTT, Trưởng Bộ phận hoặc Phòng, Ban Quản trị Tài sản trí tuệ, Giám đốc Tài sản trí tuệ... và chính họ tự xây dựng, ban hành các Quy chế, Quy định, quy trình, thủ tục quản trị tài sản trí tuệ nội bộ của trên 20 doanh nghiệp, trường, viện khác nhau...

Mai Anh