TS Lê Đăng Doanh: EVN nên giảm lương trước khi tăng giá điện

20/12/2011 12:07
Khuê Hạ
(GDVN) - Theo chuyên gia kinh tế Lê Dăng Doanh: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nên giảm chi phí tổn thất vật tư, giảm lương nhân viên trước khi tăng giá điện.

Bộ Công Thương vừa có quyết định cho phép Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tăng giá bán điện bình quân lên 5% từ 20/12/2011.


EVN cho rằng: Việc điều chỉnh giá điện trong bối cảnh hiện nay là cần thiết để giá điện đảm bảo phản ánh đúng chi phí sản xuất, kinh doanh điện thực tế, đồng thời bù đắp một phần chi phí phát sinh khách quan trong năm 2010 do hạn hán phải huy động các nhà máy chạy dầu giá cao và một số chi phí còn treo lại chưa được tính vào giá điện.

Tuy nhiên, kết thúc kiểm toán báo cáo tài chính năm 2010, kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra một số yếu tố có thể làm giảm lỗ kinh doanh điện. Cụ thể, tỉ lệ tổn thất điện năng của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới nên giảm tỉ lệ này sẽ giảm được giá thành điện. Tổn thất điện năng năm 2010 của EVN lên tới hơn 9.681 triệu kWh, tỉ lệ tổn thất là 10,15%, tăng 0,58% so với năm 2009.

Như vậy, với tổn thất đường dây còn rất cao, các vật tư mà EVN thải loại ra để đảm bảo an toàn vẫn còn có thể dùng lại. Theo TS. Lê Dăng Doanh, cựu Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, “Cách quản lý của EVN còn có nhiều thiếu sót”.
Thay vì tăng giá điện vào trước dịp Tết Nguyên đán, EVN nên tìm cách giảm chi phí tổn thất trên đường dây và cân nhắc, xem xét giảm lương nhân viên ở những vị trí không khó nhọc, độc hại.
Thay vì tăng giá điện vào trước dịp Tết Nguyên đán, EVN nên tìm cách giảm chi phí tổn thất trên đường dây và cân nhắc, xem xét giảm lương nhân viên ở những vị trí không khó nhọc, độc hại.

“Tôi nghĩ: Thay vì tăng giá điện vào trước dịp Tết Nguyên đán, EVN nên làm tốt một đề án, trong đó nêu rõ: Giảm những chi phí tổn thất trên đường dây thế nào, tổn thất chuyển tải ra làm sao, làm thế nào để tận dụng nguyên vật liệu, vật tư, phế thải.

Thêm vào đó, điều cần làm thứ 2 là nâng cao năng sức lao động và công bố công khai các thông tin. Nếu EVN thường xuyên công bố công khai các thông tin về việc kinh doanh lành mạnh thì cũng không có những ý kiến trái chiều khác nhau phản đối việc tăng giá của EVN”, TS Doanh nói.

Ngoài ra, cũng theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước, thu nhập bình quân của cán bộ toàn công ty mẹ Tập đoàn Điện lực VN (EVN) trong năm 2010 là 13,7 triệu đồng một tháng. Trong đó, thu nhập bình quân khối truyền tải điện là 10,8 triệu đồng/người/tháng. Còn khối phân phối điện, thu nhập bình quân mỗi tháng vào khoảng 7,9 triệu đồng/người.

Bên cạnh đó, thu nhập bình quân cơ quan văn phòng thuộc tập đoàn còn cao gấp hơn 2 lần thu nhập bình quân chung của công ty mẹ. Như vậy, lương cho một nhân viên văn phòng của EVN lên tới 30 triệu đồng/tháng.

Nhiều người tiêu dùng không khỏi thắc mắc: Phải chăng EVN tăng giá điện để bù vào chi phí lương “khủng” của công nhân viên, cũng giống như việc các doanh nghiệp xăng dầu kêu lỗ phần lớn là do định mức hao hụt xăng dầu và chi phí thù lao đại lý vượt mức so với quy định?

Liên quan tới vấn đề này, TS. Lê Đăng Doanh cũng đưa ra ý kiến: EVN nên xem xét trả lương vừa phải, nhìn những tương quan chung để đưa ra mức lương cho cán bộ công nhân viên sao cho phù hợp nhất.

“Tôi rất thông cảm với anh em làm ngành điện vì ngành này khó nhọc, độc hại nhưng không phải nhân viên nào cũng được cộng thêm phụ cấp độc hại một cách bừa bãi. Với các nhân viên văn phòng không nên để mức lương cao như thế (khoảng 30 triệu đồng – pv), EVN nên xem xét tương quan giữa các ngành để trả lương” – ông Doanh thẳng thắn.

“EVN có rất nhiều cơ hội để giảm chi phí, EVN nên tận dụng cơ hội đó, thay vì việc vừa trả lương cao vừa nâng giá điện gây thiệt hại cho người dân” – TS Doanh kết luận.
Khuê Hạ