TS Nguyễn Trí Hiếu: Chia cổ tức bằng tiền, ngân hàng nhà nước cũng có cái khó

14/06/2016 09:19
Mai Anh
(GDVN) - Theo các chuyên gia kinh tế, bên cạnh việc đảm bảo kinh doanh có lãi những ngân hàng như BIDV, Vietinbank còn phải gánh trọng trách ngân sách nhà nước.

Việc Bộ Tài chính lên tiếng yêu cầu hai Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) phải trả cổ tức bằng tiền mặt đang tạo ra hai luồng ý kiến đối ngược nhau.

Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, BIDV và Vietinbank chia cổ tức không thống nhất với Bộ Tài chính là không đúng quy phạm pháp luật. Bộ này viện dẫn theo Nghị định 57/2012/NĐ-CP với ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ phải lấy ý kiến Ngân hàng Nhà nước và thống nhất với Bộ Tài chính. 

VietinBank và BIDV đang bị Bộ Tài chính đòi chia cổ tức ảnh: Bình Minh/ Thanh Niên
VietinBank và BIDV đang bị Bộ Tài chính đòi chia cổ tức ảnh: Bình Minh/ Thanh Niên

Trong khi đó các ngân hàng cho rằng, việc không chia cổ tức hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu nhằm tạo điều kiện cho các ngân hàng tăng vốn nhằm tăng năng lực tài chính, đảm bảo tăng trưởng tín dụng.

Mặt khác BIDV, Vietinbank không chia cổ tức bằng tiền mặt còn giúp ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng GDP.

Trước tranh luận chưa có hồi kết của đại diện các bên, để có cái nhìn toàn diện về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính ngân hàng.

Theo đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu khẳng định cả Bộ Tài chính và hai ngân hàng đều có lý riêng và đều đúng. 

Bộ Tài chính với vai trò đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp trong đó có ngân hàng. Bộ Tài chính còn là cơ quan lo vấn đề ngân sách nhà nước đảm bảo thu chi. Do đó nhiệm vụ của Bộ là phải thu bù chi để cân đối.

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chia cổ tức bằng tiền, ngân hàng nhà nước cũng có cái khó ảnh 2

BIDV chỉ ra những rủi ro nếu thu cổ tức ngân hàng bằng tiền mặt

TS Nguyễn Trí Hiếu: Chia cổ tức bằng tiền, ngân hàng nhà nước cũng có cái khó ảnh 3

BIDV trả cổ tức "theo quyết định cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền"

“Dễ hiểu bởi nếu điều kiện ngân sách không khó khăn, hạn hẹp Bộ Tài chính có thể không quá quan tâm đến việc các ngân hàng chi trả cổ tức bằng tiền mặt hay cổ phiếu thậm chí không chi trả cổ tức. Nhưng rõ ràng, yêu cầu của Bộ Tài chính vừa qua xuất phát ngân sách khó khăn”, TS. Hiếu cho biết.

Về khía cạnh pháp lý, theo ông Hiếu với số cổ phần nắm đến 64,46% tại Vietinbank và hơn 95% tại BIDV, nhà nước đang là cổ đông lớn nhất, do đó tiếng nói quyết định cao nhất có thể triệu tập đại hội cổ đông bất thường để quyết vấn đề chia cổ tức.

Tuy nhiên ở khía cạnh các ngân hàng, theo TS. Hiếu, BIDV và Vietinbank muốn giữ lại cổ tức nhằm đảm bảo duy trì phát triển của ngân hàng, nhằm hạn chế tăng trưởng tài sản rủi ro, đảm bảo hệ số an toàn vốn và ổn định lãi…

“Cần khẳng định, đề nghị của các ngân hàng xin giữ lại cổ tức cũng nhằm đảo bảo quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư khác. Bên cạnh đó ngân hàng như một doanh nghiệp, nếu thiếu vốn (bị bắt trả cổ tức bằng tiền) ngân hàng gặp khó khăn, từ đó không chỉ ngân hàng mà các cổ đông (trong đó có nhà nước) cũng chịu thiệt”, TS. Hiếu phân tích.

Với vai trò dẫn dắt hệ thống ngân hàng đồng thời góp phần lớn vào việc điều hành chính sách tiền tệ, thúc đẩy kinh tế theo TS. Hiếu cả BIDV và Vietinbank đều đang giữ vai trò lớn trong nền kinh tế. Vì vậy phải nhìn vấn đề chi trả cổ tức một cách dài hơi, giống như việc nuôi con gà để "đẻ trứng vàng", không thể vì ngân sách thiếu mà quyết yêu cầu ngân hàng trả cổ tức bằng tiền mặt, từ đó khiến ngân hàng lâm cảnh khó khăn.

TS. Hiếu cũng đặt câu hỏi tại sao khi ngân hàng tổ chức đại hội cổ đông, vấn đề chia cổ tức bằng tiền hay bằng cổ phiếu Bộ Tài chính không có ý kiến. Để đến khi kết thúc đại hội mọi con số tính toán, kế hoạch đã được duyệt ổn định thì lại xới lên gây khó cho các ngân hàng?

“Tất nhiên với vai trò cổ đông lớn nhất, Bộ Tài chính hoàn toàn có quyền yêu cầu người đại diện vốn nhà nước tại các ngân hàng trên triệu tập đại hội cổ đông để đề nghị ngân hàng trả cổ tức bằng tiền.

Tuy nhiên chiều ngược lại, nếu tạo điều kiện cho ngân hàng bằng việc không chia cổ tức bằng tiền mặt, ngân hàng có điều kiện phát triển, theo đó nhà nước sẽ có khoản thu còn lớn hơn là việc yêu cầu trả cổ tức bằng tiền hiện nay”, TS. Hiếu khẳng định.

Mai Anh