TTTM Grand Plaza ế ẩm, người trong cuộc kể khổ

28/09/2011 06:37
Bài, ảnh: Khởi Sự
“Một TTTM lớn phải có điểm khác biệt để thu hút khách trong khi Grand Plaza chưa có điểm nhấn nào đặc biệt cả", một nhân viên của Grand Plaza thừa nhận.
Như báo Giáo Dục Việt Nam đã đưa tin, Trung tâm thương mại (TTTM) Grand Plaza bị không ít người “tẩy chay” vì phí gửi xe nhập nhèm, nếu không biết “luật”, xe ô tô vẫn bị thu 10.000 đồng/giờ như nhiều khách vãng lai khác. Ngoài ra, cách làm ăn, kinh doanh không đồng bộ của Grand Plaza cũng đang là một hướng đi “tự sát” – theo đánh giá của Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội.

Những ngày cuối tuần, một lần nữa trở lại Grand Plaza, trò chuyện, tiếp xúc với nhân viên kinh doanh của các gian hàng cũng như trao đổi với một số khách hàng tới mua sắm tại đây, phóng viên Giáo Dục Việt Nam có thể đưa 1001 lý do khiến nơi đây ảm đạm như chợ chiều.
Gian hàng đìu hiu, mặt hàng nghèo nàn Theo ghi nhận của phóng viên giaoduc.net.vn, sau hơn 1 năm đi vào hoạt động nhưng tính cho tới thời điểm cách đây 1 tháng, gần ½ số gian hàng của Grand Plaza vẫn trống chỗ. Nhiều gian hàng vẫn bỏ lại bàn ghế (như tiệm đồ uống Cocacola trên tầng 4), tủ đựng hàng hóa (như Etude house tầng 1), nhiều gian hàng vẫn treo bảng hiệu, logo nhưng không thấy có người đứng bán và hàng hóa vẫn chưa được chuyển tới. Cảm nhận ban đầu của bất kỳ khách nào tới đây đó là sự nghèo nàn về mặt hàng, mẫu mã, cứ khoảng 2 – 3 gian hàng tồn tại thì có 1 gian hàng trống. Cảnh vắng vẻ bao trùm khắp TTTM này.
Cảnh đìu hiu bao trùm khắp không gian Trung tâm thương mại Grand Plaza.
Cảnh đìu hiu bao trùm khắp không gian Trung tâm thương mại Grand Plaza.
Chị Mai - nhân viên bán hàng thời trang tại tầng 2 - cho biết: “Những gian hàng còn tồn tại cho đến ngày hôm nay chủ yếu là do đặt cọc hết rồi, không ra được nên đành phải ở lại đây”.. Theo bảng chỉ dẫn đặt trước cầu thang máy, TTTM này bao gồm 4 tầng. Tầng 1 có mỹ phẩm, đồng hồ, trang sức đồ da; tầng 2 có thời trang, phụ kiện thời trang, siêu thị mini; tầng 3 có phụ kiện thời trang, nội thất, chăm sóc sức khỏe, đồ trẻ em; tầng 4 café, nhà hàng, khu ẩm thực. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên, mỗi tầng chỉ thưa thớt vài gian hàng và các sản phẩm cũng chưa thực sự đa dạng, phong phú. Đơn cử là tầng 4, khách hàng đến đây sẽ không khỏi thất vọng bởi khu ẩm thực chỉ có một nhà hàng vắng khách và một quầy hàng vẫn đang hoạt động có biển đề “lẩu thái” nhưng nhân viên tại đây 4h chiều đều đã tìm góc khuất trong quầy nằm nghỉ ngơi và trò chuyện. Cả một dãy dài ghi biển “Lẩu Hồng Kông” và Coca – Cola đều đã ngừng hoạt động vì một vài “vấn đề trục trặc”, chỉ thấy trơ trọi một không gian vắng vẻ. Tầng 3 với sự góp mặt của các hãng quần áo nổi tiếng như Mattana, Seven.am, Blueberry nhưng bên cạnh đó lại nhiều gian hàng trống, đóng cửa tạo cho khách hàng cảm giác thưa thớt. “Mình đã đến đây lần thứ 3 và lần nào cũng thấy rất vắng khách. Theo mình, có lẽ nguyên nhân do mặt hàng chưa phong phú lại xa trung tâm. Nếu như ở TTTM khác như Tràng Tiền, Vincom, khách hàng không mua được cái này thì họ có thể mua được cái khác. Nếu lượn lờ không mua được hàng hóa, họ có thể xem phim, chơi game và nhiều trò thú vị khác. Còn ở đây, chúng tôi chỉ tiện đường lên ăn rồi về” – bạn Khánh Hòa, nhân viên tư vấn của một công ty bất động sản tại Hà Nội nêu lên ý kiến của mình. Cũng đồng tình với quan điểm của Khánh Hòa, nhân viên bán hàng quần áo, đồ trẻ em nhãn hiệu Hikosen cara cũng nhấn mạnh: “Một trung tâm lớn như này phải có điểm khác biệt để thu hút khách trong khi Grand Plaza chưa có điểm nhấn nào đặc biệt. Các thương hiệu ở đây có thì ở đó cũng có nhưng ngược lại, các thương hiệu ở đó có mà ở đây lại không có”.
Trung tâm thương mại Grand Plaza 'lọt thỏm' giữa khách sạn và tòa văn phòng cũng là 1 lý do theo người dân khiến nó trở nên vắng khách.
Trung tâm thương mại Grand Plaza 'lọt thỏm' giữa khách sạn và tòa văn phòng cũng là 1 lý do theo người dân khiến nó trở nên vắng khách.
Ngoài ra, theo nhận xét của một số khách hàng, mặt hàng ở đây không những không phong phú mà còn đắt hơn so với siêu thị BigC. Bạn Khánh Hòa đưa ra ví dụ: Một lần, mình đi xem một chiếc ví da ở Grand Plaza có giá 800.000 đồng, nhưng sang BigC, cũng loại ví đó, nhưng giá lại rẻ gấp đôi, chỉ gần 400.000 đồng. So sánh về giá cả với một TTTM đối trọng ngay gần đó và thấy sự chênh lệch, có lẽ chính vì vậy mà khách hàng bình dân không ít người đã chọn BigC thay vì chạy qua Grand Plaza.Môi trường không thân thiện? Sau khi báo Giáo Dục Việt Nam phản ánh về ấn tượng của người dân khi ra vào tòa nhà Grand Plaza, “giống như một pháo đài riêng” khi ngoài đầu cổng, chiếc barie lúc nào cũng án ngưỡng, ngay sau đó, khảo sát lại, phóng viên ghi nhận: Grand Plaza đã phá bỏ “rô bốt đứng gác cổng”, “hàng rào sắt” này. Tuy vậy, “nếu như ở BigC, xe máy nhiều hơn ô tô thì ở TTTM Grand Plaza, ô tô lại nhiều hơn xe máy. Nhìn tòa nhà này, nhiều người dân qua đường tưởng: Chỉ phục vụ khách Vip nên không dám vào”, nhân viên bán ghế mát xa tại Grand Plaza cho biết. Cũng theo lời anh nhân viên, nhiều người không biết tòa nhà đồ sộ Grand Plaza này có một trung tâm thương mại, khu mua sắm. “Họ đi qua đây, nhìn biển màu vàng đề chữ “Grand Plaza Hotel” ngoài cổng và nhìn tòa nhà cao ngất, một bên là khách sạn, một bên là khu văn phòng, họ chỉ nghĩ rằng đây là khu khách sạn, văn phòng, ít ai biết rằng: Ở giữa lại “lọt thỏm” một trung tâm thương mại. Cách tổ chức, quản lý tại nơi đây cũng khiến nhiều nhân viên và khách hàng khó chịu. “Ngày trước, ban quản lý tòa nhà còn định thu tiền gửi xe máy của cả nhân viên lẫn khách, cứ 2.000 đồng/giờ, trong khi đó, mỗi ngày, chúng tôi làm việc 14 tiếng đồng hồ. Sau đó, nhiều gian hàng phản đối, quy định này được phá bỏ", một nhân viên kinh doanh tại Grand Plaza kể về những bất cập khi làm việc tại đây. Ngoài ra, thời gian đầu, TTTM đi vào hoạt động, nhân viên phục vụ còn kiểm tra gắt gao khách hàng vào mua sắm, khiến không ít người phải tỏ ra cáu gắt: “Tôi đi mua đồ chứ có phải đi xin gì đâu mà phải kiếm tra như thế”. Gần đây, trung tâm đã thay đổi đội ngũ bảo vệ nên tình hình có khá hơn. …1001 lý do “không tên” khác
Theo ghi nhận của một số người dân quanh khu vực Trần Duy Hưng, mặc dù ở siêu thị BigC, lượng khách đông, mỗi lần đến mua sắm phải xếp hàng vào gửi xe và lấy phiếu nhưng có lẽ cũng đỡ phiền hà hơn ở Grand Plaza.
Trên nhiều diễn đàn online, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ bức xúc của mình về cách quản lý và kinh doanh "khó hiểu" của Grand Plaza.
Trên nhiều diễn đàn online, nhiều bạn trẻ cũng bày tỏ bức xúc của mình về cách quản lý và kinh doanh "khó hiểu" của Grand Plaza.
“Nếu khách đã từng đến đây một lần biết đường thì không sao, khách tới lần đầu phải mò mẫm rất khó khăn. Có biển chỉ dẫn đường vào gửi xe ở dưới tầng hầm, nhưng khách phải đi ngoằn nghèo, lượn mấy khúc cua mới tới chỗ để xe. Quan trọng nhất là chỉ dẫn không rõ ràng, từ tầng hầm muốn lên khu mua sắm cũng phải lớ ngớ mất ít phút nữa” – Chị Vũ Tuyết Mai (Ngõ 93 Hoàng Văn Thái, Thanh Xuân, HN) cho biết. Trên một diễn đàn online, sau bài báo đăng tải trên giaoduc.net.vn, nhiều thành viên ra sức tranh luận để đưa ra quan điểm của mình, giải thích cho sự vắng vẻ của TTTM Grand Plaza. Bạn có nickname MiMiChan viết: “Từ chỗ không gian gửi xe thiếu thân thiện, đến mấy em bán hàng thấy khách chỉ xem thôi nên không tiếp, khách có thử tí nước hoa, mỹ phẩm thì khó chịu ra mặt, khách phải hiểu là "xem thôi thì thử làm gì". Ngoài ra, có không ít khách hàng còn “tẩy chay” Grand Plaza vì những lý do “độc nhất vô nhị” khác nữa. Tại diễn đàn Web***, bạn TNEO bức xúc: “Ở đó, mùa hè điều hòa bật rét run. Con mình vào đấy mấy lần về ốm, ho. Mùa hè mà nhân viên bán hàng khoác áo ba lớp trông thật phản cảm. Mình mặc hai dây, quần ngắn đi chơi buổi tối vào đấy rét lập cập, không tài nào dám thử quần áo”.
Bài, ảnh: Khởi Sự