Tác giả "Đường bay thẳng" tiếp tục đề xuất “Đại lộ xương sống”

21/01/2015 12:11
Mai Anh
(GDVN) - Văn phòng Chính phủ vừa chuyển ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ GTVT nghiên cứu đề xuất “Đại lộ xương sống” và trả lời cựu phi công Mai Trọng Tuấn.

Ông Mai Trọng Tuấn - cựu phi công quân sự, người được dư luận gần đây biết đến là tác giả của đề án "Đường bay thẳng" cho biết: Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vừa có ý kiến chỉ đạo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, nghiên cứu “Đại lộ xương sống” do chính ông đề xuất.

Trước đó ngày 2/9/2014, ông Tuấn gửi đến lãnh đạo nhiều Bộ ngành trung ương đề xuất xây dựng một đại lộ gọi “Đại lộ xương sống” đi qua ba nước thuộc bán đảo Đông Dương gồm Việt Nam, Campuchia và Lào với chiều dài 1.000 km.

Được biết tài liệu “Đại lộ xương sống” từng được ông Tuấn viết lần thứ nhất 13/04/2013, đã đăng ký bản quyền tác giả số 652/2013/QTG ngày 26/04/2013. Tài liệu này được dịch ra thành 2 thứ tiếng khác là Anh và Pháp.

"Đại lộ xương sống" đường viền mầu đỏ lớn (ảnh phác họa của ông Mai Trọng Tuấn).
"Đại lộ xương sống" đường viền mầu đỏ lớn (ảnh phác họa của ông Mai Trọng Tuấn).

Tuyến đại lộ này được ông Tuấn dựa theo những con đường chính phủ Pháp đã mở đầu thế kỷ 20 mà ngày nay 3 nước vẫn còn sử dụng, đầu tư, cải tạo và nâng cấp. 

Theo tác giả, “Đại lộ xương sống” sẽ có điểm bắt đầu từ đèo Mụ Giạ ( Quảng Bình - Việt Nam) qua biên giới Việt – Lào, tiếp đến các điểm: NaPao, Mường Phìn, Xa La Van, Champasak. 4 điểm nằm trên đất Lào: Stung reng, Kratie, Bình Phước, 2 điểm nằm trên đất Campuchia tới điểm cuối là Bình Phước (Việt Nam).

Ước tính tổng chiều dài 1.000 km, trong đó phần đường nằm trên đất Việt Nam 30km, phần nằm trên đất Lào 560 km và phần trên đất Campuchia 410 km. Tuyến đường này sẽ chạy thẳng từ thượng Lào xuống trung Lào, hạ Lào qua tỉnh Kratie (Campuchia) sang Bình Phước - Việt Nam.

“Đại lộ xương sống” sẽ chạy thẳng không uốn lượn theo hình chữ S chiều dài đất nước, đây là con đường ngắn nhất nối 2 vùng trọng điểm kinh tế của Việt Nam.  Chiếm 81% dân số và 65% diện tích của cả nước Việt Nam và cũng là vựa lúa lớn nhất trên bán đảo Đông Dương (đồng bằng Nam Bộ và đồng bằng Sông Hồng).

Theo tính toán của ông Tuấn, nếu theo “Đại lộ xương sống” cự ly sẽ rút ngắn được trên 300 km cho đường Quốc lộ 1A và 500km cho đường Trường Sơn, chỉ còn là 1.400 km (tính từ Hà Nội đến TP.HCM).

Nếu tuyến đường này được thực hiện sẽ giảm tải cho Quốc lộ của Việt Nam, tránh mật độ lưu lượng xe Bắc Nam đang rất lớn hiện nay. Dù chạy gần như song song với tuyến đường quốc lộ 1A nhưng do “Đại lộ xương sống” được xây dựng trên vùng đồng bằng của Lào và Campuchia nên không bị hạn chế như đường cua lượn, quanh co, tầm nhìn hạn chế.

“Đại lộ xương sống” chạy dọc theo sông MeKong, qua 2 nước bạn Lào và Campuchia, không những nhanh mà còn an toàn hơn.

Theo ông Tuấn, có “Đại lộ xương sống” sẽ có thêm một yếu tố để 3 nước anh em (Viet Nam, Lào Campuchia) mãi mãi gắn kết chặt chẽ với nhau hơn. Đặc biệt tuyến đại lộ này sẽ là tiền đề để phát triển kinh tế cho vùng 13 tỉnh nghèo của 3 nước.

“Câu hỏi lớn nhất và cũng là vấn đề cơ bản quan trọng nhất của đề xuất này là “vốn đầu tư”. Tôi và tham khảo một số nhà kinh tế cho rằng: đó là vấn đề giải quyết không khó. Bởi vì, vốn đầu tư lớn hay nhỏ, việc đầu tư không nằm ở số lượng, mà nó phụ thuộc vào khả năng thu hồi vốn. Để làm đại lộ này, vốn đầu tư ước tính cao nhất là từ 6 tới 8 tỷ USD. Nhưng lưu lượng các phương tiện lưu thông trên đại lộ này sẽ là: trên 20.000 lượt/chiếc ngày (cả 2 chiều). Số tiền thu phí (trừ chi phí và bảo dưỡng) có khả năng thu được 600 triệu USD/năm, chỉ trong 10 năm đã hoàn vốn đầu tư”, ông Tuấn tính toán.

Mai Anh