“Tái cơ cấu Vinashin là cần thiết nhưng hơi muộn”

07/02/2013 10:46
Hoàng Lực
(GDVN) - “Đây là việc làm cần thiết của Chính phủ nhưng có lẽ là hơi muộn, đáng ra việc làm này cần được thực hiện sớm hơn thì sẽ không phải thiệt hại nhiều…” - Chuyên gia kinh tế TS Lê Đăng Doanh nhận định.
Do đầu tư dàn trải, khả năng quản trị doanh nghiệp, quản lý tài chính công yếu kém khiến doanh nghiệp nhà nước rơi vào cảnh nợ nần chồng chất. Nói riêng Vinashin tổng số nợ lương lao động, nợ tổ chức nước ngoài, nợ ngân hàng... lên đến hơn 80.000 tỉ đồng. Với số nợ lớn cũng như kinh tế khó khăn Vinashin khó lòng trả hết nợ.

Tái cơ cấu Vinashin là điều cần thiết nhưng là quá muộn
Tái cơ cấu Vinashin là điều cần thiết nhưng là quá muộn

Trước mục tiêu hình thành các doanh nghiệp nhà mạnh, có nguồn lực, năng lực tài chính để hoạt động phát triển, cạnh tranh trên thị trường. Sau thời gian xây dựng và trình Chính phủ mới đây Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam vừa được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký thông qua. Theo đó, thay vì đầu tư dàn trải Vinalines được Nhà nước giao thực hiện tốt 3 nhiệm vụ trọng tâm: Vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải.
Để thực hiện nhiệm vụ được giao Vinalines sẽ phải tiến hành tái cơ cấu sắp xếp lại đơn vị thành viên, theo đó sẽ cho phá sản 2 doanh nghiệp làm ăn yếu kém là Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon). 
Nhìn lại vấn đề có thể thấy câu chuyện Vinashin, Vinalines là bài học đắt giá cho công tác quản lý tại doanh nghiệp nhà nước. Theo TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM) câu chuyện tái cơ cấu doanh nghiệp nói chung, doanh nghiệp nhà nước trong lúc kinh tế khó khăn được nói đến nhiều nhưng thực hiện và thành công không phải dễ.
Với riêng trường hợp của tái cơ cấu theo đề án mới được Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh ký thông qua. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là việc làm cần thiết, chỉ tiếc là hơi muộn nên dẫn đến thiệt hại nhiều cho kinh tế nhà nước.

“Đây là việc làm đúng và cần thiết tiếc là hơi muộn nhẽ ra chúng ta phải làm việc này sớm hơn để tránh thiệt hại cho kinh tế nhà nước” – TS Lê Đăng Doanh nhận định. 
Theo TS Lê Đăng Doanh khi các doanh nghiệp có vấn đề về quản lý yếu kém gây thất thu, nợ lớn…nói chung nhất là hoạt động kinh doanh kém hiệu quả thì cần phải xem xét để sớm có điều chỉnh tránh để dài gây hậu quả xấu. “Không thể nào tiếp tục duy trì một doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả, không có năng lực cạnh tranh được. Tái cơ cấu lại Vinalines lúc này là biện pháp để sau đó phát triển mạnh mẽ hơn” TS Lê Đăng Doanh nhấn mạnh.
Nếu không có hành động mạnh mẽ như tái cơ cấu, chấp nhận cho phá sản những doanh nghiệp yếu kém sẽ gây hậu quả xấu. Hậu quả xấu ở đây theo TS Lê Đăng Doanh như trường hợp Vinashinlines nợ lương thủy thủ, nhân viên điều này không chỉ khiến nhà nước phải gánh nợ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống công nhân, người lao động.

Giải mã vì sao EVN, Petrolimex “lỗ cao lương khủng”

TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (Central Institute for Economic Management - CIEM)

Về việc lo ngại khi giải thể 2 đơn vị làm ăn yếu kém, gây nhiều “bê bối” kinh tế thời gian qua là Công ty Vận tải viễn dương Vinashin (Vinashinlines) và Công ty Vận tải dầu khí Việt Nam (Falcon) người lao động sẽ gặp khó trong việc đòi quyền lợi. TS Lê Đăng Doanh cho rằng, lợi ích  người lao động đã được bảo vệ thể hiện trong luật phá sản. Vì sau khi doanh nghiệp phá sản nợ lương người lao động sẽ được xem xét chi trả đầu tiên.
Cũng theo phân tích của TS Lê Đăng Doanh để giúp người lao động, chắc chắn nhà nước sẽ có những chính sách hỗ trợ  người lao động như đào tạo lại, sắp xếp nhân sự phù hợp…theo quy định chung của chính phủ. TS  Doanh cũng cho rằng, người lao động cũng sẽ thông cảm với doanh nghiệp vì trước tình hình khó khăn như vậy việc phá sản cũng là cần thiết.

 “Người lao động cũng không thể chờ đợi hay cố níu giữ một doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, không thể cạnh tranh và nợ lương mãi như vậy được” TS Lê Đăng Doanh phân tích.
Trước đó trung tuần tháng 4/2012 trong đơn cầu cứu gửi đến cơ quan chức năng và báo chí truyền thông chủ tầu Hoa Sen và hàng chục thủy thủ cho biết bị Vinashinlines nợ lương 2 năm 2010 và 2011. Có người bị đơn vị này nợ đến hơn 200 triệu đồng. Cũng theo thủy thủ trên tầu Hoa Sen vào chuyến chở hàng tháng 2/2012 sang Hàn Quốc, tầu Hoa Sen đã bị tạm giữ do khoản nợ trước đó của Vinashin.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Hoàng Lực