Tẩm hóa chất biến quả non thành quả già "bắt mắt"

17/05/2011 06:01
(GDVN) - Để quả hồng xiêm có màu vàng thẫm, bắt mắt, người bán ngâm quả qua một loại dung dịch được cho là bột sắt hòa với nước...

(GDVN) - Để quả hồng xiêm bắt mắt hơn, người bán thường ngâm quả qua một loại dung dịch được cho là bột sắt hòa với nước. Kể cả những quả xanh, sau khi ngâm qua dung dịch này, vỏ quả trở nên bóng mịn một, vàng thẫm, màu sắc đặc trưng của hồng xiêm già, chín.

>> Choáng với trái cây “mác” Úc, Mỹ để cả năm không… thối

>> 99% hoa quả “mác” Mỹ, Úc tại Hà Nội xuất xứ từ Trung Quốc?

>> Quả non bị ép chín bằng hóa chất tại vườn

Hồng xiêm, chuối tẩm hóa chất nhiều nhất


Phản ánh đến báo Giáo dục Việt Nam, chị Nguyễn Thị Linh (Quan Nhân, Hà Nội) cho biết, các con chị vốn rất thích ăn hồng xiêm nên chị vẫn thường  mua dự trữ trong tủ lạnh. Mới đây, sau khi mua thêm một túi hồng xiêm về nhà, chị cho vào tủ lạnh chung với những quả hồng xiêm trước đó. Trong quá trình xếp chung, chị bất ngờ phát hiện các quả hồng xiêm trong hai túi có hai màu hoàn toàn khác nhau. Một loại nhìn rất bắt mắt, vàng thẫm còn một loại vẫn thấy vân xanh qua lớp vỏ mỏng.

Nghi quả bị ngâm tẩm như các khuyến các trên mạng, chị Linh mang hai túi hồng xiêm đến nhà người quen làm trong Viện hóa học để kiểm tra. Theo chị Linh, chị thường xuyên mua hồng xiêm tại một cửa hàng trên đường Láng Hạ (Đống Đa, Hà Nội).

Sau khi kiểm tra, vị thạc sĩ hóa học (em trai chị Linh) đưa ra kết luận, những trái hồng xiêm có màu vàng thẫm đã được ngâm chất bột sắt còn hồng xiêm trong túi mới mua có màu xanh là chưa ngâm nên nhìn không vàng như những quả trước đó.

Quả hồng xiêm thẫm màu nghi là dùng hóa chất ngâm
Quả hồng xiêm thẫm màu nghi là dùng hóa chất ngâm.

Không giấu được bức xúc và lo lắng, chị Linh cho biết : hồng xiêm là món khoái khẩu của các con, túi hồng xiêm được dự báo ngâm chất sắt đã được các con chị ăn hết quá nửa. Khi mang số hồng xiêm còn lại đến cửa hàng hoa quả để "làm rõ", người bán tỏ ra bất ngờ khi cho rằng: chỉ biết lấy hàng về bán cho khách, còn hàng có ngâm, tẩm chất gì hay không thì họ... chịu, không biết được.

Không chỉ riêng chị Linh, rất nhiều chị em phụ nữ băn khoăn khi chọn hoa quả cho gia đình mình. Chị Ngân (Thanh Lương, Hai Bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: mỗi khi mua chuối, chị thường rất ngạc nhiên khi thấy vỏ quả chuối đã chín vàng ậc nhưng núm và phần cuống quả còn xanh nguyên. Khi bóc ra ăn, chị thấy phần ruột chuối đã mềm nhũn. Thắc mắc là thế nhưng do nhà có ông, bà thích nên chị vẫn thường mua loại quả này nhưng không biết giải tỏa khúc mắc với ai. Hỏi người bán, họ cũng chỉ "xuê xoa": "Chuối chín cây vàng ươm, tươi rói thế mà cô còn chê thì chúng tôi cũng chẳng biết bán thế nào cho vừa lòng khách".

Trong một lần trò chuyện với chị Bình (tiểu thương bán hoa quả lâu năm tại chợ Hà Đông), khi phóng viên Giáo dục Việt Nam đề cập đến có hay không các loại quả được ngâm tẩm hóa chất để "bắt mắt" hơn, chị Bình không ngần ngại tiết lộ: Hiện tượng trên là có thật và trên thị trường hiện có rất nhiều hoa quả được nhuộm màu, nhuộm hóa chất để tươi lâu hơn và nhìn ngon hơn.

Chị Bình cho biết, bằng mắt thường người mua hàng khó nhìn thấy, phân biệt được hoa quả đã ngâm hóa chất. Tâm lý của người mua hàng thích chọn những loại trái cây tươi, ngon, có vỏ bóng mịn trong khi phần lớn các loại quả này được tẩm chất chống thối.

Hầu hết những người bán hoa quả từ mối trên chợ Long Biên, Hà Nội đã “phù phép” trước khi khách hàng đến lấy. Những người bán buôn hay bán lẻ chỉ việc lấy về và bán.

Để hoa quả bóng đẹp, chín đều người ta không ngần ngại dùng hóa chất ngâm
Để hoa quả bóng đẹp, chín đều người bán không ngần ngại dùng
hóa chất ngâm tẩm.

Những người bán hàng thường "bật mí" cho nhau về những chất bảo quả hoa quả như bột sắt ngâm vào trái hồng xiêm để "lên đời" cho quả, chất Ethrel làm chín hoa quả nhanh, thuốc 2,4D chống vi sinh vật thâm nhập vào hoa quả gây nhanh thối rữa. Những quả hồng xiêm có thể hái khi còn xanh, nhìn không ngon nhưng chỉ cần nhuộm một ít hóa chất, quả sẽ chuyển thành màu vàng thẫm khiến nhiều người đinh ninh hồng xiêm già, ăn ngọt hơn. Trên thực tế, đã có rất nhiều khách hàng bị đánh lừa mua phải quả  non chỉ qua lớp vỏ bên ngoài này.

Ép chín hoa quả bằng hóa chất: Lợi hay hại?

Theo chỉ dẫn của chị Bình, chuyện tẩm, ngâm hóa chất có thể làm ngay từ khi hoa quả được thu hoạch, cũng có những nơi được ngâm tẩm sẵn. Nếu chủ hàng bán cho khách quen thì ít khi lấy loại này. “Họ tẩm ướp như thế nào mình không rõ nhưng mình biết chắc chắn là có”, chị Bình khẳng định.

Tại chợ Long Biên (Hà Nội), khi việc mua bán giao thương giữa người bán buôn, bán lẻ kết thúc là lúc những chủ hàng soạn lại hàng tìm ra những quả tồn để bán phá giá, những quả xanh chưa chín sẽ được gom lại và ngâm đất đèn để làm chín. Đất đèn được xay ra và rắc vào thùng trái cây, đậy chặt lại sau một ngày quả sẽ chín vàng đều. Những loại quả được dùng nhiều là chuối và xoài.
Một người bốc vác hàng cho biết, nhiều chủ cửa hàng còn ngâm hóa chất gồm bột đất đèn, chất chống thối để vừa chín nhanh vừa không thối. Một kg đất đèn có giá 19 nghìn đồng, có thể dùng cho 3 đến 4 tạ hoa quả. Một lọ nước chống thối 20 ml có giá 1.000 đồng.

Theo TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học và công nghệ thực phẩm (Đại học Bách Khoa Hà Nội), các loại trái cây khi hái xuống khỏi cây, nếu chỉ để tự nhiên, không bảo quản sẽ hỏng rất nhanh bởi khi đó, trong quả vẫn diễn ra quá trình hô hấp, quá trình tự chín và tự thối rữa. Mặt khác, sau khi hái, hoa quả sẽ bị vi sinh vật chui vào theo núm quả, làm cho quá trình thối rữa càng nhanh hơn.
Hoa quả được bày bán ở chợ Long Biên, Hà Nội
Hoa quả được bày bán ở chợ Long Biên, Hà Nội.
Ngày trước, người ta thường bôi vôi vào núm quả để vi sinh vật không thể chui vào được nhưng hiện nay, nhiều người buôn bán hoa quả đều sử dụng hóa chất để bảo quản hoa quả lâu hơn.

Đối với hoa quả sử dụng đất đèn để ép chín, về mặt hóa học, TS Thịnh cho rằng không có gì đáng lo ngại cho sức khỏe. Các ethylene là một kích thích tố rất quan trong trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây, sự chuyển đổi từ hoa sang quả xanh rồi chín là hệ quả sự kiểm soát của các kích thích tố này. Trong đất đèn có chứa chất này vì có tác dụng đẩy nhanh quá trình chuyển hóa chất của trái cây từ xanh sang chín

Tiến sĩ Thịnh điểm mặt một số loại dung dịch được phép dùng để bảo quản hoa quả như paraphin, polietilen… nhưng giá của những hóa chất này cao nên người ta ít sử dụng. Những người bán hoa quả thường dùng chất chống nấm dùng trong pha chế sơn. Hoa quả sau khi nhúng dung dịch này sẽ tươi lâu hơn, vỏ bóng hơn. Tuy nhiên trong ruột quả vẫn có thể thối rữa vì quá trình hô hấp của quả vẫn diễn ra bình thường. Những hóa chất này ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người ăn, có thể gây quái thai, dị dạng… thế hệ sau.

>> Choáng với trái cây “mác” Úc, Mỹ để cả năm không… thối

>> 99% hoa quả “mác” Mỹ, Úc tại Hà Nội xuất xứ từ Trung Quốc?

>> Quả non bị ép chín bằng hóa chất tại vườn

Phương Anh