Tập đoàn Dầu khí Việt Nam: Khó nhưng không lùi bước!

18/10/2017 09:01
Quế Chi
(GDVN) - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 42 năm xây dựng và phát triển.

Con đường phát triển phía trước dù biết sẽ vô cùng khó khăn, thách thức, nhưng tập thể lãnh đạo, người lao động Dầu khí quyết không lùi bước, đoàn kết, thống nhất ý chí thực hiện bằng được các nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ giao.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang trải qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử hơn 42 năm xây dựng và phát triển.

Ngoài yếu tố giá dầu suy giảm kéo dài thì các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra; các vụ việc liên quan đến sai phạm của một số cá nhân thuộc Tập đoàn;

Lĩnh vực cốt lõi là thăm dò khai thác khó khăn, kéo theo các lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị dầu khí sụt giảm;

Rồi các vấn đề liên quan đến các dự án chưa hiệu quả… đã tác động tiêu cực nhiều mặt đến hoạt động của PVN, đặc biệt là tâm lý, tư tưởng của cán bộ, đảng viên, người lao động Dầu khí.

Thực tế đó đòi hỏi PVN cần phải có những giải pháp để vượt qua khó khăn, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đây cũng là nhiệm vụ mà Đảng, Chính phủ đã và đang đặt ra đối với sự phát triển bền vững của Tập đoàn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trong các buổi làm việc với lãnh đạo PVN về hoạt động của ngành Dầu khí cũng đặt ra yêu cầu đổi mới, nghiên cứu tìm ra các giải pháp đột phá đối với các vấn đề phát triển của Tập đoàn.

Và mới đây, tại buổi làm việc với lãnh đạo PVN ngày 12/10, Thủ tướng đã nhấn mạnh:

Ngành Dầu khí đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nhất là trong thời gian gần đây, đóng góp của ngành Dầu khí rất lớn cho nền kinh tế, luôn vào Top đầu về nộp ngân sách Nhà nước.

Mỗi 1 triệu tấn dầu đóng góp khoảng 0,25% GDP.

Đồng thời, Thủ tướng cũng chỉ rõ “gần đây, nhất là từ năm 2015 đến nay, PVN gặp nhiều khó khăn, có nhiều chuyện không vui”.

Từ đó, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng đặt vấn đề đối với sự phát triển của PVN:

Đảng, Nhà nước và xã hội đang dõi theo các hoạt động của Tập đoàn để xem chúng ta có đủ bản lĩnh để vượt lên không? Đó là câu hỏi đặt ra đối với Đảng bộ, lãnh đạo PVN”.

Tiếp thu và quán triệt sâu sắc ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, theo Phó bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn, PVN đã triển khai một loạt các giải pháp nhằm cụ thể hóa các định hướng, tinh thần chỉ đạo trên.

Giàn khai thác mỏ Rạng Đông
Giàn khai thác mỏ Rạng Đông

Đó là ngày 10/10, Đảng ủy Tập đoàn đã ban hành Chỉ thị 136 về tăng cường lãnh đạo của cấp ủy Đảng, người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị nhằm ổn định tình hình, đảm bảo tăng trưởng phát triển bền vững, thực hiện nghiêm quyết định, chỉ đạo của Thủ tướng.

Và một ngày sau đó, tại phiên họp thường kỳ lần thứ X (mở rộng) của Đảng ủy Tập đoàn, Chỉ thị 136 đã được Đảng ủy Tập đoàn quán triệt sâu rộng đến các cấp lãnh đạo của Tập đoàn và các đơn vị thành viên.

Và cũng một ngày sau buổi làm việc với Thủ tướng, với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm, Đảng ủy Tập đoàn đã bắt tay vào xây dựng kế hoạch triển khai, thực hiện để cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ được đề ra trong Chỉ thị 136 vào các hoạt động của Tập đoàn.

Đáng chú ý, với quyết tâm đưa Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 sớm về đích, Ban Thường vụ Đảng ủy - Hội đồng Thành viên - Tổng giám đốc PVN đã ban hành Nghị quyết liên tịch về việc triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, đồng thời thành lập Ban Chỉ đạo đặc biệt Dự án Thái Bình 2.

Với sự ra đời của Nghị quyết và đang được triển khai quyết liệt, Tổng giám đốc Nguyễn Vũ Trường Sơn tin rằng, sự hỗ trợ của các cơ quan có thẩm quyền, với cơ chế chính sách phù hợp, PVN sẽ sớm hoàn thành Dự án Thái Bình 2.

Trước những tình huống phát sinh trong tư tưởng cán bộ, đảng viên, đồng chí Phó bí thư Phụ trách Đảng bộ cho biết, đã có nhiều giải pháp nhằm động viên, trấn an, khích lệ tinh thần cho đội ngũ đảng viên, cán bộ, công nhân viên, người lao động trong toàn Tập đoàn.

Hằng tháng, hằng quý, Ban Thường vụ Đảng ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ đều ban hành Kết luận, Nghị quyết về công tác lãnh đạo, tư tưởng của Tập đoàn, thường xuyên giao ban, nắm tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên, người lao động.

Công nhân trên giàn Đại Hùng
Công nhân trên giàn Đại Hùng

Lãnh đạo Tập đoàn trực tiếp đến các đơn vị nắm bắt tình hình, động viên khích lệ, đồng thời tăng cường tuyên truyền kết quả sản xuất kinh doanh đến người lao động...

Với những nỗ lực, giải pháp như trên, 9 tháng năm 2017, mặc dù phải đối diện với bộn bề khó khăn, PVN vẫn cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất - kinh doanh.

Cụ thể, hầu hết các chỉ tiêu sản xuất của PVN đều vượt từ 2% đến 21% so với kế hoạch 9 tháng đề ra;

Các chỉ tiêu tài chính của Tập đoàn (tổng doanh thu, nộp ngân sách Nhà nước) đều hoàn thành vượt mức kế hoạch đề ra và cao hơn cùng kỳ năm 2016.

Trong đó, doanh thu toàn Tập đoàn vượt 16% so với kế hoạch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, nộp ngân sách Nhà nước vượt 21% kế hoạch, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016…

Các công trường, dự án chưa hiệu quả của Tập đoàn cũng mang một diện mạo, guồng quay mới, hối hả và nhộn nhịp hơn.

Ông Nguyễn Tiến Vinh - Thành viên Hội đồng Thành viên PVN, Trưởng ban Chỉ đạo đặc biệt Dự án Thái Bình 2 cho hay:

Nghị quyết liên tịch về việc triển khai Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 đã thể hiện sự thống nhất ý chí, quyết tâm rất cao của tập thể lãnh đạo, người lao động toàn Tập đoàn trong việc sớm đưa nhà máy vào vận hành.

Một ngày sau khi ban hành Nghị quyết, lãnh đạo Tập đoàn đã cùng Ban Quản lý dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 triển khai làm việc với Tổng thầu EPC.

Qua các buổi làm việc, sự băn khoăn, lo lắng của người lao động, người triển khai dự án đã được giải tỏa một phần khi qua Nghị quyết, họ đã thấy được hướng đi của dự án.

Các đơn vị, nhà thầu trực tiếp thi công trên công trường cũng thể hiện sự quyết tâm rất lớn trong việc triển khai thực hiện dự án.

Cảng nhập dầu Dung Quất
Cảng nhập dầu Dung Quất

Việc xử lý các dự án chưa hiệu quả, theo ông Đinh Văn Sơn - Thành viên Hội đồng Thành viên PVN - cũng đang được triển khai quyết liệt.

Trong đó, với Dự án Ethanol Bình Phước và Dung Quất, về cơ bản các cổ đông, đối tác và phía ngân hàng đã thống nhất khởi động lại nhà máy và đầu năm 2018 sẽ có E100 ra thị trường.

Riêng với Dự án Ethanol Phú Thọ, Tập đoàn đã tìm được hướng xử lý và hy vọng trong năm 2017 sẽ tìm được đối tác để chuyển nhượng dự án.

Về Dự án xơ sợi Đình Vũ, theo Phó tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng, Tập đoàn đang triển khai phương án khôi phục lại và một trong những giải pháp ưu tiên là đưa Nhà máy xơ sợi Đình Vũ vào trong cái chuỗi giá trị của hóa dầu và xơ sợi.

Hiện PVN đã làm việc và ký được biên bản ghi nhớ với một đối tác nước ngoài về việc hợp tác trong quá trình khôi phục, vận hành lại nhà máy, đồng thời cũng đang có một đối tác khác quan tâm, tìm hiểu.

Tập đoàn sẽ xem xét các phương án mà các đối tác đưa ra, đối tác nào có phương án khả thi hơn thì sẽ báo cáo, xem xét quyết định một phương án tốt nhất và hy vọng sẽ đưa nhà máy vào vận hành trong năm 2017.

Có thể nói, với những kết quả đã đạt được trong những năm qua và đặc biệt là 9 tháng năm 2017, tập thể lãnh đạo, người lao động Dầu khí đã khẳng định với Đảng, Chính phủ bản lĩnh, trí tuệ, nỗ lực vượt lên chính mình để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao.

Tuy nhiên, với những dự báo đầy thách thức cho chặng đường phía trước, hoạt động của PVN sẽ tiếp tục phải đối diện với những khó khăn rất lớn.

Kho cảng Thị Vải
Kho cảng Thị Vải

Theo ông Phan Ngọc Trung - Thành viên Hội đồng Thành viên PVN, hoạt động tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực then chốt, nền tảng của PVN trong suốt chiều dài lịch sử phát triển của Tập đoàn.

Nhưng hiện nay, hoạt động này của PVN lại đang đứng trước những khó khăn rất lớn, đặc biệt là vấn đề gia tăng trữ lượng.

Nguyên nhân của tình trạng này là khoảng 5-7 năm nay chúng ta chưa tháo gỡ cơ chế để tạo nguồn lực cho công tác tìm kiếm thăm dò nên kết quả công tác gia tăng trữ lượng rất thấp.

Và đáng ngại hơn, trong khi chúng ta gia tăng trữ lượng được 16 triệu tấn thì lại khai thác tới 26 triệu tấn, tức là chúng ta đã ăn vào thành quả từ nhiều năm trước.

Để khắc phục tình trạng này, ông Trung kiến nghị Chính phủ cần có sự chỉ đạo với Bộ Tài chính để làm sao PVN có nguồn kinh phí thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò, qua đó gia tăng trữ lượng dầu khí cho quốc gia.

Cùng đề cập đến vấn đề này, Phó tổng giám đốc Lê Mạnh Hùng cho rằng: Vấn đề tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí là lĩnh vực cốt lõi của ngành Dầu khí.

Tuy nhiên, chúng ta cần phải thẳng thắn nhìn nhận thực tế là vùng hoạt động, trữ lượng và hiệu quả trong bối cảnh giá dầu khí như hiện nay không được như trước.

Do đó, về mặt chiến lược thì song song với việc tiếp tục củng cố lĩnh vực tìm kiếm thăm dò thì cần phải phát triển các khâu khác để đảm bảo tính bền vững của ngành Dầu khí, đặc biệt trong đó là lĩnh vực chế biến sâu như phát triển hóa dầu, phát triển hạ tầng sản xuất, kinh doanh khí.

Đây là những lĩnh vực trong tương lai sẽ giữ vai trò bù đắp vào sự suy giảm của lĩnh vực cốt lõi.

Vì vậy, trong thời gian sớm nhất có thể, chúng ta cần tiến hành tổng kết, đánh giá Chiến lược phát triển ngành Dầu khí để cơ cấu lại, điều chỉnh lại để làm sao phát triển bền vững hơn.

Còn theo Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Quỳnh Lâm, sau một loạt những biến động, hệ số tín nhiệm của các nhà đầu tư nước ngoài với Tập đoàn đang xuống thấp.

Vì thế chúng ta đang phải tốn rất nhiều chi phí để bổ sung vào đó, tức là ta phải có thêm cam kết, phải có thêm đảm bảo… thì họ mới hợp tác, đầu tư.

Thứ nữa, quan hệ giữa các đơn vị, Tập đoàn với nhiều cơ quan quản lý các cấp hiện cũng rất khó khăn.

Biết công việc thời gian tới là rất khó nhưng PVN quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ và cũng mong Đảng, Chính phủ thấu hiểu, có chính sách hỗ trợ kịp thời để PVN tiến về phía trước”.

Trong lĩnh vực dịch vụ, theo Phó tổng giám đốc PVN Nguyễn Hùng Dũng thì hiện chỉ có duy nhất Tổng Công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC) là đơn vị hoạt động hiệu quả, còn các đơn vị khác thì hầu hết đều lỗ.

Nguyên nhân là do giá dầu thấp kéo theo các hoạt động dầu khí, các dự án đầu tư của không chỉ Việt Nam mà cả các nước khác đều giãn tiến độ triển khai nên việc tìm kiếm, bố trí việc cho các đơn vị dịch vụ cũng rất khó khăn.

Cảng dịch vụ PTSC
Cảng dịch vụ PTSC

Ông Thái Quốc Hiệp - Chủ tịch Hội đồng Quản trị PTSC khi đề cập đến câu chuyện này đã cho hay:

Trong thời gian qua, khi giá dầu giảm, các doanh nghiệp dịch vụ của PVN gặp rất nhiều khó khăn, trong đó có PTSC.

Trước thực tế đó, như nhiều doanh nghiệp dịch vụ khác, PTSC đã phải bươn trải, làm rất nhiều việc khác nhau, tự đào tạo, kiếm thêm việc làm ngoài ngành, ngoài nước.

Với tinh thần đoàn kết, nỗ lực của tập thể lãnh đạo, cán bộ, người lao động, PTSC đã dành rất nhiều hợp đồng, dự án ở nước ngoài như ở Qatar, Brunei…

Điều này cho thấy, người lao động Dầu khí với năng lực kinh nghiệm để thực hiện công việc, có bản lĩnh rất cao sẽ làm được rất nhiều việc, có khả năng làm rất nhiều dự án lớn trong ngành.

Vì vậy, PTSC mong muốn Nhà nước có cơ chế để tiếp tục được thực hiện các dự án trong ngành, bởi dự án bên ngoài còn lấy được về thì dự án trong ngành sao lại không làm được.

Cùng với đó, PTSC cũng mong Chính phủ đẩy nhanh việc triển khai dự án lọc hóa dầu Long Sơn thì sẽ là điều rất may mắn cho người lao động...

Đề cập như trên để thấy rằng, chặng đường phát triển của PVN là đầy chông gai, thử thách.

Thực tế này đòi hỏi không chỉ là sự nỗ lực, quyết tâm của PVN mà cả sự chia sẻ, đồng hành, vào cuộc trách nhiệm của các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện mục tiêu phát triển ngành Dầu khí.

Tin rằng, với những kết quả đã đạt được trong thời gian qua, cộng với sự vào cuộc của các bộ, ngành liên quan, PVN sẽ có cơ sở để thực hiện và hoàn thành các nhiệm vụ được giao.

“Tập thể cán bộ lãnh đạo, trên 55 nghìn người lao động Dầu khí xin hứa với Đảng và nhân dân sẽ một lòng đoàn kết, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, tiếp tục giữ vững ý chí, nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh và truyền thống của người lao động Dầu khí anh hùng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần ổn định, xây dựng Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam ngày càng phát triển, xứng đáng là đầu tàu kinh tế của đất nước!”.

(Phó bí thư phụ trách Đảng bộ, Thành viên phụ trách Hội đồng Thành viên, Tổng giám đốc PVN Nguyễn Vũ Trường Sơn)

Quế Chi