Tháp truyền hình và bài toán tăng trưởng GDP

08/03/2016 14:51
Cao Nguyên
(GDVN) - Việc xây dựng Tháp truyền hình hiện không đơn thuần là một dự án của riêng ngành này mà còn đóng góp lớn vào sự tăng trưởng kinh tế của nhiều quốc gia.

Trên thế giới, các Tháp truyền hình nổi tiếng thường gắn liền với tên tuổi của nơi xây dựng đồng thời là biểu tượng và điểm đến không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến những địa danh này.

Ngoài mục đích truyền tín hiệu, hầu hết các công trình này được mở rộng làm điểm du lịch với nhà hàng, khu vui chơi và trung tâm mua sắm... qua đó có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của địa phương.

Châu Á hiện là nơi có nhiều Tháp truyền hình có chiều cao “khủng” nhất và hoạt động hiệu quả nhất.

Tiêu biểu là tháp Đông Phương Minh Châu (Thượng Hải, Trung Quốc) khánh thành năm 1994 cao 467,9m; Tháp Canton (Quảng Đông, Trung Quốc) cao 600m (khánh thành 2010), và cao nhất thế giới hiện nay là tháp Tokyo Sky Tree (Tokyo, Nhật Bản) được đưa vào sử dụng năm 2012 với chiều cao 634m.

Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree (Tokyo, Nhật Bản) được đưa vào sử dụng năm 2012 với chiều cao 634m.
 Tháp truyền hình Tokyo Sky Tree (Tokyo, Nhật Bản) được đưa vào sử dụng năm 2012 với chiều cao 634m.

Kinh tế du lịch: Cục nam châm thu hút khách du lịch

Năm 2011, Nhật Bản có 6,2 triệu lượt khách tới du lịch và có mức tăng trưởng âm là -27,8%.

Tuy nhiên, khi Tháp truyền hình Tokyo SkyTree Tower mở cửa năm 2012, nước này đã thu hút 8,3 triệu lượt khách du lịch trong năm 2012, tăng 35% so với năm 2011 trong đó riêng Tokyo SkyTree Tower đã đón tiếp gần 6,4 triệu người.

Đến năm 2014, con số này là 13,4 triệu, đạt con số tăng trưởng ấn tượng 29,4%. Hiện nay, đây được coi là địa danh đầu tiên được nhắc đến khi đến Tokyo. 

Trong khi đó, tại Thượng Hải (Trung Quốc), tháp Đông Phương Minh Châu đã trở thành điểm du lịch “phải đến” đối với du khách suốt 20 năm qua.

Trung bình số lượng khách tham quan tháp này là 15,000 lượt/ngày, đông nhất là khoảng 35,000 lượt /ngày.

Một tòa tháp truyền hình trọc trời khác tại Trung Quốc là tháp Canton tại Quảng Đông cũng góp phần giúp nơi đây thu hút được 50,4 triệu lượt khách tham quan trong năm 2013.

Điểm chung của những tòa tháp này là đều có cơ sở hạ tầng đồng bộ phục vụ cho phát triển du lịch với việc xây dựng các đài quan sát trên đỉnh tháp, phòng triển lãm, nhà hàng, phòng họp, khu vui chơi và cả trung tâm mua sắm...

Chính những điều này đã tạo nên sức hút không thể cưỡng lại đối với du khách, thu hút các nhà đầu tư đồng thời trở thành những biểu tượng văn hóa và thịnh vượng của địa phương.

Sự gia tăng của lượng khách du lịch cùng các dịch vụ ăn theo cũng như các dự án đầu tư sản xuất kinh doanh, dự án bất động sản... đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy tăng trưởng GDP tại những địa danh này.

Đơn cử như Thượng Hải đã đạt con số GDP là 39.5 tỉ USD năm 1995 so với con số 32 tỉ USD một năm trước đó.

Sức hút mạnh mẽ từ môi trường đầu tư 

Trước thời điểm xuất hiện Tháp truyền hình Tokyo SkyTree Tower năm 2012, Nhật Bản đang phải đối mặt với mức giảm phát là 0,1%, sản xuất tháng 11 giảm 1,7% và tỷ lệ thất nghiệp là 4,1%.

Sự xuất hiện của Tokyo SkyTree Tower đã góp phần không nhỏ giúp cho lợi nhuận từ việc cho thuê tại Tokyo trở nên cực kỳ hấp dẫn và thành phố này đứng đầu bảng xếp hạng danh sách các thành phố đáng đầu tư trên thế giới của Savills, trên cả New York, Paris hay London.

Còn tại Quảng Đông, thủ phủ của tỉnh Quảng Châu, trước năm 2010, mặc dù vẫn được các nhà đầu tư tin tưởng nhưng các chỉ số đầu tư tại đây đều giảm.

Tuy nhiên, khu vực này đã có mức tăng trưởng ấn tượng vào thời điểm sau khi tháp Canton mở cửa và đây luôn được xếp hạng nằm trong top 10 thành phố có môi trường kinh doanh tốt nhất tại Trung Quốc với tăng trưởng GDP hàng năm hơn 10% (theo báo cáo của tỉnh Quảng Đông năm 2013).

Đây cũng là điểm nhấn thuyết phục các nhà tổ chức chọn Quảng Châu là nơi diễn ra Lễ khai mạc lần thứ 16 của Đại hội thể thao châu Á (Asian Games 16) và theo ước tính của các chuyên gia, sự kiện này đã giúp mang về cho địa danh này 20 tỉ USD.

Riêng đối với Thượng Hải, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào đây năm 1994 đạt 44,2 tỉ USD và tăng tới 67,7 tỉ USD trong năm 1995, tăng 53%. Một con số tăng trưởng ấn tượng mà các thành phố đang phát triển trên thế giới đều hướng tới.

Chưa có một cuộc khảo sát và kết luận chính thức về việc các tháp Truyền hình có tác động trực tiếp tới hiệu quả tăng trưởng GDP ở địa phương hay không. Nhưng từ những thành quả mà Tokyo, Thượng Hải, Quảng Châu... đạt được có thể thấy các tháp truyền hình không chỉ trở thành biểu tượng mà còn góp phần không nhỏ trong thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển kinh tế nói chung của toàn khu vực. 

Việc Việt Nam chuẩn bị xây dựng Tháp truyền hình tại Hà Nội cũng được kỳ vọng sẽ là một dấu mốc quan trọng không chỉ của ngành Truyền hình Việt Nam mà còn khẳng định sự phát triển thịnh vượng và đóng góp thêm một biểu tượng văn hóa cho Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Những tác động to lớn và lâu dài của các dự án biểu tượng này vượt ra ngoài phán quyết của từng cá nhân riêng lẻ mà sẽ cần được cả một hội đồng các cơ quan chức năng cao nhất đánh giá chi tiết và cẩn trọng sau khi có những nghiên cứu khả thi từ phía các chủ đầu tư.

Hơn nữa, việc tận dụng nguồn vốn xã hội hóa, tức là không phải dùng tới ngân sách của Nhà nước, sẽ giúp dự án có tính thực tiễn cao và mang lại những hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực nhất cho đất nước.

Cao Nguyên