Ông Lê Đức Thúy: Mất lòng tin còn khó khăn hơn giải quyết nợ xấu

29/12/2012 10:40
Theo TTVN
Việt Nam đang đứng trước khó khăn lớn, không phải là nhân lực, là nợ xấu, các DNNN chưa tìm được giải pháp hiệu quả mà là mất lòng tin.
Nguyên thống đốc NHNN Lê Đức Thúy
Nguyên thống đốc NHNN Lê Đức Thúy
Ông Lê Đức Thúy, nguyên thống đốc NHNN cho biết, tăng trưởng kinh tế năm 2012 không đạt mục tiêu đề ra song trong bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu thì mức tăng 5,03% là đáng mừng. Lạm phát đã được kìm hãm khá mạnh và thấp hơn cả mục tiêu, ở mức 6,81% - là 1 trong 3 mức thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Xuất khẩu của nước ta lần đầu tiên xuất siêu trong vòng 10 năm và lần thứ 2 trong vòng 20 năm, dù không nhiều. Cán cân thanh toán tổng thể thặng dư, có thể đạt thặng dư 10 tỷ USD sau nhiều năm thâm hụt, giúp tỷ giá hối đoái ổn định suốt năm qua. Nhà nước đã có nhiều quyết sách, nỗ lực để ngăn chặn đà tăng chậm lại của nền kinh tế và hỗ trợ doanh nghiệp, các khu vực khó khăn, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông thôn... Nhờ đó mà nền kinh tế tăng được 5,03%, và nếu không có biện pháp đó thì chắc chắn đạt ít hơn. Xét về vĩ mô, Việt Nam không phải nước duy nhất tăng chậm lại, mà hầu hết các nước kể cả phát triển lẫn đang phát triển đều trong tình trạng như vậy. Như vậy, việc tăng trưởng 5,03% không phải là điều quá lo ngại và để chúng ta có những cái nhìn tiêu cực. Vấn đề của Việt Nam hiện nay là có những vấn đề cốt lõi chưa được tập trung xử lý ở mức độ quyết liệt hơn và tận gốc rễ hơn. Vì vậy, triển vọng tới đây sẽ tùy thuộc vào nỗ lực của các nhà quản lý đối với vấn đề cốt lõi đó. Vấn đề ấy là hoạt động cơ cấu lại nền kinh tế, với một số chương trình cơ cấu lại, trong đó có mảng tài chính ngân hàng, doanh nghiệp Nhà nước, đầu tư công… Một thời gian dài kinh tế VN tăng trưởng chủ yếu dựa vào vào tăng vốn đầu tư và tăng nguồn nhân lực, chứ không dựa vào khoa học kỹ thuật, nâng cao năng suất. Thời gian qua chúng ta phải cắt giảm chi tiêu đầu tư, dẫn đến chỗ nền kinh tế không thay đôi về mô hình tăng trưởng, yếu tố tăng trưởng, thì việc giảm sút đầu tư đương nhiên dẫn đến tăng trưởng thấp. Việc tăng trưởng giảm là điều tất yếu. Năm 2012, có nhiều ý kiến cho rằng chúng ta đã quá thắt chặt tín dụng tiền tệ để chống lạm phát, nhưng các chuyên gia cho rằng chúng ta đã điều hành rất đúng. Trước lạm phát leo thang năm 2011, cả xã hội, cả hệ thống chính trị, người dân đều kêu rằng kinh tế tăng quá nóng. Trong năm qua, chúng ta đã hạ lãi suất tới 6 lần, mỗi lần 1% - đây là sự nới lỏng không nhỏ. Ngoài ra, ngay chỉ tiêu tín dụng đầu năm là 15 – 17%, các ngân hàng dùng hết hạn mức đều được cấp thêm. Nhưng chúng ta không tiêu thụ được nguồn vốn đó. Nhiều TCTD phải bỏ tiền đi mua trái phiếu Chính phủ với lãi suất 9 – 10%, mua tín phiếu NHNN lãi suất có hơn 6% vì có tiền mà không cho vay được. Ngân hàng với tư cách người đi buôn vốn, nhưng doanh nghiệp cho vay mà không an toàn thì thà không cho vay để tránh nợ xấu còn hơn, nên phải đầu tư vào tài sản an toàn và chấp nhận lãi suất thấp. NHNN đã hạ lãi suất 6 lần xuống 8%, nhưng lạm phát cả năm là 6,8%. Thủ tướng cho biết phấn đấu đưa lạm phát xuống thấp nhất 1 thập kỷ, theo các chuyên gia là khoảng 6%. Nếu làm được điều đó thì hạ lãi suất để có thực dương cũng không nhiều. Dư địa hạ lãi suất chỉ còn khoảng 1%. Về vấn đề cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, những nỗ lực chưa đạt nhiều. Các vấn đề chính phủ phải xử lý là phải đưa ra mô hình quản trị sao cho DNNN họ sử dụng vốn và tài sản công hiệu quả. Việc cơ cấu đầu tư công hiện nay mới chỉ là cắt giảm vốn, nếu thời gian tới không đầu tư hiệu quả thì nền kinh tế khó phát triển bền vững. Mục tiêu tăng 5,5% GDP năm tới là khá hợp lý và có thể đạt được, lạm phát sẽ ở 1 con số sẽ thực hiện được. Nhưng điều đó sẽ có nguy cơ lớn hơn bởi vĩ mô hiện nay còn chứa nhiều rủi ro, đang bị dằng xé giữa khả năng có tiếp tục giải quyết nới lỏng hay không để hỗ trợ doanh nghiệp, hay phải cảnh giác với những rủi ro vĩ mô. Vấn đề là dám trả giá để đi vào vướng mắc của nền kinh tế để có thể tăng trưởng lâu dài. Các cơ quan chức năng có trách nhiệm hiện đang xúc tiến các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả. Còn các biện pháp đã có hiện nay là chưa đủ để giải quyết khó khăn cho nền kinh tế. Nhìn chung, năm sau sẽ còn nhiều khó khăn, cả về vĩ mô lẫn nội bộ các ngân hàng. Việt Nam đang đứng trước khó khăn lớn, không phải là nhân lực, là nợ xấu, các DNNN chưa tìm được giải pháp hiệu quả mà là mất lòng tin. Lòng tin kinh doanh của doanh nghiệp rất thấp dù tình hình không khó đến như vậy, nhưng doanh nghiệp không có lòng tin nên không giám nắm bắt cơ hội. Lòng tin tiêu dùng của người dân cũng thấp, không phải vì không có tiền mà vì sợ trong tương lai sẽ khó khăn nên không dám chi tiêu.
Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Theo TTVN