Trụ sở đầu tiên của Starbucks tại khách sạn 5 sao TP.HCM

22/01/2013 07:43
Hân Ni
(GDVN) - Starbucks đã chính thức treo logo của mình ở trước khách sạn 5 sao New World, quận 1, TP.HCM. Đây là cửa hàng khai trương đầu tiên của Starbucks tại Việt Nam.

Starbucks chính thức treo logo tại TP.HCM
Mọi công tác chuẩn bị đều đang gấp rút được thực hiện để sẵn sàng cho buổi ra mắt, khai trương trong thời gian sớm nhất.

Trên một số kênh thông tin truyền thông, Starbucks cũng đã công khai kế hoạch mở rộng "quyết liệt" vào thị trường Hà Nội và các thành phố khác của VN. Chủ tịch Starbuck tại Trung Quốc và Châu Á-Thái Bình Dương chia sẻ: Hệ thống Starbucks tại Việt Nam sẽ được "thiết kế riêng" để phù hợp với khẩu vị của người Việt bên cạnh các loại nước uống truyền thống.

Starbucks đã chính thức treo logo tại khách sạn 5 sao New World, quận 1, TP.HCM (Hình ảnh được lan truyền trên cộng đồng cư dân mạng)
Starbucks đã chính thức treo logo tại khách sạn 5 sao New World, quận 1, TP.HCM (Hình ảnh được lan truyền trên cộng đồng cư dân mạng)


>> Toàn cảnh Starbucks vào Việt Nam và cuộc chiến cà phê


Là một thương hiệu cà phê nổi tiếng trên toàn thế giới, có trụ sở ở Seattle, Washington, Mỹ, Starbucks bao gồm hệ thống cà phê lớn nhất thế giới, với 17.800 quán ở 49 quốc gia, bao gồm 11.068 quán ở Mỹ, gần 1.000 ở Canada và hơn 800 ở Nhật Bản. 
Starbucks vào VN với hi vọng “văn hóa hiện đại, sành điệu” của giới trẻ sẽ mang đến thành công cho thương hiệu này khi đem đến một “sản phẩm cao cấp”.
Không ít bạn trẻ cũng đồng tình với quan điểm này. Anh Vũ Thế Hùng, 29 tuổi, sinh viên kiến trúc tại Hà Nội cho rằng: Starbuck sẽ thành công ở VN như KFC thôi vì những kẻ thích tỏ ra sành điệu sẽ đến đó. 
Theo lãnh đạo cấp cao của Starbucks, khi Starbucks vào VN, giá sẽ tương đương như ở Ấn Độ. Ví dụ như một ly cappuccino nhỏ có giá 1,74 đôla ở Ấn Độ.
“Ở thị trường VN, tôi nghĩ Starbucks sẽ tập trung đánh vào thị trường người có thu nhập trung bình và giới văn phòng, có mức thu nhập từ 500 USD trở lên. 
Vì hiện tại, theo văn hóa sử dụng coffee tại VN là ngồi nhâm nhi nói chuyện với bạn bè hàng giờ liên tục tại quán, đó là lý do tại sao Starbucks nhắm tới phân khúc này. Mặt khác, việc vượt qua hàng ngàn quán coffee tại TP.HCM và Hà Nội  với mức giá rất thấp từ 5 – 20.000 đồng là rất khó, và không thể một sớm một chiều thay đổi tập quán tiêu dùng của người VN. Vì thế, nếu ai biết tới Starbucks thì  ai cũng biết cứ 10 sản phẩm coffee mà Starbucks cung cấp cho khách hàng trên toàn thế giới thì có tới 7 sản phẩm mang đi thay vì thưởng tại chỗ” – một chuyên gia về cà phê cho biết. 

TS.Lương Hoài Nam: Trung Nguyên không nên “dèm pha” Starbucks 

Ngoài ra, sự có mặt của Starbucks tại VN cũng đã tạo ra “một làn sóng” tranh luận sôi nổi khi Chủ tịch Tập đoàn cà phê Trung Nguyên “bóc trần” Starbucks khi cho rằng: Hãng này không bán cà phê mà là đang bán nước pha mùi cà phê với đường. Với ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Starbucks chỉ là “người khổng lồ không bản sắc”.
Chia sẻ trên trang cá nhân của mình, TS.Lương Hoài Nam - Nguyên GĐ Điều hành Air Mekong, đồng thời là TS.kinh tế đặt câu hỏi: Các bạn (Trung Nguyên – pv) chỉ mới có mấy chục quán cà phê, chiếm một thị phần nhỏ xíu trong tổng thị trường cà phê Việt Nam, không bằng số lẻ của 18.000 quán cà phê mà Starbucks có trên toàn thế giới, mà cứ đi chê bai, dèm pha "người khổng lồ" thì các bạn lớn lên thế nào được?!
Không ít các bạn trẻ cũng cho rằng: Họ cảm thấy khó hiểu trước những thuyết giáo về “tôn giáo cà phê” của Đặng Lê Nguyên Vũ.
“Trung Nguyên đang làm kiểu thích gì nói đấy, mặc người uống cà phê Trung Nguyên có quan tâm hay không. Thế nên một ngày nào đó sẽ không lạ khi người người dứt áo ra đi” – Một độc giả có tên là Le Thi Kim Dzung bình luận.
Theo TS.Lương Hoài Nam: Đặng Lê Nguyên Vũ không nên chế giễu "người khổng lồ" Starbucks. (Ảnh: Trung Nguyên)
Theo TS.Lương Hoài Nam: Đặng Lê Nguyên Vũ không nên  chế giễu  "người khổng lồ" Starbucks. (Ảnh: Trung Nguyên)


>> Starbucks và Trung Nguyên xem chi tiết tại đây

Trong khi đó, khi được hỏi về ‘bản sắc thương hiệu Starbucks là gì?”, người khai sinh ra thương hiệu này đã cười: “Bản sắc của thương hiệu Starbucks có thể tóm tắt trong mấy chữ “một nơi thứ ba” (the third place). Bạn hãy để ý, con người thường chỉ có hai nơi để đi về:nhà của bạn và nơi làm việc. Nhưng con người luôn luôn mong muốn có một nơi thứ ba, không phải nơi làm việc cũng không phải nhà, nơi người ta có thể suy nghĩ trong cô đơn, suy nghĩ về công việc, về tình cảm, về những vấn đề đang nảy sinh. Starbucks cung cấp cho con người một nơi thứ ba như vậy. Và bạn thấy, nhu cầu có “một nơi thứ ba” tồn tại ở mọi quốc gia, mọi nền văn hóa, dù đó là Mỹ hay ở Việt Nam…”.

Tác giả Nguyễn Thanh Sơn trong Góc nhìn Tằng Phát đã nêu lên quan điểm của mình về vấn đề này: “Những ồn ào mà ông chủ cà phê Trung Nguyên tạo ra trong thời gian gần đây cho thấy phản ứng của một cái nhìn có thể nói là thiển cận của một số thương hiệu Việt Nam trước sự hiện diện của các thương hiệu toàn cầu lớn. Thay vì tìm hiểu để học hỏi, tìm ra một “đại dương xanh” để cạnh tranh thì ông Vũ lại dè bỉu uy tín thương hiệu đã được toàn thế giới công nhận của họ”.
 Mời độc giả đóng góp, cho ý kiến và gửi những bài viết của mình theo địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn hoặc có thể BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi
Hân Ni