Thiết bị lạ không thể ngay lập tức trộm tiền của khách hàng VIB Bank

27/05/2011 23:55
(GDVN) – “Thiết bị lạ được gắn vào ATM để ăn cắp thông tin cá nhân của chủ thẻ không còn là chuyện quá lạ lẫm ở VN", ông Phạm Anh Tuấn, Phó TGĐ Vietinbank nói.

(GDVN) – “Hiện tượng thiết bị lạ được gắn vào ATM để ăn cắp thông tin cá nhân của chủ thẻ không còn là chuyện quá lạ lẫm đối với Việt Nam nhưng vấn đề chính ở đây là phía ngân hàng phát hiện ra lúc nào và động thái kịp thời ra sao trong việc cảnh báo đối với khách hàng”, ông Phạm Anh Tuấn, Phó TGĐ Ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) cho biết.

>> Khách hàng VIB Bank mất tiền vì thiết bị lạ trên ATM?

Liên quan tới việc 2 khách hàng của Ngân hàng Quốc tế (VIB) mất tiền và xác nhận ban đầu của VIB về việc phát hiện có thiết bị lạ được gắn vào ATM, trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Phạm Anh Tuấn cho rằng: Đây không phải là chiêu mới trong cách trộm tiền từ ATM, nó đã rất phổ biến ở nước ngoài và bắt đầu xuất hiện tại nước ta  trong vài năm gần đây, thiết bị lạ này đã xuất hiện tại các ATM của các ngân hàng Việt Nam. “Nó là một thiết bị được gắn ở phần đọc thẻ, ăn cắp được thông tin cá nhân của chủ thẻ khi thực hiện hành động đưa thẻ vào máy ATM”, ông Tuấn cho biết.

a
Ông Phạm Anh Tuấn, Phó TGĐ Vietinbank.
Tuy nhiên, đây là vấn đề ăn cắp thông tin chứ không phải là chuyện “ăn cắp” tiền dẫn tới việc thâm hụt tài khoản của khách hàng - ông Tuấn nhấn mạnh. Khi khách hàng cho thẻ vào máy có gắn thiết bị lạ như vậy, máy vẫn rút tiền hết sức bình thường, chứ không phải ngay lập tức làm “bốc hơi” đi một khoản tiền lớn. Vì thế, “nếu khách hàng bảo: Tôi cho thẻ vào đấy và tôi bị mất tiền thì không đúng và có thể khẳng định luôn: Không bao giờ có chuyện đó”. Do vậy, việc mất tiền của 2 khách hàng là cán bộ, nhân viên của công ty TNHH Ericsson Việt Nam, theo ông Tuấn phải xem xét cụ thể, rõ ràng.

“Chuyện ăn cắp thông tin và làm một thẻ mới để sử dụng ăn cắp tiền là có khả năng tuy nhiên rất khó vì ngay khi phát hiện thông tin, ngân hàng VIB đã khóa thẻ đó rồi. Thời gian làm thẻ “giả” không phải diễn ra chớp nhoáng chỉ trong 5 – 10 phút, hơn nữa, đối tượng phải lấy được thiết bị lạ này về. Tuy nhiên, trong trường hợp của VIB, thiết bị lạ đã bị thu hồi, vậy tiền vẫn sẽ nằm ở trong đó, chưa thể thất thoát ra ngoài”, ông Tuấn phân tích.

Hiện nay, tất cả các máy ATM của Vietinbank đều đã lắp đặt các thiết bị chống trộm, ăn cắp thông tin cá nhân kiểu này. Để ngăn ngừa, hạn chế rủi ro tổn thất cho khách hàng khi thực hiện giao dịch tại máy ATM, các ngân hàng có thể trang bị thiết bị phòng chống sao chép thông tin chủ thẻ tại máy ATM như thiết bị FDI (Flaudulant Device Inhibitor đối với máy NCR), thiết bị USCRT (Unti Skimming Card Reader Throat) đối với máy Wincor Nixdorf, thiết bị Enhanced Card Benzen (đối với máy Diebold),... Với thiết bị này, bọn tội phạm sẽ không lắp được thêm các thiết bị gắn trên đầu đọc thẻ tại máy ATM, nếu có lắp thì thẻ sẽ không đút thẻ vào máy được để giao dịch.

“Tuy nhiên, vẫn còn một số máy nào đó của một số ít ngân hàng chưa lắp hết nên không ngoại trừ trường hợp bị kẻ xấu lợi dụng”, ông Tuấn cho biết thêm. 

Mặc dù vậy, theo ông Tuấn, khách hàng hoàn toàn có thể hạn chế tình trạng mất tiền oan do bị đánh cắp thông tin này nếu họ đọc kỹ hướng dẫn sử dụng của mỗi ngân hàng. “Khách hàng có thể nhận biết thiết bị lạ này bằng mắt thường, chỉ cần chú ý một chút thì sẽ phát hiện ra ngay vì nó rất là lạ. Bởi lẽ, khi lắp thiết bị lạ vào bao giờ cũng làm thay đổi hình dáng của vị trí khe đưa thẻ vào, trông nó to ra vì đây là lắp thêm”. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng lưu ý: Với sự tinh  vi của công nghệ, mẫu mã của thiết bị lạ này rất đa dạng, tùy từng tổ chức tội phạm mà có các hình thức khác nhau, không chỉ có một chủng loại.

Vì vậy, cách tốt nhất mà khách hàng nên làm theo ông Tuấn khuyên: “Trong trường hợp phát hiện hiện tượng bất thường trong quá trình sử dụng thẻ để rút tiền, khách hàng cần thông báo ngay cho đường dây nóng của từng ngân hàng để kịp thời xử lý”. Thêm vào đó, Phó TGĐ Ngân hàng Vietinbank cũng nhắn nhủ: Khách hàng không nên hoang mang về vấn đề này.

Thứ nhất, các máy ATM đa phần đều được giám sát bằng camera 24/24 và khi máy nào có thiết bị lạ, bộ phận giám sát sẽ đều phát hiện rất nhanh, thu hồi thiết bị và phát thông tin kịp thời để hướng dẫn khách hàng giữ bảo mật thông tin và tài khoản của mình.

Thứ hai, đa phần các quầy ATM của các ngân hàng tại Việt Nam đều đã lắp thiết bị chống bất kỳ thiết bị lạ nào tương tự như thế. “Nếu khách hàng để ý, phần tiếp xúc trước đầu đọc thẻ có màu xanh sẫm đó là thiết bị chống các thiết bị lạ, khiến tội phạm không thể lợi dụng lắp đặt thêm bộ phận khác vào được”, ông Tuấn nói.
Cận cảnh một thiết bị lạ được phát hiện tại nước ngoài.
Cận cảnh một thiết bị lạ được phát hiện tại nước ngoài.
Thứ ba, trong trường hợp máy ATM nào đó chưa lắp đặt thì khi phát hiện, các ngân hàng sẽ cảnh báo kịp thời ngay. Động thái đầu tiên của các ngân hàng sẽ là rà soát ngay các thẻ trong khoảng thời gian có liên quan và tạm khóa thẻ đó để tránh trường hợp bị lợi dụng. Sau đó, liên hệ với khách hàng để đổi mã hoặc đổi thẻ để bảo vệ thông tin bảo mật cho khách hàng của mình.
 
Trao đổi với báo Giáo Dục Việt Nam, ông Nguyễn Chính Hùng - Phó Trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự, Công an Thành phố Hà Nội cho biết: Ông chưa nhận được thông tin về vụ việc cụ thể này từ phía Ngân hàng Quốc tế (VIB). Tuy nhiên, qua nhiều nguồn thông tin, ông Hùng khẳng định: Hiện tượng ăn cắp thông tin cá nhân làm thẻ giả để đánh cắp tiền trong tài khoản là có thật ở Việt Nam nhưng có những mức độ khác nhau.

Ông Hùng cũng cho hay: Vừa qua, Cục điều tra Công nghệ cao cũng bắt rất nhiều đối tượng ăn cắp tiền của đối tượng nước ngoài qua thẻ ATM, sau đó rút tiền, chuyển về Việt Nam. “Việc ăn cắp thông tin cá nhân và làm thẻ giả trên thế giới đã xảy ra nhiều và tại Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng đó. Tuy nhiên, cơ quan chúng tôi chưa gặp và cũng trực tiếp tiếp nhận vụ nào”.

>> Khách hàng VIB Bank mất tiền vì thiết bị lạ trên ATM?


Tiểu Phương