Thời cơ lớn cho các doanh nghiệp Việt đầu tư vào thị trường Nga

19/07/2015 07:50
Thùy Linh
(GDVN) - Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU). Vậy Việt Nam cần làm gì ngay khi Hiệp định có hiệu lực?

Cuối năm 2015 Hiệp định FTA có hiệu lực

Việt Nam là đối tác đầu tiên ký kết Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á – Âu (EEU) bao gồm Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan và Kyrgyzstan. 

Với lợi ích quan trọng nhất của Hiệp định là dỡ bỏ các loại thuế và dự định Hiệp định FTA có hiệu lực vào cuối năm nay hoặc đầu sang năm đang mở ra cho hàng hóa Việt Nam nhiều cơ hội lớn tại thị trường này. 

Vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị những gì để “đi tắt đón đầu” và hội nhập ngay khi Hiệp định có hiệu lực?

Việc ký kết thành công Hiệp định FTA cho phép các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường tiêu thụ của 5 quốc gia với 180 triệu dân, quy mô GDP trên 2.500 tỷ USD, được hưởng nhiều điều kiện ưu đãi, thuận lợi hóa về hải quan, giúp đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ và đầu tư của Việt Nam. 

Trong đó, việc dỡ bỏ các loại thuế khi Hiệp định thương mại Việt Nam - Liên minh kinh tế Á - Âu có hiệu lực là yếu tố quan trọng nhất, tạo điều kiện thuận lợi cho hàng  Việt Nam vào thị trường rộng lớn này mà Nga sẽ là một đầu mối quan trọng.

Lễ ký FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Ảnh: Đức Tám - TTXVN)
Lễ ký FTA giữa Việt Nam và Liên minh Kinh tế Á - Âu (Ảnh: Đức Tám - TTXVN)

Đối với mặt hàng thủy sản, phía EEU sẽ áp dụng mức thuế suất 0% cho tất cả các mặt hàng và số lượng không hạn chế, trong khi đó dệt may, da giầy phần lớn cũng có thuế suất về 0%, số còn lại cũng sẽ giảm dần theo lộ trình cam kết. 

FTA được xem là cú hích, mang lại nhiều lợi ích và cơ hội cho hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng về giá và chất lượng cũng như xâm nhập sâu vào thị trường Nga.

Từ trước đến nay, mặc dù hàng hóa Việt Nam đã vào được thị trường Nga và được người dân Nga chấp nhận nhưng doanh nghiệp Việt vẫn không quá mặn mà do thuế đánh vào hàng nhập khẩu của nước này khá cao. 

Theo thông tin từ Hiệp hội xuất khẩu và chế biến thủy sản Việt Nam, khó khăn của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay khi xuất khẩu sang thị trường Liên bang Nga là phải cạnh tranh gay gắt với các quốc gia có nguồn cung tương tự. 

Bên cạnh đó, các rào cản phi thuế quan mà thị trường này đang áp dụng đối với hàng nông sản, thủy sản của Việt Nam còn hạn chế so với các quốc gia khác. Ngoài ra, dù đã giảm thuế so với trước khi Nga gia nhập WTO nhưng mức thuế nhập khẩu hiện nay vẫn tương đối cao. 

Thời cơ lớn cho các doanh nghiệp Việt đầu tư vào thị trường Nga ảnh 2

Vượt khủng hoảng, nền kinh tế Nga đang trở nên hấp dẫn

Các doanh nghiệp Việt Nam thiếu hụt thông tin thị trường nên không kịp thời thích ứng với những thay đổi thị hiếu của người Nga. 

Doanh nghiệp Việt cần chuẩn bị gì?

Theo đánh giá chung, sản lượng hàng hóa của các doanh nghiệp Việt còn rất ít so với nhu cầu nhập khẩu của thị trường Nga và trong khi việc xuất khẩu sang Mỹ và các nước châu Âu khá cao thì xuất khẩu sang thị trường Nga lại rất hạn chế.

Để giúp doanh nghiệp có cơ hội trực tiếp làm quen thị trường cũng như tận dụng tốt nhất những lợi thế do FTA mang lại, theo sáng kiến của BIDV và ĐSQ Việt Nam tại LB Nga đã trình Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức chuỗi các sự kiện hưởng ứng Hiệp định FTA, trong đó quan trọng nhất là Hội chợ - Bán hàng hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015. 

Việc tổ chức Hội chợ tại LB Nga đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý, chỉ đạo Bộ Ngoại giao, Bộ Công thương, UBND TP Hà Nội, UBND TP Hồ Chí Minh, BIDV, INCENTRA và Hiệp hội các nhà DN Việt Nam tại LB Nga phối hợp tổ chức với mong muốn đem lại cho các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu hàng Việt Nam cơ hội trực tiếp tiếp cận thị trường Liên bang Nga và Liên minh, quảng bá sản phẩm thương hiệu, tìm kiếm khách hàng tiềm năng, kết nối giao thương. 

Nhằm hưởng ứng việc tham gia Hội chợ, các đơn vị tổ chức sẽ hỗ trợ tích cực cho các doanh nghiệp. Trong đó, Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airline) quyết định hỗ trợ 50% chi phí vé máy bay cho doanh nghiệp khi tham gia hội chợ. 

Ngân hàng BIDV sẽ tài trợ 100.000 USD cho công tác chuẩn bị mặt bằng hội chợ. Công ty Incentra – đơn vị đồng tổ chức cũng sẽ miễn phí 100% phí thuê gian hàng, hỗ trợ 50% phí lưu trú tại KS Hà Nội – Mátxcơva và chi phí đi lại trong khu vực khảo sát thị trường theo chương trình hội chợ. 

Cùng với các công tác chuẩn bị chu đáo cho Hội chợ, trong thời gian vừa qua, Hội nghị phổ biến và triển khai kế hoạch tổ chức tham gia Hội chợ - Bán hàng:

Hàng Việt Nam chất lượng cao Mátxcơva 2015 đã được triển khai ở các tỉnh thành phố trong cả nước để giới thiệu về Hội chợ cũng như lắng nghe và giải đáp những băn khoăn của các doanh nghiệp cũng như hỗ trợ kinh phí cho đoàn doanh nghiệp các tỉnh tham gia Hội chợ. 

Từ nay cho đến hết tháng 11/2015, các chương trình khảo sát thị trường Nga sẽ được ban tổ chức thực hiện để đưa một số doanh nghiệp Việt ở các tỉnh thành trong cả nước sang Nga trực tiếp tìm hiểu thị trường và thị hiếu của người dân Nga.

Ông Đặng Hoàng Hải, Trưởng đoàn đàm phán cấp kỹ thuật của Việt Nam gợi ý: Điều cần làm lúc này là doanh nghiệp Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn để nắm bắt lấy cơ hội này. Bởi Việt Nam cách rất xa các nước trong Liên minh, tuy là thị trường truyền thống từ trước nhưng cũng đã có nhiều thay đổi. 

Vì thế, các doanh nghiệp phải hết sức chú ý công tác xúc tiến thương mại, tìm hiểu chính xác thị hiếu khách hàng, khảo sát các tuyến vận tải, bến bãi, tiến tới đặt văn phòng đại diện, chi nhánh… để bảo đảm chi phí và vẫn giữ được chất lượng hàng hóa.

Thùy Linh