Thủ tướng: Ủng hộ Ngân hàng Busan mở chi nhánh tại Việt Nam

11/12/2014 07:07
Ngọc Quang
(GDVN) - Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.000 dự án và tổng số vốn đầu tư đã đăng ký đạt gần 37 tỷ USD.

Trong khuôn khổ chuyến Tham dự Hội nghị cấp cao Kỷ niệm 25 quan hệ Đối thoại ASEAN - Hàn Quốc và thăm làm việc tại Hàn Quốc, ngày 10/12, tại Thành phố Busan, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc đối thoại với hơn 40 lãnh đạo các tập đoàn, công ty Hàn Quốc trong các lĩnh vực như ngân hàng, dầu khí, đóng tàu, thương mại, công nghiệp…

Phát biểu tại cuộc đối thoại, ông Park Soo Kwan, Tổng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Busan và là lãnh đạo doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư sản xuất giầy tại Việt Nam với hơn 2.200 lao động cho biết: Trong số khoảng 4.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đã và đang đầu tư tại Việt Nam thì có khoảng 300 doanh nghiệp từ Busan và Keangnam. Các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá cao các chính sách ngày càng thông thoáng, thuận lợi của Việt Nam cũng như sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương đối với các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có doanh nghiệp Hàn Quốc; đồng thời luôn luôn coi Việt Nam là quê hương thứ 2 của mình. Ông Park Soo Kwan kiến nghị Chính phủ Việt Nam cho phép Ngân hàng Busan mở chi nhánh tại Việt Nam nhằm hỗ trợ doanh nghiệp Busan cũng như Keangnam về tài chính.

Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc tại cuộc đối thoại cũng thể hiện mong muốn đầu tư tại Việt Nam trong các lĩnh vực như sửa chữa và đóng tàu; kinh doanh thủy sản; sản xuất nước sạch, xử lý nước thải… đồng thời kiến nghị nhiều nội dung liên quan đến cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thủ tục hành chính, chính sách về ngoại hối, nới lỏng thời hạn thị thực...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Park Geun-hye. ảnh: VGP.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội đàm với Tổng thống Park Geun-hye. ảnh: VGP.

Trao đổi với các nhà đầu tư Hàn Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh hai nước Việt - Hàn có nhiều đặc điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa, có quan hệ hữu nghị lâu đời, hai dân tộc đã có quan hệ hợp tác tốt đẹp trên tất cả các lĩnh vực. Hai nước đã là đối tác chiến lược của nhau và đang tiến gần đến việc ký kết chính thức Hiệp định Thương mại tự do song phương.

Thủ tướng cũng thông tin về một số chính sách mới của Việt Nam để khuyến khích đầu tư nước ngoài, đồng thời  khẳng định sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh theo hướng ngày càng thông thoáng, thuận lợi.

“Việt Nam hoan nghênh các doanh nghiệp Hàn Quốc đến đầu tư và phát triển thương mại tại Việt Nam. Chúng tôi đã và đang tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh ở Việt Nam để không thua kém môi trường đầu tư nào của các nước trong ASEAN. Chúng tôi hoan nghênh các bạn mở rộng đầu tư kinh doanh tại Việt Nam và tạo mọi điều kiện cho các bạn thành công tại Việt Nam, thành công của các bạn cũng chính là thành công của chúng tôi như hiện nay có 4 nghìn doanh nghiệp Hàn Quốc thành công tại Việt Nam”, Thủ tướng khẳng định.

Với tinh thần này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ủng hộ chủ trương việc Ngân hàng Busan mở chi nhánh tại Việt Nam; hoan nghênh các ý định đầu tư trong lĩnh vực sửa chữa và đóng tàu; sản xuất nước sạch và xử lý nước thải. Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang xem xét điều chỉnh các quy định liên quan đến mang ngoại tệ ra nước ngoài, nới thời hạn Visa… nhằm tạo thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư và du khách nước ngoài nói chung và Hàn Quốc nói riêng đến Việt Nam.

Theo thống kê, Hàn Quốc hiện là nhà đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Việt Nam với hơn 4.000 dự án và tổng số vốn đầu tư đã đăng ký đạt  gần 37 tỷ USD; là đối tác cung cấp ODA song phương lớn thứ 2 của Việt Nam với cam kết 1,2 tỷ USD cho giai đoạn 2012-2015; và là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Việt Nam với kim ngạch song phương năm 2013 đạt 27,5 tỷ USD, 10 tháng đầu năm 2014 đạt gần 24 tỷ USD và dự kiến cả năm 2014 sẽ đạt mốc 30 tỷ USD. Hàn Quốc cũng là quốc gia đứng thứ hai về lượng khách du lịch đến Việt Nam, năm 2014 dự kiến đạt khoảng 800.000 lượt khách.

Thông tin về Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA):

Được chính thức khởi động tại Hà Nội ngày 6/8/2012, sau 8 phiên đàm phán chính thức và 8 phiên họp giữa kỳ, họp cấp Trưởng đoàn đàm phán, hai Bên đã cơ bản thống nhất nội dung Hiệp định với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và đảm bảo cân bằng lợi ích. Hiệp định bao gồm các nhóm nội dung chính về Thương mại hàng hóa (cam kết cắt giảm thuế quan), Thương mại Dịch vụ (bao gồm các Phụ lục về Viễn thông, Tài chính...), Đầu tư, Sở hữu trí tuệ, Các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (SPS), Quy tắc xuất xứ, Thuận lợi hóa hải quan, Phòng vệ thương mại, Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT), Thương mại Điện tử, Cạnh tranh, Thể chế và Pháp lý, Hợp tác kinh tế.

Phía Hàn Quốc dành cho Việt Nam ưu đãi cắt, giảm thuế quan, tạo cơ hội xuất khẩu mới quan trọng đối với các nhóm hàng nông, thủy sản chủ lực như tôm, cá, hoa quả nhiệt đới, và hàng công nghiệp như dệt, may, sản phẩm cơ khí. Bên cạnh đó, Hàn Quốc cũng cam kết dành thêm cơ hội thị trường cho các lĩnh vực dịch vụ, đầu tư của Việt Nam, và nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, dành hỗ trợ kỹ thuật toàn diện trong nhiều lĩnh vực. Lần đầu tiên, Hàn Quốc mở cửa thị trường cho những sản phẩm nhạy cảm cao như tỏi, gừng, mật ong, tôm, tạo cơ hội cạnh tranh đáng kể cho Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh khác trong khu vực. 

Phía Việt Nam dành ưu đãi cho Hàn Quốc với các nhóm hàng công nghiệp như nguyên phụ liệu dệt, may, nguyên liệu nhựa, linh kiện điện tử, xe tải và xe con từ 2500 cc trở lên, phụ tùng ô-tô, điện gia dụng, sản phẩm sắt thép, dây cáp điện.

Hàn Quốc tự do hóa 96,48% giá trị nhập khẩu từ Việt Nam, ngược lại Việt Nam tự do hóa 92,75% tổng giá trị nhập khẩu từ Hàn Quốc năm 2012. Xét về số dòng thuế, Hàn Quốc tự do hóa 95,43% số dòng thuế, Việt Nam cam kết với 89,75% số dòng thuế.

Các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, giải quyết tranh chấp, hợp tác kinh tế, biện pháp vệ sinh dịch tễ, biện pháp kỹ thuật đối với thương mại,... đều được thống nhất đảm bảo cân bằng lợi ích, phù hợp với quy định pháp luật trong nước và không ảnh hưởng đến các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.

Bên cạnh các lợi ích xuất khẩu quan trọng, Hiệp định VKFTA dự kiến cũng sẽ tạo điều kiện nâng cao hiệu quả nhập khẩu, nhất là các nhóm hàng nguyên, phụ liệu phục vụ các ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực như dệt may, giày, dép, điện tử, giảm phụ thuộc vào nhập khẩu từ các nguồn khác. Qua đó hỗ trợ cải cách, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tăng tỷ trọng xuất khẩu các nhóm hàng giá trị gia tăng cao. Các cam kết về dịch vụ, đầu tư, môi trường chính sách minh bạch, thông thoáng, khuyến khích cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với quy định quốc tế của Hiệp định được kỳ vọng sẽ góp phần tăng cường thu hút đầu tư từ Hàn Quốc, đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp chế tạo, đồng thời thúc đẩy liên kết hai nền kinh tế, tăng cường giao lưu nhân dân, củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược Việt Nam – Hàn Quốc.

Dự kiến hai bên sẽ hoàn thành đàm phán các vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn tất các thủ tục cần thiết trong nước để sớm ký kết Hiệp định trong khoảng đầu năm 2015.

Ngọc Quang