“Thưa đại gia, ông cứu… người giàu, ai cứu chúng tôi?”

05/03/2013 07:12
Bùi Hải
(GDVN) - Nghiên cứu mới đây cho thấy nhiều người giàu có thường hay hành xử trái với đạo lý xã hội…
Chỉ mới là đề xuất, nhưng tại sao “sáng kiến” đánh thuế tiền gửi tiết kiệm (với khoản tiền trên 500 triệu đồng) của Hiệp hội bất động sản TP. HCM lại nhận được sự phẫn nộ lớn từ dư luận như vậy? Xin Quý độc giả hãy “tạm quên” cái sáng kiến này trong vòng hai phút, để nghe ý kiến của hai chuyên gia nổi tiếng.
Chỉ mới là đề xuất, nhưng “sáng kiến” đánh thuế tiền gửi tiết kiệm (với khoản tiền trên 500 triệu đồng) của Hiệp hội bất động sản TP.HCM đang tạo sự phẫn nộ lớn từ dư luận. Ảnh minh họa.
Chỉ mới là đề xuất, nhưng “sáng kiến” đánh thuế tiền gửi tiết kiệm (với khoản tiền trên 500 triệu đồng) của Hiệp hội bất động sản TP.HCM đang tạo sự phẫn nộ lớn từ dư luận. Ảnh minh họa.
Cách đây ít lâu, khi được phóng viên báo Đất Việt hỏi ông nghĩ gì về các thú chơi phá tiền của các đại gia Việt Nam, đặc biệt là đại gia bất động sản, GS Nguyễn Văn Tuấn (Giảng viên cao cấp đại học Đại học New South Wales, Úc) cho rằng: Đó là hành động “chà xát vào nỗi đau khổ của người nghèo”. Quả vậy, mỗi vụ rước dâu bằng dàn xe tiền tỷ, chỉ cần tiết kiệm tiền xăng, cũng có thể mang lại hàng ngàn bữa cơm có thịt cho học sinh nghèo vùng cao đang phải nhai cơm trắng chan nước chè xanh. Một con chó ngao Tây Tạng giá triệu đô, một cái tặc lưỡi lên đời siêu xe, một đám cưới mua vui chốc lát chi hàng trăm ngàn đô la mời siêu sao biểu diễn… đều là sự “chà xát vào nỗi đau khổ của những người đau khổ” đang còn hiện diện khắp nơi trong cuộc sống này. Chuyên gia kinh tế và chính trị Nguyễn Trần Bạt rùng mình: “Tội ác của những thứ chơi ngông ấy kinh khủng lắm, nó không đơn giản chỉ là chúng ta cười rồi chế giễu đâu. Những người nhiều tiền không có tội mà chỉ những kẻ tiêu xài bừa bãi, xa hoa mới phá hoại các tiêu chuẩn sống, bởi những kẻ đó, có kiếm bao nhiêu tiền, đốt cháy bao nhiêu tiền thì họ cũng không có thêm giá trị đối với bất kỳ người nào có giá trị”. Quay trở lại chuyện đánh thuế tiền gửi tiết kiệm. Cái lý đưa ra của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM trong việc đề xuất đánh thuế gửi tiết kiệm có vẻ như không “chà sát vào nỗi đau khổ của người nghèo”, vì chỉ đánh thuế những món tiền gửi trên 500 triệu. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra: Ở Việt Nam, trong cái thời giá cả nhảy chồm chồm như ngựa bị thiến này, ai có 500 triệu, thậm chí 1 tỉ đồng gửi tiết kiệm, đã phải là người hết khó khăn chưa? 500 triệu đồng ở Hà Nội đã đủ dư dả để mua một căn hộ chung cư, dù nhỏ nhất, đủ cho một gia đình sinh sống hay chưa? Câu hỏi đó, đã được chị Nhung, một nữ công nhân may ở một khu tập thể nghèo, giải đáp hết sức cụ thể. Chị Nhung, chính là một trong những người được công ty may mặc thưởng Tết 2013 bằng mấy chục cái quần đùi (công ty ấy nghèo và quần đùi thì không bán được). Chị bảo: “Nhà em có 600 triệu đồng. Chưa đủ tiền mua một căn hộ chung cư cho 6 người ở, nên phải gửi tiền ngân hàng, vì thời buổi suy thoái này, đem số tiền đó đi kinh doanh, rất có thể sẽ trắng tay. Hai vợ chồng em chờ đợi tiền thưởng Tết và tích cóp trong vài năm, để có thêm chút đỉnh mua nhà, thế nhưng Tết năm ngoái được thưởng 10 chiếc quần soóc, năm nay thì mấy chục chiếc quần đùi. Em xin hỏi: Thưa đại gia, ông  muốn đánh thuế khoản gửi 600 triệu của tôi để cứu… người giàu, thế ai sẽ cứu chúng tôi?”. Đương nhiên câu hỏi của chị Nhung và nhiều người khác cùng cảnh ngộ khác, không tới được chỗ ông Lê Hoàng Châu, chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM. Mà nếu câu hỏi đó có tới được, thì ông Châu và “Hiệp hội nhiều đại gia” của ông cũng không cứu những con người đang khát khao có một mái ấm theo nghĩa đen. Muốn cứu “những người khốn khổ” đó, thì hàng loạt doanh nhân bất động sản đã họp với nhau để giảm giá nhà đất đang cao ngất ngưởng – cao đến nỗi có bắc thang làm bằng một cây tre trăm đốt, thì những người có thu nhập thấp và trung bình, cũng không với tới được. Thay vì giảm giá mạnh bất động sản để tự cứu mình và cứu người nghèo, thì nhiều đại gia vẫn găm chặt hàng tìm “sáng kiến”. Những “sáng kiến” này, thật lạ lùng, vì nó không hề được nảy ra khi bất động sản và kinh tế thịnh vượng, khi mà một số đại gia, thiếu gia kiếm tiền từ nhà đất và các thương vụ khác, dễ như thò tay vào túi lấy đồ; khi mà những cuộc đập phá vô tiền khoáng hậu khiến những công chức, viên chức và người nghèo phải nghiến răng lắc đầu trong cay đắng. Nếu đánh thuế tiết kiệm là để “huy động nguồn lực trong dân để phát triển kinh tế” như lý lẽ của Hiệp hội kia, thì tại sao ngày trước không thấy ai kiến nghị nhiều đại gia từ bỏ thú đập phá phè phưỡn xa xỉ, để dành tiền vào “kinh doanh sản xuất, làm lợi cho đất nước”? Để hạn chế ‘tội ác của những thứ chơi ngông phá hoại các tiêu chuẩn sống” kia? Hay là khi thịnh vượng thì xã hội thừa tiền, không cần đầu tư phát triển kinh tế và không cần giữ chuẩn mực đạo đức xã hội nữa? Về mặt thực tiễn, các chuyên gia tài chính, kinh tế đã chỉ ra sáng kiến này sẽ làm kinh tế tối tăm đi và không khả thi. Tuy nhiên, dù không được thực hiện, đề xuất ấy vẫn gây ra những hậu quả nặng nề về mặt niềm tin trong xã hội. GS Nguyễn Văn Tuấn đã đưa ra một kết luận đau xót: “Nghiên cứu mới đây cho thấy nhiều người giàu có thường hay hành xử trái với đạo lý xã hội, hay phạm luật pháp”. Tiền bạc nhiều, quyền năng to nhưng cái tâm nhỏ, sẽ dẫn đến những hành xử như vậy. Hành xử của Hiệp hội bất động sản TP.HCM có “xuất phát từ cái tâm” như ông chủ tịch Châu tuyên bố, hay là vì lợi ích nhóm, thì chỉ có các thành viên ấy biết rõ nhất. Khi nhận thưởng Tết bằng mấy chục cái quần đùi, chị Nhung công nhân may vẫn vui vẻ nhận vì chị thấy điều ấy “không trái với đạo lý xã hội”. Chị biết công ty quá nghèo, lãnh đạo không thể làm khác. Nhưng khi nghe các đại gia bất động sản trình sáng kiến đánh thuế tiền gửi, thì chị không còn giữ được bình tình nữa. Liệu một “sáng kiến” xuất phát từ cái tâm thực sự và không “hành xử trái với đạo lý xã hội”, thì có bị đông đảo nhân dân và chuyên gia phẫn nộ đến dường ấy?
Bài viết đang được quan tâm:

Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ cái tâm”

>> "Đề xuất đánh thuế tiền gửi tiết kiệm từ cái tâm”

>> Độc giả tiếp tục phẫn nộ kiến nghị đánh thuế tiền gửi tiết kiệm
>> Nguy hiểm khó lường từ kiến nghị đánh thuế tiền tiết kiệm

>> Đề xuất thu thuế tiền tiết kiệm chứng tỏ BĐS đang cuống vì nợ
>> Đánh thuế tiền gửi tiết kiệm: Một kiến nghị tối tăm, thiếu tình người!

* Kính mời Quý độc giả BẤM VÀO ĐÂY để tiếp tục góp ý, bình luận về “sáng kiến” này. Trân trọng!
Bùi Hải