Thực phẩm chức năng “nổ tung trời” chữa ung thư, HIV/AIDS

29/10/2012 07:24
Dương Hải
(GDVN) - Trước sự nở rộ của các loại thực phẩm chức năng (TPCN) - từ làm đẹp “nâng ngực nở mông” cho chị em đến tăng cường khả năng sinh lý cánh mày râu hay “cải lão hoàn đồng” cho các bậc não liên, đã có lúc nhà nhà dùng TPCN, người người dùng TPCN vì nghĩ rằng chúng không bổ ngang thì cũng bổ dọc. Song trên thực tế, TPCN liệu có thần kỳ đến vậy hay chỉ là con dao hai lưỡi hại người như chơi?
Đủ chiêu lừa người tiêu dùng

Mới phát triển tại VN trong vòng 10 năm trở lại đây nhưng TPCN đã nhanh chóng chiếm lĩnh thị trường. Khách quan mà nói, TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị và phục hồi sức khỏe. Tuy nhiên, vì mục tiêu lợi nhuận, nhiều đơn vị sản xuất kinh doanh đã thổi phồng chúng như “thần dược” xua tan mọi bệnh tật. Khảo sát của Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Bộ Y tế) tại Hà Nội và TP.HCM cho thấy, có đến trên 50% số người lớn tin dùng TPCN. Tính đến thời điểm hiện tại, có 10.000 sản phẩm TPCN nhập khẩu vào VN, chiếm 40% - đó là chưa kể khoảng 60% TPCN sản xuất trong nước và “hàng xách tay” khác.

Thị trường TPCN ở VN như mảnh đất kiếm tiền màu mỡ, chỉ trong khoảng thời gian từ năm 2009-2012 đã có gần 2.000 doanh nghiệp tham gia sản xuất kinh doanh mặt hàng này. Và cũng chính từ đây nảy sinh ra hàng loạt sai phạm trong việc sản xuất, kinh doanh hòng lừa người tiêu dùng, thu lợi bất chính.

Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn TPCN giảm béo giả nhãn hiệu Lishou hồi tháng 3.2012. Ảnh D.Hải
Lực lượng chức năng thu giữ số lượng lớn TPCN giảm béo giả nhãn hiệu Lishou hồi tháng 3.2012. Ảnh D.Hải

Ông Trần Quang Trung, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm cho biết: Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2012, thanh tra Cục đã xử lý vi phạm trong lĩnh vực quảng cáo với 17 cơ sở sản xuất, kinh doanh TPCN. Số trường hợp vi phạm trong năm 2011 cũng có khoảng gần 30 vụ với các sai phạm chủ yếu là thổi phồng công dụng của TPCN như thuốc chữa bệnh khiến người dân hiểu sai; quảng cáo không đúng nội dung đăng ký; không ghi nhãn; một số chỉ tiêu trong TPCN không đạt… Cá biệt có những công ty còn nhập khẩu TPCN kém chất lượng từ Trung Quốc có chứa hoạt chất cấm Sibutramine, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Đáng sợ hơn, TPCN bị “thần thánh hóa” quá mức như là liều thuốc tiên chữa được bệnh ung thư, HIV/AIDS trong khi thực tế chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng. “Tôi khẳng định, không thể có chuyện TPCN chữa được ung thư hay HIV/AIDS gì hết. Chính vì tin theo quảng cáo lừa dối, bệnh nhân thay vì vào viện chữa bệnh, họ lại tin dùng TPCN, bỏ qua “thời gian vàng” trong điều trị, mất đi cơ hội sống. Đây thực sự là một tội ác chứ không chỉ đơn thuần là gian dối về thương mại”- ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm nhấn mạnh.

Quản lý buông lơi


Tin vào công dụng thần kỳ của các loại TPCN, không ít người đã tôn thờ chúng như “thần dược” chữa bách bệnh nên đổ xô đi mua về sử dụng. Trong khi người tiêu dùng rơi vào ma trận TPCN vàng thau lẫn lộn thì nhiều ý kiến cho rằng, việc quản lý TPCN đang tồn tại một “lỗ hổng” lớn.

TPCN không phải là thuốc chữa được bệnh. Ảnh Internet.
TPCN không phải là thuốc chữa được bệnh. Ảnh Internet.

“Hiện tại vẫn chưa có quy định về ngưỡng thực phẩm thông thường và thực phẩm bổ sung; cũng chưa có quy định nào bắt buộc công bố định lượng hàm lượng trong TPCN, các phép thử thảo dược mới chủ yếu là định tính. Chẳng hạn, một TPCN quảng cáo có VitaminC 500mg nhưng thực chất chỉ có 50mg VitaminC, thậm chí không rõ hàm lượng nó là bao nhiêu. Hay chỉ đơn giản như việc trên nhãn không bắt buộc ghi sản phẩm là TPCN nên người tiêu dùng nhầm sang là thuốc chữa bệnh…”- ông Trung nói.

Do chưa có quy định rõ ràng nên không ít trường hợp bị xử phạt vẫn tái phạm nhiều lần. Điển hình như năm 2011, TPCN Kim Thận Bảo được quảng cáo không đúng nội dung đã đăng ký; quảng cáo TPCN viên bách bệnh Tuệ Linh khi chưa được đăng ký quảng cáo; TPCN Kình Nguyên Khang thổi phồng như thuốc chữa bệnh và viên nang mềm dương hoắc nhung sâm lộc ca không đúng với nội dung đã đăng ký trong tờ rơi…

Bên cạnh đó, trong quy chế kê đơn thuốc điều trị ngoại trú, Bộ Y tế nghiêm cấm kê TPCN vào đơn thuốc nhưng trên thực tế, vẫn có những loại TPCN được “tầm gửi” trong đơn thuốc khiến người bệnh không biết đâu mà lần. Ranh giới nhập nhằng giữa thuốc và TPCN  cho đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Và cuối cùng, chịu thiệt vẫn là người tiêu dùng.
Dương Hải