Tịch thu giấy phép vĩnh viễn hai nhân viên Nội Bài trộm đồ của khách

26/07/2015 07:26
Mai Anh
(GDVN) - Hai nhân viên HGS bị bắt vì trộm điện thoại sẽ bị tịch thu vĩnh viễn giấy phép nhân viên hàng không, không còn cơ hội làm việc tại vị trí này ở bất kỳ DN nào.

Cục Cảnh sát hình sự (C45) – Bộ Công an vừa khởi tố vụ án trộm cắp tài sản của hành khách xảy ra trên chuyến bay VJ961/INC-HAN của hãng hàng không Vietjet Air ngày 20/7/2015 từ Incheon – Hàn Quốc về Nội Bài – Việt Nam ngày 20/7/2015.

Nạn mất cắp hành lý vẫn tiếp tục xảy ra trên nhiều chuyến bay (ảnh minh họa - nguồn VTC)
Nạn mất cắp hành lý vẫn tiếp tục xảy ra trên nhiều chuyến bay (ảnh minh họa - nguồn VTC)

Đối tượng gây ra vụ mất cắp là 2 nhân viên bốc xếp Lê Văn Thiện, Lê Trọng Tài thuộc Công ty mặt đất Hà Nội (HGS).

Cục Hàng không Việt Nam cho biết, hiện đang tiếp tục phối hợp chặt chẽ với C45 để điều tra, làm rõ và củng cố hồ sơ để đưa các đối tượng ra xét xử trước pháp luật.

Liên quan đến việc 2 nhân viên HGS bị bắt vì hành vi trộm cắp, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Tô Tử Hùng - Trưởng phòng An ninh Cục Hàng không Việt Nam cho biết: Theo Thông tư số 46/2013/TT-BGTVT hướng dẫn thực hiện kỷ luật lao động đặc thù với nhân viên hàng không, bên cạnh việc bị xử lý hình sự, đối tượng Lê Văn Thiện và Lê Trọng Tài sẽ không được phân công nhiệm vụ tại bất kỳ doanh nghiệp nào hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.

Hai nhân viên HGS bị bắt là nhân viên hàng không, điều này có nghĩa họ được đi lại tiếp xúc với khu vực hạn chế và không hạn chế tại các cảng hàng không bao gồm tàu bay, khu vực ký gửi hàng hóa…

Điều 69 Luật Hàng không dân dụng quy định, nhân viên hàng không khi thực hiện nhiệm vụ phải mang theo giấy phép, chứng chỉ chuyên môn phù hợp do Bộ Giao thông vận tải cấp hoặc công nhận.

Nhân viên hàng không chỉ được cấp giấy phép, chứng chỉ chuyên môn nếu được đào tạo tại cơ sở đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ được Bộ Giao thông vận tải cho phép hoặc công nhận.

“Với sự việc bị bắt giữ do trộm cắp trên, nhân viên HGS sẽ bị tịch thu vĩnh viễn giấy phép nhân viên hàng không. Nếu sau này có được làm việc lại cũng chỉ làm việc không đúng chuyên môn, không phải nhân viên hàng không”, ông Hùng cho biết.

Về mức xử lý, nếu là vi phạm hành chính theo Nghị định Số: 60/2010/NĐ-CP Về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng, nhân viên hàng không sẽ bị xử phạt từ 1 – 5 triệu đồng (kèm hình phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy chứng nhận nhân viên hàng không) đối với hành vi trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của hành khách đi tàu bay, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư được vận chuyển bằng tàu bay. 

Tuy nhiên trong trường hợp nhân viên HGS vừa bị bắt vì trộm điện thoại của hành khách vừa qua, đây không phải vi phạm hành chính mà là vi phạm hình sự với tội chiếm đoạt tài sản. Cơ quan công an đang hoàn thiện hồ sơ để khởi tố vụ án xử xét xử trước pháp luật.

Được biết từ tháng 12/2013 đến tháng 12/2014 ghi nhận 48 vụ việc mất cắp hành lý, tài sản của hành khách. Riêng từ đầu năm 2015 đến nay đã tiếp nhận 23 vụ việc báo mất tài sản của hành khách.

Điều đáng nói là mặc dù thời gian qua, cơ quan chức năng đã chỉ đạo siết chặt an ninh, khẩn trương thực hiện hàng loạt các biện pháp chống mất trộm hành lý của hành khách tại sân bay, tuy nhiên hiện tượng mất cắp, mất trộm vẫn diễn ra.

Mai Anh