Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Không thể thành công nếu chủ quan, ảo vọng

07/01/2018 09:12
Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong
(GDVN) - Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đánh giá, chỉ số xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 5 bậc, nhưng còn rất nhiều khó khăn.

Những con số ấn tượng

Theo báo cáo của Chính phủ và Tổng cục Thống kê, năm 2017, Việt Nam có nhiều khởi sắc tích cực ở một loạt chỉ số thống kê kinh tế vĩ mô, nổi bật. Đây là năm lần đầu tiên trong hàng chục năm qua, cả nước đạt và vượt tất cả 13 chỉ tiêu kế hoạch kinh tế-xã hội cả năm được Quốc hội thông qua. 

Động lực tăng trưởng đồng đều ở cả đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Các lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ, du lịch, tiêu dùng, xuất khẩu, đầu tư, doanh nghiệp... đều có mức tăng trưởng tốt.  

Đây cũng là năm lần đầu tiên Việt Nam đạt mức cao nhất từ trước đến nay về kết quả một loạt chỉ số, nổi bật là: Về tổng thu hút FDI đăng ký mới, mở rộng và góp vốn, mua cổ phần; về số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay lại hoạt động; về đỉnh cao của chỉ số chứng khoán quốc gia (nhất là VN-Index); về số lượt khách du lịch quốc tế, về dự trữ ngoại tệ, cũng như  về kim ngạch xuất khẩu rau quả vượt cả dầu mỏ, và gạo…

Tính chung 11 tháng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước (so với mức tăng 7,4% của cùng kỳ năm 2016).

Nông nghiệp tiếp tục phục hồi và khởi sắc trong xuất khẩu nông sản, nổi bật là rau quả (đạt 3,2 tỷ USD, tăng 43,1%). 

Sản lượng thủy sản ước tính đạt 6.478 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước.

Chăn nuôi trâu, bò và gia cầm ổn định, riêng chăn nuôi lợn còn gặp khó khăn do thị trường tiêu thụ trong tháng chưa có nhiều chuyển biến, giá thịt lợn vẫn ở mức thấp khiến quy mô đàn tiếp tục xu hướng giảm. 

Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 3.600 nghìn tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 9,5% (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,9%).

Lãi suất, tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định, dự trữ ngoại hối Nhà nước tiếp tục tăng thêm 8 tỷ USD, đạt khoảng 46,7 tỷ USD. Chỉ số VN-Index, một thước đo với sức khỏe nền kinh tế, trong tháng đã có lúc đạt đỉnh 950 điểm, cao nhất trong 10 năm trở lại đây. 

Tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt gần 1,08 triệu tỷ đồng, bằng 88,9% dự toán, tổng chi ngân sách nhà nước ước đạt hơn 1,13 tỷ đồng, bằng 81,7% dự toán năm. 

Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tháng 11 tăng 0,13%, bình quân tăng 3,61%; Chỉ số giá vàng tháng 11/2017 giảm 0,3% so với tháng trước; tăng 4,86% so với tháng 12/2016 và tăng 2,22% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 11/2017 giảm 0,01% so với tháng trước; giảm 0,07% so với tháng 12/2016 và tăng 1,45% so với cùng kỳ năm 2016;

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%, cao nhất từ trước đến nay và tăng ở tất cả các kênh đi lại, nguồn khách. Năm 2017, Việt Nam cũng bổ sung 6 nước, gồm: Australia; Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất; Canada; Ấn Độ; Hà Lan; New Zealand (tổng cộng hiện có 46 nước) có công dân được thí điểm cấp thị thực điện tử khi nhập cảnh Việt Nam. 

Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%, cao nhất từ trước đến nay và tăng ở tất cả các kênh đi lại, nguồn khách. ảnh: TTXVN.
Khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,65 triệu lượt, tăng 27,8%, cao nhất từ trước đến nay và tăng ở tất cả các kênh đi lại, nguồn khách. ảnh: TTXVN.

Tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 193,8 tỷ USD, tăng 21,1% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 53,1 tỷ USD, tăng 16,8%. 

Một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu giảm so với cùng kỳ năm trước, như Cà phê đạt 2,9 tỷ USD, giảm 3,6% (lượng giảm 22,4%); hạt tiêu đạt 1,1 tỷ USD, giảm 21,4% (lượng tăng 20,5%); sắn và sản phẩm của sắn đạt 896 triệu USD, giảm 1,2% (lượng tăng 3,9%). Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu (38,1 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2016) và xuất siêu (29,7 tỷ USD) lớn nhất với của Việt Nam; 

Tổng kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước tính đạt 191 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 76,5 tỷ USD, tăng 17,9%.

Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của nước ta với kim ngạch đạt 52,1 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước. 

Tính chung 11 tháng năm 2017 xuất siêu 2,8 tỷ USD, trong đó khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 26,2 tỷ USD. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Không thể thành công nếu chủ quan, ảo vọng ảnh 2

Sau Vinamilk, nhiều doanh nghiệp phản đối truy thu thuế bất ngờ của hải quan

Năm 2017, Việt Nam ghi nhận sự bùng nổ mới về thành lập mới doanh nghiệp, tăng vốn và quay lại hoạt động; Đồng thời, số doanh nghiệp dừng hoạt động chững lại, khiến chênh lệch số doanh nghiệp đăng ký mới với số dừng hoạt động tới hơn 50%, tốt nhất trong nhiều năm qua.

Tính chung 11 tháng năm 2017, cả nước có 116.045 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, với tổng vốn đăng ký là 1.131 nghìn tỷ đồng, tăng 14,1% về số doanh nghiệp và tăng 41,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, cả nước có hơn 32 nghìn lượt doanh nghiệp tăng vốn 1.582 nghìn tỷ đồng và 24.349 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động; nâng tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động đạt 140,4 nghìn doanh nghiệp, bằng 25% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước. 

Trong khi đó, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng là 55.664 doanh nghiệp, chỉ tăng 3% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2017 cũng là năm bùng nổ lịch sử trên thị trường chứng khoán, với chỉ số VN-Index có lúc đạt gần 900 điểm, lên cao nhất 10 năm, hàng loạt cổ phiếu vượt đỉnh lịch sử; Đây là kết quả bởi sự cải thiện cả về ổn định vĩ mô, xử lý nợ xấu và coi trọng hơn khu vực kinh tế tư nhân.

Tính chung 11 tháng năm 2017, dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 14,5% so với tháng 12/2016, trong đó, tín dụng cho công nghiệp chế biến chế tạo tăng gần 25%, chiếm hơn 17% tỷ trọng.

Tăng trưởng tín dụng cả năm ước đạt khoảng 18-19%. Nợ xấu dưới 3% tổng dư nợ và xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường đang được cải thiện.

Tổng cộng trong 11 tháng năm 2017, cả nước có sự bùng nổ kỷ lục vốn FDI, với 2.293 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư, với tổng vốn đăng ký 19,8 tỷ USD, tăng 52% so với cùng kỳ năm 2016; 1.100 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư, với tổng vốn đăng ký tăng thêm xấp xỉ 8 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016.

Ngoài ra, lượng vốn FDI góp, mua cổ phần đạt 5,29 tỷ USD, tăng 57,6% so với cùng kỳ năm 2016. 

Vốn FDI giải ngân đạt trên 16 tỷ USD (tăng 11% so với cùng kỳ năm 2016) và tương đương 8% tổng GDP trị giá 203 tỷ USD của Việt Nam, trong đó các nhà đầu tư Nhật Bản dẫn đầu, với 8,94 tỷ USD đăng ký đầu tư vào Việt Nam, Hàn Quốc đứng thứ hai, với 8,18 tỷ USD.

Đặc biệt, dù chịu đựng nhiều hệ quả nặng nề của thiên tai, nhưng tính chung 11 tháng kể từ đầu năm 2017, so với cùng kỳ năm trước, cả nước chỉ có 175,6 nghìn lượt hộ thiếu đói, giảm 33,2%, tương ứng với 720,7 nghìn lượt nhân khẩu thiếu đói, giảm 33,8%. 

Đồng thời, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam hiện là 74, cao hơn so với tưởi thọ trung bình 71 của toàn thế giới.

Việt Nam được Trung tâm Nghiên cứu Pew xếp hạng đứng đầu thế giới về đánh giá tích cực sự thay đổi cuộc sống trong nửa thế kỷ qua, với 88% người Việt được khảo sát cho rằng cuộc sống hôm nay tốt đẹp hơn 50 năm trước, cao hơn con số tương ứng của Ấn Độ (69%), Hàn Quốc (68%) và Nhật Bản (65%), Philippines (43%) và mức trung bình 54% của châu Âu, đặc biệt là so với con số chưa tới 37% ở Mỹ…

Việt Nam cũng được Viện Nghiên cứu Kinh tế và Hòa bình Australia xếp vị trí an toàn số một trong Bản báo cáo Chỉ số khủng bố toàn cầu (GTI) công bố cuối tháng 11/2017. 

Việt Nam xếp thứ 11/67 quốc gia đáng sống đối với người nước ngoài và đã có những tiến bộ vượt bậc trong các chỉ số về môi trường làm việc, khả năng ổn định và hòa nhập, theo kết quả của cuộc khảo sát trực tuyến Expat Insider 2016, được thực hiện bởi InterNations, mạng lưới cộng đồng những người sinh sống và làm việc ở nước ngoài lớn nhất thế giới, công bố trong quý 1/2017.  

Vì một Việt Nam ngày càng thịnh vượng  

Năm 2017, Việt Nam cũng được thăng hạng vượt trội trong nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế về môi trường và kết quả kinh doanh. Việt Nam đứng ở vị trí 64/190 quốc gia/nền kinh tế, tức tăng 14 bậc so với năm 2016 (riêng chỉ số tiếp cận điện năng tăng tới 32 bậc so với năm 2016 và tăng 92 bậc so với năm 2013) trong xếp hạng chỉ số môi trường kinh doanh của Ngân hàng thế giới năm 2017. 

Diễn đàn Kinh tế Thế giới công bố Báo cáo Năng lực cạnh tranh toàn cầu 2017 - 2018 đã đưa Việt Nam lên hạng 55, tăng 5 bậc so với năm trước và 20 bậc so với cách đây 5 năm. 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong: Không thể thành công nếu chủ quan, ảo vọng ảnh 3

Nông nghiệp thắng lớn, xuất khẩu được hơn 36 tỷ USD

Liên Hợp Quốc cũng xếp hạng Chỉ số đổi mới sáng tạo năm 2017 của Việt Nam tăng 12 bậc so với năm trước (tăng 29 bậc so với năm 2013) và điều chỉnh Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam năm 2017 tăng 20 bậc so với năm 2016, lên mức 68/157 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Hệ thống ngân hàng Việt Nam cũng mới được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s (Moody's Investors Service) nâng mức đánh giá triển vọng từ “ổn định” lên “tích cực” trên cơ sở đánh giá nền kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang trên đà ổn định, cán cân thanh toán và vị thế đối ngoại được cải thiện, môi trường hoạt động của khu vực ngân hàng dần bình ổn. 

Những thành công trên là kết quả của bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam, với những nỗ lực, sự chuyển động và đổi mới toàn diện cả trong nhận thức, chỉ đạo và hành động quyết liệt, sự vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước trên hành trình vượt qua chính mình và được quốc tế công nhận.

Thành công không đến với người tự ti hoặc thụ động, chuộng ảo vọng vay mượn, nhưng cũng không cho phép ta chủ quan, dừng nghỉ.

Năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 5 bậc. ảnh: TTXVN.
Năm 2017, xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam đã tăng 5 bậc. ảnh: TTXVN.

Để tiếp tục và đẩy nhanh sự phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường trong thời gian tới, Việt Nam cần nhiều hơn những quyết tâm và hành động thiết thực, phù hợp để khắc phục các khó khăn và bất cập trong đổi mới mô hình phát triển, nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh quốc gia và doanh nghiệp.

Đồng thời phải kiểm soát tốt nợ công, nợ xấu, hàng giả, hàng nhái, an toàn thực phẩm, hóa chất độc hại, ô nhiễm môi trường, khắc phục hậu quả thiên tai và biến đổi khí hậu, bạo lực gia đình và tăng cường bảo đảm an sinh xã hội…


Đặc biệt, còn cần lắm sức mạnh toàn dân tộc dựa trên sự đồng thuận giữa ý Đảng và lòng dân; sự củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc; sự hội tụ của các sáng kiến, sáng tạo tự do và trách nhiệm cá nhân và cộng đồng người Việt cả trong nước và nước ngoài.

Năng lực và sự nêu gương của lãnh đạo các cấp trong một chính phủ kiến tạo và đặc biệt là sự hoàn thiện, nghiêm minh, hiệu lực thực tế của hệ thống pháp luật, nhằm bảo vệ các giá trị chuẩn quốc gia, chống lại mọi sự vô cảm, quốc nạn tham nhũng, thói đạo đức giả, sự hành xử méo mó và bấp chấp luật pháp vì lợi ích nhóm và sự ích kỷ cá nhân. 

Mùa Xuân mới đang về, vận hội mới và sức Xuân mới đang mở ra tương lai mới cho một Việt Nam tiếp tục chuyển mình cùng thế giới, vì một mục tiêu chung là xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam ngày càng thịnh vượng, để mọi người dân Việt đều tìm thấy hạnh phúc thực sự của mình trong hạnh phúc chung toàn dân tộc!

Tiến sĩ Nguyễn Minh Phong