Tiền tỷ Viettel, MobiFone ăn chia từ lừa đảo khách hàng là phạm pháp

23/07/2014 10:04
Hồng Minh
(GDVN) - Khoản tiền 55% mà nhà mạng đang quản lý là số tiền do phạm tội mà có, vì vậy việc xử lý số tiền này phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật Hình sự...

“Gõ đầu nhà mạng”

Trong vụ việc các đối tượng sử dụng thiết bị điện tử công nghệ cao phát tán tin nhắn lừa đảo chiếm đoạt phí dịch vụ của người sử dụng điện thoại di động với số tiền lên đến 23 tỉ đồng vừa bị Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) Bộ Công an và Công an quận Đống Đa, Hà Nội đã triệt phá mới đây, phải chăng các nhà mạng có liên quan đã cố tình làm ngơ để đối tác thuê đầu số móc túi khách hàng và nhận tiền ăn chia?

Nghi vấn về một thỏa thuận ngầm giữa nhà mạng và các đối tượng lừa đảo càng có cơ sở khi tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận, toàn bộ số tiền lừa đảo được, các đối tượng này đã chia lại cho nhà mạng Mobifone, Viettel... theo tỉ lệ 45-55%. Tuy nhiên nhà mạng lại liên tục phủ nhận điều này.

Các đối tượng dùng công nghệ cao lừa đảo bị bắt giữ (ảnh theo Công an TP HCM)
Các đối tượng dùng công nghệ cao lừa đảo bị bắt giữ (ảnh theo Công an TP HCM)

Cụ thể theo ông Nguyễn Minh Phương - Giám đốc Viettel Telecom, dù nhà mạng có tiến hành rà soát và khi phát hiện thì chặn nhưng loại tin nhắn lừa đảo này mọc lên như nấm, chặn chỗ này lại mọc chỗ kia. Còn theo đại diện của MobiFone, tin nhắn lừa đảo chủ yếu hiện nay là về dự báo xổ số, dự báo trúng thưởng… Theo đó nhà mạng cho rằng khó xử lý vì đầu số có thuật toán riêng.

Thiếu tá Nguyễn Huy Lục - Phó trưởng Phòng 3 - C50 cho biết, theo quy định, tin nhắn dịch vụ giá trị gia tăng phải được nhà mạng kiểm duyệt. Nhìn chung nhà mạng vẫn quản lý khá lỏng lẻo. Khi ký kết hợp đồng với nhà mạng, các công ty kinh doanh dịch vụ thường báo cáo nội dung tin nhắn lành mạnh, đúng quy định. Nhưng đến khi gửi cho khách hàng, các công ty kinh doanh dịch vụ lại sửa nội dung nhằm lôi kéo, lừa tiền của người sử dụng điện thoại di động.

Nhìn lại diễn biến vụ việc cũng như các cách lý giải của nhà mạng, PGS.TS Phạm Quý Thọ - chuyên gia chính sách công cho rằng, với tỉ lệ ăn chia rất rõ ràng 45-55, nhà mạng được hưởng lợi lớn hơn đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi lừa đảo, do đó dù nói gì nhà mạng cũng phải chịu trách nhiệm chính.

Vị chuyên gia nhận định, tại Việt Nam hiện nay việc quản lý tin nhắn rác, số điện thoại rác đã có quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện chưa nghiêm. So với các nước, việc quản lý số điện thoại, tin nhắn rác của chúng ta rất kém.

Trong khi tại các nước như Mỹ, vấn đề quản lý số điện thoại được siết chặt, một số điện thoại sở hữu của một người thậm chí còn được in vào chính hộ chiếu người đó, để gắn trách nhiệm, thì ở Việt Nam, chưa có người chịu trách nhiệm cụ thể.

Riêng với vụ việc lừa đảo chiếm đoạt số tiền từ thuê bao di động vừa qua, nhà mạng phải chịu trách nhiệm, cơ quan quản lý là Bộ Thông tin và Truyền thông phải chịu trách nhiệm trước người dân.

Ăn chia 45-55 tiền lừa đảo, nhà mạng bị xử lý thế nào?

Dù chối bỏ trách nhiệm nhưng Viettel, MobiFone không hề đả động con số ăn chia 45-55 từ đâu ra? Có phải là một thỏa thuận ngầm hay là cách chi trả mang tính thương mại về thỏa thuận giữa nhà mạng và các công ty thuê đầu số dịch vụ? 

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Ths.LS Trương Anh Tuấn nhận định, nếu chứng cứ chứng minh người nào biết được mục đích lừa đảo mà cùng thực hiện hành vi thì chịu trách nhiệm đồng phạm về tội lừa đảo. Do đó, nếu có đủ chứng cứ chứng minh nhân viên hoặc cán bộ quản lý của nhà mạng đã biết mục đích lừa đảo mà vẫn đồng ý thực hiện hành vi cho triển khai dịch vụ đầu số, thì người đó chịu trách nhiệm đồng phạm với người phạm tội. 

Ngược lại việc liên kết, mượn, thuê hoặc những hình thức khác để làm công cụ, phương tiện phạm tội, mà người quản lý, sử dụng công cụ, phương tiện đó khi chuyển giao hoặc thực hiện hành vi, mà không biết mục đích phạm tội, thì nhà mạng không phải chịu trách nhiệm hình sự. 

“Nếu nhà mạng biết từ trước hoặc các đối tượng lừa đảo đã thực hiện rồi mới biết, nhưng không có hành vi ngăn chặn thì phải chịu trách nhiệm đồng phạm về hành vi phạm tội đã xảy ra. Tuy nhiên nhà mạng là cụm từ chỉ một hoặc nhiều công ty, theo pháp luật Việt Nam thì không có trách nhiệm hình sự của công ty (pháp nhân), nên chỉ có những người cụ thể biết mà giúp sức hành vi phạm tội, thì người đồng phạm với người phạm tội”, LS Tuấn nêu bất cấp về luật.

Khó buộc trách nhiệm nhưng nhiều ý kiến cho rằng thuê bao bị chiếm dụng tiền có thể khởi kiện nhà mạng vì liên đới trách nhiệm và được hưởng phần lớn số tiền do chiếm đoạt mà có.  

Về vấn đề này LS Trương Anh Tuấn cho biết, trước hết phải làm rõ trách nhiệm của người sử dụng đầu số (người cung cấp dịch vụ nội dung số) với trách nhiệm của nhà mạng (người cung cấp dịch vụ mạng, hạ tầng viễn thông), sau đó mới xem xét trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho người bị lừa. 

“Trách nhiệm chứng minh sự tách bạch trách nhiệm là công việc của nhà mạng, người cung cấp hạ tầng mạng cho cả người sử dụng đầu số và người sử dụng cuối cùng (ENU). Bởi người sử dụng cuối cùng (ENU) phải được biết sự tách bạch trách nhiệm đối với những nội dung điện thoại liên lạc với mình.

Việc cung cấp dịch vụ đầu số của mỗi mạng là do chính nhà mạng đó quản lý. Vì vậy, không phân biệt trách nhiệm của người cung cấp dịch vụ nội dung số với trách nhiệm của nhà mạng, thì người sử dụng cuối cùng (ENU) chỉ có thể nhìn nhận đó là nội dung của nhà mạng, do nhà mạng cung cấp. Đồng thời, với trách nhiệm quản lý, nhà mạng phải có trách nhiệm với người sử dụng cuối cùng (ENU) của mình”, LS Tuấn phân tích.

Cũng theo LS Tuấn, đối với khoản tiền 55% mà nhà mạng đang quản lý, đó là số tiền do phạm tội mà có. Vì vậy, việc xử lý số tiền này phải được thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự, với thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Nhà mạng có trách nhiệm chuyển toàn bộ số tiền 55% này đến cơ quan điều tra để xử lý tang vật vụ án hình sự theo quy định. Trách nhiệm hình sự và dân sự của người phạm tội được tính trên số tiền đã lừa đảo. Do đó, nhà mạng không thể giữ được số tiền này.

“Về việc thỏa thuận thương mại giữa nhà mạng với người sử dụng đầu số, nhà mạng có thể khởi kiện người sử dụng đầu số này bồi thường thiệt hại theo hợp đồng giữa hai bên, để bù lại phần tiền phải hoàn trả đến cơ quan điều tra”, LS Tuấn cho biết thêm.

Hồng Minh