Tòa nhà cao hơn Lăng Bác: Người ký quyết định cấp phép khẳng định không sai

30/09/2015 11:07
Hồng Minh (Tổng hợp)
(GDVN) - Ông Nguyễn Quốc Tuấn, nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội (người ký quyết định cấp phép xây dựng cho tòa nhà 8B Lê Trực) khẳng định việc cấp phép không sai.

Liên quan đến dự án Trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê số 8B Lê Trực (Điện Biên, Ba Đình, Hà Nội), sáng ngày 29/9 UBND TP.Hà Nội đã tổ chức cuộc họp liên ngành kiểm tra, rà soát về quản lý quy hoạch, kiến trúc và đầu tư dự án này.

Cuộc họp có sự tham dự của sở Quy hoạch – Kiến Trúc, Sở Kế hoạch – Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên – Môi trường, UBND quận Ba Đình...

Theo đó, tòa nhà 8B Lê Trực được Sở Xây dựng Hà Nội cấp phép cho Công ty cổ phần May Lê Trực xây dựng năm 2014. Người ký quyết định cấp phép xây dựng dự án này là ông Nguyễn Quốc Tuấn - nguyên Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội.

Dự án tòa nhà 8b Lê Trực Hà Nội.
Dự án tòa nhà 8b Lê Trực Hà Nội.

Căn cứ theo giấy phép xây dựng ông Nguyễn Quốc Tuấn ký ngày 24/3/2014, Công ty cổ phần may Lê Trực được phép xây dựng trên lô đất này 3 công trình, gồm 1 trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở để bán hoặc cho thuê và 2 nhà vườn.

Giấy phép xây dựng cho thấy trung tâm thương mại, văn phòng, nhà ở có chiều cao hơn 50m, diện tích xây dựng gần 1.800m2. Dự án có tên là Discovery Complex II, chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư xây dựng phát triển Kinh Đô.

Tổng diện tích mặt sàn tòa nhà rộng gần 30.000m2 (chưa kể 4 tầng hầm), trong đó, 5 tầng làm trung tâm thương mại, từ tầng 6 trở lên là căn hộ để bán hoặc cho thuê.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, việc cấp phép là theo quy hoạch, theo chỉ đạo chứ không hề sai.

Tòa nhà cao hơn Lăng Bác: Người ký quyết định cấp phép khẳng định không sai ảnh 2

Xây dựng không phép, tòa nhà cao hơn Lăng Bác từng bị xử phạt 40 triệu đồng

Trước khẳng định của ông Nguyễn Quốc Tuấn, TS Phạm Sỹ Liêm - nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng: Khu vực Lăng Bác, Phủ Chủ tịch... là các công trình di sản được bảo tồn và để bảo vệ thì luôn được quy hoạch một bán kính để bảo vệ, trong khu vực Ba Đình. 

Theo TS Liêm, ngay từ thời cố Tổng Bí thư Trường Chinh, với các công trình xây dựng xung quanh khu vực Lăng Bác trong vòng nửa km thì không được cao quá Lăng Bác.

TS Liêm cho rằng, ở đây các cơ quan chức năng cần đối chiếu quy hoạch và nếu chiều cao quanh khu vực Lăng cho phép bao nhiêu thì phải tiến hành xử lý, tháo dỡ công trình tòa nhà này, đảm bảo đúng luật.

Cũng liên quan đến dự án trên, ngày 29/9, trả lời báo chí bên hành lang tiếp xúc cử tri quận Hai Bà Trưng và Đống Đa trước kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII, ông Phạm Quang Nghị - Bí thư Thành uỷ Hà Nội, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội khẳng định: “Tinh thần của thành phố lâu nay là những công trình vi phạm trật tự xây dưng đều bị xử lý minh bạch, rất nghiêm túc, không loại trừ một dự án, công trình nào”.

Ở diễn biến khác, tại buổi giao ban báo chí Thành ủy chiều ngày 29/9, ông Nguyễn Văn Phong - Phó ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: Ngày 29/9, Hà Nội đã họp và thống nhất những vấn đề liên quan đến công trình ở 8B Lê Trực. Ngày 30/9, thành phố sẽ báo cáo Thủ tướng về công trình 8B Lê Trực, sau đó sẽ cung cấp thông tin cụ thể cho báo chí.

Được biết theo giấy phép xây dựng được cấp, tòa nhà 8B Lê Trực có chiều cao 53m. Tòa nhà này bị dư luận phản ứng bởi độ cao vượt trội đã phá vỡ cảnh quan khu vực của khu trung tâm chính trị Ba Đình với Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ cao 21,6 m.

Trả lời trên tờ Giao thông, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho rằng chiều cao bất thường của tòa nhà 8B Lê Trực không chỉ phá vỡ cảnh quan hài hòa của khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà nghiêm trọng hơn, nó có khả năng gây mất an toàn, an ninh quốc gia.

Theo Tướng Thước, đứng ở tòa nhà này có thể bao quát toàn bộ Quảng trường Ba Đình, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tòa nhà Quốc hội, các cơ quan của Chính phủ, phía sau lại là Bộ Quốc phòng…Vì vậy, việc kiểm soát về mặt an ninh quốc gia, an ninh quốc phòng là rất khó.

Hồng Minh (Tổng hợp)