Tranh cãi về mức phí "hoa hồng" xăng dầu

16/01/2014 07:37
Phạm Liễu (Nguồn VTV)
(GDVN) - Các đại lý và đại đa số các đầu mối xăng dầu lớn đều gửi văn bản về Hiệp hội xăng dầu, Bộ Công thương, Bộ Tài chính "kêu" về vấn đề này..."

Bắt đầu từ 14 giờ ngày 15/1, Bộ Tài chính đã thực hiện công khai diễn biến giá xăng dầu thế giới, bảng chi tiết tính giá, mức sử dụng quỹ bình ổn tại cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính để người dân và các doanh nghiệp tham khảo. Đây cũng là một nội dung cam kết thực hiện của Bộ Trưởng tài chính Đinh Tiến Dũng trong chương trình "Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời".

Theo đó, diễn biến giá xăng dầu thế giới sẽ được cập nhật hàng ngày tại địa chỉ www.mof.gov.vn. Các thông tin về mức sử dụng quỹ bình ổn giá, giá bán hiện hành và giá cơ sở hiện hành trong vòng 30 ngày sẽ được Bộ Tài chính công khai theo từng ngày tại địa chỉ website này.

Cũng từ 14 giờ ngày 15/1, Bộ Tài chính cũng yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối giữ ổn định giá bán, thuế xuất, thuế nhập khẩu xăng dầu, tiếp tục trích quỹ bình ổn giá 250 đồng/lít với mặt hàng xăng, giảm sử dụng quỹ bình ổn giá với dầu hỏa xuống còn 520 đồng/lít. Bộ Tài chính cũng yêu cầu quỹ bình ổn dừng sử dụng quỹ bình ổn với mặt hàng dầu diesel.

Thông báo số 135 và 308 của Bộ Tài chính quy định mức "hoa hồng" cho các đại lý bán lẻ đang gây nhiều tranh cãi.
Thông báo số 135 và 308 của Bộ Tài chính quy định mức "hoa hồng" cho các đại lý bán lẻ đang gây nhiều tranh cãi.

Xung quanh nội dung thông báo số 135 và 308 quy định chi trả thù lao cho các đại lý có cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong phạm vi 50 km, thì mức thù lao bình quân không được vượt quá 50% mức chi phí kinh doanh định mức của doanh nghiệp đang gây ra khá nhiều ý kiến tranh luận.

Các doanh nghiệp kinh doanh đầu mối và Hiệp hội cho rằng, việc quy định này không sát với điều kiện kinh doanh thực tế gây khó khăn cho doanh nghiệp. Bộ Tài chính thì lý giải quy định này đã được tham khảo từ chính những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu.
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội xăng dầu Việt Nam chỉ ra rằng: "Cái không thực tiễn là quy định trong số "hoa hồng" dành cho tổng đại lý không được vượt quá 50% của 860. Có nghĩa là chi phí cho các đại lý bán lẻ không vượt quá 430 đồng/lít. Trong khi đó, chi phí thực tiễn của nó phải từ 500 - 550 đồng/lít thì các đại lý bán lẻ mới đảm bảo được kinh doanh.
Ngay từ thông báo 135, Hiệp hội xăng dầu đã lên làm việc với Thứ trưởng Bộ Tài chính, sau đó sửa lại ở thông báo 308. Nhưng thông báo 308 lại nhắc lại chi phí của đại lý và tổng đại lý là do các thương nhân quyết định. Nhưng trong đó lại quy định phần "hoa hồng" cho đại lý và tổng đại lý không được vượt quá 50% mức tối đa của cả năm. Tức là vẫn theo quy định từ thông báo 135, như vậy là không phù hợp. Điều này khiến cho các đại lý xăng dầu cực kỳ khó khăn, gần như các cửa hàng bán lẻ họ phản đối, thậm chí, có cửa hàng đóng cửa".
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục quản lý giá, Bộ Tài chính lại cho rằng: "Việc khống chế các định mức kinh doanh đã dựa trên thông tư 234. Trong đó quy định, chi phí kinh doanh bao gồm cả chi phí "hoa hồng" dành cho đại lý. Như vậy, "hoa hồng" đại lý là một trong những chi phí nằm trong chi phí kinh doanh định mức. Do vậy, Bộ Tài chính có đủ thẩm quyền ban hành 2 thông báo trên. Việc ban hành thông báo đã được lấy ý kiến của các cơ quan chức năng".
Trước ý kiến cho rằng, 2 thông báo 135 và 308 liệu có công bằng với các doanh nghiệp? Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết: "Đây là chi phí tối đa và căn cứ việc khảo sát tình hình thực tế cũng như tham khảo các báo cáo của kiểm toán nhà nước. Thông qua các kỳ kiểm toán, chúng tôi thấy rằng cần phải có khống chế để giải quyết các vấn đề liên quan đến vấn đề giành giật thị trường của các đại lý. Cũng như việc kinh doanh không lành mạnh nhằm phát triển các đại lý vùng xâu vùng xa và an ninh năng lượng quốc gia".
Tuy nhiên, ông Phan Thế Ruệ lại cho rằng: "Bộ Tài chính đang can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các công ty kinh doanh xăng dầu đầu mối cũng như các tổng đại lý và đại lý. Bởi vì, trong thực tiễn năm 2013, giá xăng là do nhà nước quy định. Như vậy, các đầu mối, các công ty xăng dầu không thể cạnh tranh nhau bằng giá được. Vì vậy, họ chỉ dùng vào "hoa hồng" để tranh thị phần. 
Điều này dẫn tới tình trạng, nhiều đại lý đưa mức "hoa hồng" cho các doanh nghiệp bán lẻ cao lên để giành thì phần sẽ rất tiêu cực trên thị trường. Nó tiêu diệt cạnh tranh lành mạnh, đồng thời nó gây lên lộn trong thị trường. Vì trong vòng bán kính 50km được hưởng một mức "hoa hồng", ngoài 50km được mức "hoa hồng" khác.
Trước thông tin Cục trưởng Cục quản lý giá cho biết đã lấy ý kiến các doanh nghiệp về mức "hoa hồng" vừa được Bộ Tài chính đưa ra, Chủ tịch Hiệp hôi xăng dầu Việt Nam cho rằng: "Có thể Bộ Tài chính nghe một vài doanh nghiệp, mà một vài doanh doanh này chấp nhận mức "hoa hồng" như vậy. Nhưng thực chất, trong hoạt động dưới cơ sở của họ sẽ cự kỳ khó khăn.
Các đại lý và đại đa số các đầu mối xăng dầu lớn đều gửi văn bản về Hiệp hội xăng dầu, Bộ Công thương, Bộ Tài chính "kêu" về vấn đề này. Còn Hiệp hội xăng dầu trước khi ra văn bản này thì không được tham khảo", ông Ruệ khẳng định./.
Phạm Liễu (Nguồn VTV)