Tránh phụ thuộc vào TQ, VN cần chọn đối tác kinh tế chiến lược nào?

29/05/2014 14:59
Hoàng Lực
(GDVN) - Việt Nam cần xác định đối tác kinh tế chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN và xây dựng cơ sở hợp tác lâu dài tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Sáng nay (29/5), Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) phối hợp với Đại sứ quán Australia tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 với chủ đề: “Những ràng buộc đối với tăng trưởng”.

Theo TS Nguyễn Đức Thành, trưởng nhóm tác giả thực hiện đề tài báo cáo, việc lựa chọn chủ đề: “Những ràng buộc đối với tăng trưởng” muốn nhấn mạnh những tác động khách quan của kinh tế thế giới, của tình hình an ninh chính trị vào nền kinh tế Việt Nam đặc biệt qua sự kiện Trung Quốc đặt giàn khoan 981 trái phép tại vùng biển thềm lục địa Việt Nam, nhằm đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam.

Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 (ảnh H.Lực)
Hội thảo công bố Báo cáo thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 (ảnh H.Lực)

 
Biển Đông căng thẳng, kinh tế Việt Nam ứng xử thế nào?

Từ việc đánh giá sức chịu đựng của nền kinh tế Việt Nam, nhóm tác giả muốn nhắm tới các mục tiêu ngắn hạn, trung và dài hạn về những ứng xử của kinh tế Việt Nam cho phù hợp với tình hình thực tế. Cụ thể là ứng xử của kinh tế Việt Nam sẽ như thế nào nếu kinh tế hai nước Việt Nam và Trung Quốc trở nên xấu đi sau khi Trung Quốc xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam.

Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014 là công trình nghiên cứu khoa học quen thuộc được Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) công bố liên tục 6 năm qua. Các Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam qua các năm  đóng góp nhiều cho cơ quan quản lý chính sách, các học viện, trường đại học những góc nhìn tổng quan về kinh tế Việt Nam.

Gọi hành động đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc vào vùng biển thềm lục địa Việt Nam là hành vi “xâm chiếm” có mục đích của Trung Quốc, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế độc lập (nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương) tán đồng với nhóm tác giả khi đưa vấn đề ứng xử kinh tế Việt Nam trước tác động ngoại cảnh cho phù hợp.

Tham dự với tư cách chuyên gia đánh giá báo cáo, TS Vũ Viết Ngoạn - Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng, trong vấn đề ứng xử, lúc này kinh tế Việt Nam cần nhấn mạnh vào việc tránh “phụ thuộc” vào kinh tế nước ngoài đặc biệt kinh tế Trung Quốc. Để làm được điều này cần thay đổi mạnh mẽ hơn nữa về điều hành kinh tế vĩ mô.

Báo cáo của VEPR đưa ra những đánh giá khách quan tác động ngược của kinh tế hội nhập. Theo đánh giá việc hội nhập kinh tế thế giới giúp Việt Nam thu hút lượng lớn nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài. Tuy nhiên hiệu quả sử dụng nguồn vốn FDI thấp. Việc Việt Nam tham gia TPP và Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) Việt Nam chỉ thu và tận dụng được các lợi ích “tĩnh” sẵn có còn các lợi ích “động” mang tính dài hạn vẫn chưa được khai thác.

Đối tác kinh tế chiến lược của Việt Nam là những ai?

VEPR  đánh giá sự phục hồi Kinh tế Việt Nam trong năm 2013 và Quý 1/2014  là mong manh và tương đối yếu. Tăng trưởng ngành dịch vụ, công nghiệp ở ngưỡng 5,5 - 6,5 %, nông nghiêp 2,7%, công nghiệp chế tạo 7,4%. Lạm phát năm 2014 được đánh giá thấp nhất trong 4 năm, lạm phát theo GDP 4,76% lạm phát thấp do kinh tế suy giảm, chỉ số CPI thấp bởi giá dịch vụ công tăng.

Tỷ lệ thất nghiệp tăng trở lại với 3,58% khu vực thành thị và 1,585 khu vực nông thôn. Trong khi đó chi tiêu công có xu hướng tăng lên trong năm 2014.

Báo cáo của VEPR chỉ ra bất ổn kinh tế vĩ mô là nguyên nhân làm xói mòn niềm tin của  nhà đầu tư. Chất lượng kinh doanh thấp quyền sở hữu bị xâm phạm và tình trạng tham nhũng là những ràng buộc chặt với tăng trưởng nền kinh tế Việt Nam.

Theo VEPR,  thiếu lao động chất lượng cao gây khó khăn cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Cùng với đó tính sáng tạo không có điều này bắt nguồn từ việc nhà nước thất bại trong việc bảo hộ các sản phẩm trí tuệ và bí quyết công nghiệp.

VEPR cũng cho rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN chưa tương xứng với tiềm năng lợi thế của Việt Nam, tỷ trọng thương mại nội khối ASEAN chỉ chiếm 25%. Đầu tư nội khối chỉ chiếm tỷ lệ khiên tốn 19%, Việt Nam xếp thứ 5 thu hút 8% vốn đầu tư trực tiếp từ các nước ASEAN với khoảng 291,2 triệu USD.

Cũng trong Báo cáo Thường niên Kinh tế Việt Nam 2014, nhóm tác giả đưa ra 5 gợi ý chính sách bao gồm: Thứ nhất, quyết tâm thay đổi mô hình kinh tế, con đường phát triển và thay đổi tư duy điều hành nền kinh tế. Qua gia định kinh tế suy giảm vừa qua cùng với những tranh chấp với Trung Quốc hiện nay nhu cầu cải cách và giảm phụ thuộc càng quan trọng.

Thứ hai, Việt Nam cần xác định đối tác kinh tế chiến lược như Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Ấn Độ và ASEAN và xây dựng cơ sở hợp tác lâu dài tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Thứ ba, quan tâm đến nhóm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, phục hồi kinh tế trong ngắn hạn. Ưu tiên cải thiện môi trường đầu tư.

Thứ tư, thúc đẩy tăng năng xuất kinh tế theo hướng trung hạn – dài hạn thông qua quyết tâm cải cách thể chế theo hướng thị trường để tạo động lực phân bổ nguồn lực hữu hiệu.

Cuối cùng phân bổ nguồn lực tạo cơ chế khơi thông đầu tư sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế biển, chính sách hỗ trợ ngư dân ra khơi.

Hoàng Lực