Trao quyền cho Hiệp hội để tránh cào bằng, chung chung!

24/05/2017 06:14
Bạch Đằng
(GDVN) - "Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được triển khai xuống cơ sở qua cầu nối là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được kịp thời".

Ngày 23/5, Quốc hội thảo luận tại nghị trường về Dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây là luật được các Đại biểu Quốc hội kỳ vọng sớm nhanh hoàn thành, được thông qua vì có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của các doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Trần Tuấn Anh đoàn Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn, đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh cho rằng: “Dự thảo luật lần này trình bày khá rõ từng nội dung cũng như thủ tục, đặc biệt những nội dung hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Đại biểu này có băn khoăn nội dung liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.

Theo đại biểu Quốc hội Trần Anh Tuấn: “Mức độ rủi ro khá cao trong kinh doanh của các doanh nghiệp khởi nghiệp nên sự tham gia vốn ngân sách vào các doanh nghiệp cần có quy định cơ chế chịu trách nhiệm chia sẻ rủi ro trong khoản vốn đầu tư”.​

Đại Biểu Nguyễn Thị Minh đoàn Quảng Ninh có ý kiến: “Để đảm bảo sự hỗ trợ công bằng của nhà nước vì sự bình đẳng về cơ hội cạnh tranh và phát triển của các doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập nhỏ và vừa thì nhà nước thể hiện rõ tiêu chí và trách nhiệm hỗ trợ của mình cho các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập đang hoạt động như mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay”.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ảnh: quochoi.vn).
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (ảnh: quochoi.vn).

Ở một khía cạnh khác, ông Nguyễn Văn Thân, Đại biểu Quốc hội đoàn Thái Bình – Chủ tịch Hiệp hội nhỏ và vừa Việt Nam nhấn mạnh:

“Đối với dự thảo luật lần này về cơ bản chúng tôi nhất trí với quan điểm nội dung của báo cáo giải trình tiếp thu chỉnh lý dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Tuy nhiên, đối với Điều 26 dự thảo luật về trách nhiệm của các Hiệp hội ngành nghề, chúng tôi đề nghị giữ nguyên nội dung như Điều 29 về trách nhiệm của Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và các hiệp hội ngành nghề như dự thảo luật đã gửi xin ý kiến các đoàn đại biểu Quốc hội ngày 21/3/2017 và được thảo luận tại hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày mùng 5/4/2017”.

Trao quyền cho Hiệp hội để tránh cào bằng, chung chung! ảnh 3Chúng tôi trẻ, xông pha, Quốc hội giao nhiệm vụ là chúng tôi quyết tâm

Theo sự giải thích của vị Đại biểu Quốc hội này:

“Hiện nay ở Việt Nam có 2 loại hiệp hội doanh nghiệp là hiệp hội ngành nghề như Hiệp hội dệt may, Hiệp hội da giầy, Hiệp hội ngân hàng v.v... và hiệp hội đa ngành như Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam và một số hiệp hội khác.

Nếu quy định như Điều 26 dự thảo luật hiện nay sẽ làm mất vai trò của các hiệp hội đa ngành.

Khi một hiệp hội có doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ và vừa cùng làm thành viên thì các doanh nghiệp lớn thường lấn át các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc tiếp cận các nguồn lực hỗ trợ từ nhà nước, đó là thực tế của Việt Nam.

Đây cũng chính là câu trả lời thực tiễn mà nhiều năm qua các doanh nghiệp nhỏ và vừa gần như không tiếp cận được các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Vì thế, quan điểm đối với một số hoạt động cụ thể phải lựa chọn những hiệp hội chuyên biệt của doanh nghiệp nhỏ và vừa thay thế cho quan điểm đồng đều, cào bằng chung chung là xác đáng.

Để đảm bảo cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận bình đẳng với nguồn lực hỗ trợ không nên đặt vấn đề tổ chức này có nhiều quyền hơn tổ chức khác.

Hơn 10 năm qua hoạt động của Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam đã xây dựng được một mạng lưới gồm 55 hiệp hội doanh nghiệp địa phương các tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nếu được triển khai xuống cơ sở thông qua cầu nối là Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ được kịp thời nhất quán.

Trong quá trình xây dựng dự án luật, Hiệp hội đã phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo tổ chức nhiều hội thảo hội nghị xin ý kiến cộng đồng doanh nghiệp, các đại biểu đều tha thiết đề nghị cần phải định danh tên Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam trong luật”.

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (ảnh: quochoi.vn).

Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết (ảnh: quochoi.vn).

Tiếp tục đóng góp ý kiến cho dự thảo, Đại biểu Quốc hội Mai Thị Ánh Tuyết, (Đoàn đại biểu tỉnh An Giang) cho rằng:

“Thực tế hiện nay vốn là nguồn lực vô cùng quan trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn.

Do đó, dự thảo luật cần quy định tạo điều kiện thuận lợi kịp thời đáp ứng nhu cầu vốn của doanh nghiệp, đồng thời cần quy định công khai minh bạch trong xếp hạng tín dụng doanh nghiệp.

Cần quy định rõ nguyên tắc thời điểm, phương pháp, cung cấp thông tin trong vấn đề xếp hạng tín dụng doanh nghiệp. Nhằm vừa đáp ứng yêu cầu của hệ thống ngân hàng thương mại nhưng bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp nhỏ và vừa”…

Trao quyền cho Hiệp hội để tránh cào bằng, chung chung! ảnh 5Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng bất ngờ khi ông Vũ Tiến Lộc "có ý kiến ngược"

Theo Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền – Hà Nam cho rằng: “Ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra quan tâm, nghiên cứu, bổ sung quy định về biện pháp bảo vệ doanh nghiệp nhỏ và vừa khỏi những hậu quả bất lợi do tình trạng tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra, kiểm toán chồng chéo”.

Để hiểu sâu hơn một số vấn đề liên quan đến Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có trao đổi với Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Thân và được biết:

“Trọng tâm của luật xoáy mạnh vào ba vấn đề, đó là khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo;

Khuyến khích chuyển từ hộ kinh doanh sang mô hình doanh nghiệp; khuyến khích liên kết các doanh nghiệp với nhau. Đây cũng là ba trọng tâm của nội dung chính trong Luật này”.

Theo ông Nguyễn Văn Thân: “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo là khuyến khích lớp trẻ Start up. Lớp trẻ hiện nay rất hăng hái.

Chính phủ rất khuyến khích xu hướng này. Thậm chí, Chính phủ đã dành phần tài chính nhất định để khuyến khích khởi nghiệp của thanh niên và các cháu đang là sinh viên.

Vấn đề hiện nay, việc khởi nghiệp chúng đang thiếu sự tập trung, định hướng. Bản thân khởi nghiệp phần trăm thất bại nhiều hơn là phần trăm thành công.

Cho nên cần quy hoạch làm sao để hài hòa giữa tỷ lệ thất bại với thành công.

Với kinh nghiệm các nước trên thế giới thì cần phải có sự chỉ đạo giữa các bộ, đặc biệt là Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cộng với các tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp”.

Liên quan đến vấn đề mà nhiều đại biểu phân vân là luật này quy định theo luật khung, ông Nguyễn Văn Thân giải thích: “Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa buộc theo luật khung, không thể chi tiết được.

Hiêp hội của chúng tôi có tham gia vào ban soạn thảo. Cái này, hơn một năm nghiên cứu và kết quả là không thể cụ thể được. Nếu cụ thể thì luật sẽ đụng chạm đến các luật khác và sẽ không cho ra kết quả được.

Cho nên Luật doanh nghiệp nhỏ và vừa chỉ có luật khung, trên cơ sở luật khung đó sau này sẽ ban hành ra các nghị định”.

Bạch Đằng