Từ chối nhà cung cấp "làm giá", siêu thị hết hàng?

03/05/2011 07:17
(GDVN) – Tại siêu thị Bigc Hà Nội, tấm giấy nhỏ đề chữ: “Hết hàng vì BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp” được dán cạnh tờ niêm yết giá.

(GDVN) – Tại siêu thị Bigc Hà Nội, tấm giấy nhỏ đề chữ: “Hết hàng vì BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp” được dán cạnh tờ niêm yết giá.

Những ngày qua, nhằm bình ổn giá bán các mặt hàng trong kế hoạch bình ổn giá, nhiều siêu thị đã chấp nhận tình trạng thiếu hàng khi từ chối nguồn hàng do nhà cung cấp "làm giá".

Theo đó, siêu thị BigC Miền Đông (quận 10 – TP.HCM) đưa ra thông báo: “Do BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp, một số nhà cung cấp đã ngừng giao hàng dẫn đến việc thiếu hàng trong siêu thị. BigC tiếp tục nỗ lực đàm phán bình ổn giá với các nhà cung cấp để nhanh chóng phục vụ trở lại những mặt hàng này” thì tại Hà Nội, tấm giấy nhỏ đề chữ: “Hết hàng vì BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp” chỉ được dán “khiêm tốn” ngay cạnh tờ niêm yết giá.

Nhận định về việc siêu thị từ chối sự “làm giá” của các nhà cung cấp, ông Phú đồng tình với phản ứng “biểu tình” đầu tiên của BigC trong chiến lược kinh doanh: Thà thiếu hàng còn hơn tăng giá. “Các siêu thị khác nên noi gương BigC từ chối các mặt hàng quá cao so với mặt bằng chung, nên tìm nguồn hàng khác nếu thỏa thuận về giá cả không được chấp nhận”, ông Phú khuyến khích.

Nếu không để ý, khách hàng rất khó nhận ra mảnh giấy ghi thông báo
Nếu không để ý, khách hàng khó nhận ra mảnh giấy ghi thông báo.
Ban đầu, chị Hà (khách hàng đang mua sắm tại BigC Thăng Long, Hà Nội) tỏ ra thắc mắc và lấy làm khó chịu vì định mua ít kẹo trái cây nhưng tới siêu thị thì lại thấy hết hàng. “Tôi định mua với số lượng lớn chuẩn bị cho tiệc liên hoan ở cơ quan, nhưng tại quầy bánh kẹo, các mặt hàng để trên kệ còn lại rất ít, đem đến cho người ta cái cảm giác đó là hàng tồn, hàng còn xót lại cuối cùng”. Đang loay hoay trước kệ bày kẹo sô cô la, chị mới để ý có tờ giấy nhỏ đề chữ: “Hết hàng vì BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp”, chị Hà vui vẻ quay ra các quầy hàng khác.

Ngoài ra, còn một số gian hàng như thịt xông khói, bánh bông lan hura, bánh pizza,… cũng trống rất nhiều nhưng không có dòng chữ nào thông báo.

Trò chuyện với một anh nhân viên của Big C, pv Giáo dục Việt Nam được biết: Trước đây, kho hàng mở cửa cả ngày cho tới 6h tối, các nhân viên thường xuyên kiểm hàng, khi phát hiện lượng hàng vơi trên kệ do tiêu thụ nhiều thì phải ngay lập tức tự giác xuống kho, lấy hàng đem lên để “châm” thêm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, cách quản lý đã thay đổi theo chiều hướng sát sao hơn, các nhân viên phục vụ không được tự ý xuống kho lấy hàng mà chỉ ghi chép lại số lượng rồi gửi cho bộ phận cấp cao hơn. Hiện tượng gian hàng trống có thể do siêu thị chưa kịp “châm” hàng hoặc do hết hàng vì BigC từ chối yêu cầu tăng giá không hợp lý từ nhà cung cấp”.
Trong khi đó, trả lời báo điện tử Giáo Dục Việt Nam, đại diện BigC Thăng Long tại Hà Nội cho biết: Mặc dù biển thông báo vẫn được gián trên kệ để khách hàng nắm rõ tình hình, tuy nhiên, đây là chuyện nội bộ giữa 3 bên: BigC, nhà cung cấp và khách hàng, nên BigC không muốn thông tin rộng rãi về việc này. Ngoài ra, số lượng các đơn vị cung cấp “đòi’ tăng giá cũng như mức tăng cụ thể như thế nào, BigC Thăng Long Hà Nội “không thống kê được vì khâu thu mua tập trung trong TP.HCM”.

Khảo sát tại một số siêu thị khác trên địa bàn Hà Nội, tình trạng các gian hàng trống, thiếu hàng hầu như không xảy ra. Đại diện các siêu thị cho biết: Tình trạng tăng giá đã diễn ra từ cách đây 1 tháng và hiện tại đang dần ổn định.

Bà Vũ Thị Hậu - Phó Tổng Giám đốc Fivimartchia sẻ: Với áp lực về xăng dầu và nguyên vật liệu đầu vào đều tăng, cuối tháng 3 và đầu tháng 4 vừa rồi, Fivimart đã có đợt tăng giá từ 5 – 10% tùy theo từng sản phẩm. Tuy nhiên, “từ nay tới cuối tháng 5 sẽ không có đợt tăng giá đột biến nào khác về chi phí” – bà Hậu hi vọng.

Đánh giá về sự từ chối việc “làm giá” của các nhà cung cấp, bà Hậu cho rằng: Mỗi nơi có một cách làm khác nhau. Đối với Fivimart, khi nhà cung cấp gửi đưa công văn yêu cầu tăng giá, cả 2 bên phải ngồi bàn với nhau, đưa ra mức giá chung của thị trường, “chứ không thể một mình, một giá được”. “Nguyên tắc của Fivimart: Luôn có nhiều nhà cung cấp, chứ không chỉ có một nhà cung cấp, vì vậy, mức giá phải hợp lý, nhà nọ nhìn nhà kia và so sánh với mức giá mặt bằng chung ngoài thị trường. Đặc biệt, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, ai cũng muốn bán được hàng chứ không thể giữ hàng, do đó, các đơn vị phải biết chia sẻ, không thể giữ thế độc quyền”.
Các siêu thị khác ở HN đều cố gắng kìm giá nhưng không thiếu hàng (Ảnh chụp tại BigC)
Các siêu thị HN đều cố gắng kìm giá nhưng không thiếu hàng.
Tại siêu thị Hapro, từ tháng 3 tới giờ, đại đa số các nhà cung cấp đều đề nghị điều chỉnh giá cả theo chiều hướng tăng. Cuối tháng 4, đầu tháng 5/2011, các nhà cung cấp lại tiếp tục yêu cầu tăng giá từ 5 – 10% tùy từng mức độ khác nhau đối với mỗi sản phẩm, mặc dù vậy, Hapro khẳng định: Tại các điểm bán hàng của toàn hệ thống, không có hiện tượng để ô trống thiếu hàng.

Về mặt giá cả, Hapro đấu tranh với nhà cung cấp để duy trì mức giá ổn định. “Mặc dù, chúng tôi đã cố gắng đấu tranh nhưng cũng chỉ một số các nhà cung cấp chấp nhận được còn một số vẫn đòi tăng giá” – Bà Lê Thiên Nga, Giám đốc đối ngoại Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cho biết.

Trước tình hình đó, giải pháp mà Hapro đưa ra đó là: Đối với các mặt hàng không phải mặt hàng thiết yếu, siêu thị này kìm giá bằng cách bớt phần lợi nhuận của mình để giữ mức giá chấp nhận được trên thị trường, chia sẻ nỗi lo với người tiêu dùng Việt. Ngoài ra, một biện pháp hữu hiệu để kìm hãm giá cả tăng vọt mà trước đó Hapro đã thực hiện đó là: tham gia bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu của Thành phố, thêm vào đó, dự trữ một số lượng nhất định hàng hóa, ký hợp đồng với các bên cung cấp từ trước và cam kết giữ giá trong dài hạn. “Vì vậy, nếu có tăng thì tăng rất ít và tăng một cách từ từ, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chấp nhận được” – bà Nga nói. 

Giải bài toán về việc tăng giá chóng mặt các nguyên liệu đầu vào, trong rất nhiều cuộc hội thảo chia sẻ kinh nghiệm vượt khó của doanh nghiệp, ông Lê Xuân Nghĩa – Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia luôn nhấn mạnh: Để cùng nhau vượt qua thời kỳ khó khăn, các doanh nghiệp cần bắt tay hợp tác. Việc tăng cường liên kết, hợp tác trong chuỗi cung ứng, trong ngành/vùng là việc làm cấp bách và cần thiết trong lúc này.

Ông Nghĩa đã từng kết luận: “Tăng cường liên kết nội bộ, trong đó có liên kết về vốn, đầu tư chung, đổi mới công nghệ, mua cổ phẩn,…”, có thể coi là chiến lược lâu dài và mang tính sống còn trong lương lai của các doanh nghiệp trong thời kỳ lạm phát hiện nay.

Bài, ảnh: Phương Hạ