Tự hại mình bằng "quái chiêu" biến hàng Trung Quốc thành hàng Việt

21/06/2014 07:50
Hồng Anh (Tổng hợp)
(GDVN) - Quần áo cắt mác, gắn mác giả, khoai tây trộn đất đỏ, in địa chỉ "ma" trên sản phẩm... là những cách đánh lừa người tiêu dùng của các thương nhân Việt.

Trước tâm lý e dè, tẩy chay với hàng hóa Trung Quốc của người tiêu dùng Việt, để tìm cách trục lợi, nhiều thương nhân Việt đã tìm ra "quái chiêu" biến hàng Trung Quốc thành hàng nội địa để đánh lừa người tiêu dùng.

Hô biến bánh kẹo lậu thành hàng Việt Nam

Tờ Vietnamplus đưa tin, ngày 6/1, Đội kinh tế Thương Mại, Phòng Cảnh sát trật tự về kinh tế và Quản lý chức vụ Công An Hà Nội (PC46) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 6 (Chi Cục Quản lý thị trường) đã thu giữ được 4 tấn bánh kẹo Trung Quốc đội lốt hàng Việt Nam.

Đối chiếu với những gì thu thập được, ông Nguyễn Thế Cường - Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, toàn bộ số hàng hóa trên đều có mã vạch xuất xứ Trung Quốc, nhưng trên bao bì sản phẩm lại ghi tên 4 cơ sở sản xuất trong nước.

Túi kẹo mã vạch Trung Quốc nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Túi kẹo mã vạch Trung Quốc nhưng lại ghi nhãn mác Việt Nam (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)


Lần theo những địa chỉ trên thì cơ quan chức năng đã xác định một cơ sở không có thực, còn 3 cơ sở ghi tại xã La Phù, huyện Hoài Đức, Hà Nội nhưng thực chất đều là địa chỉ "ma".

"Ủy ban nhân dân xã La Phù khẳng định không có tên 3 cơ sở bánh kẹo trên và thực chất đây là hàng Trung Quốc đóng gói rồi giả nhãn mác của làng nghề bánh kẹo La Phù", ông Cường cho hay.

Cắt mác, thay tên đổi họ cho sản phẩm

Hiện nay, chiêu trò cắt mác, khoét mác, hay mác gắn ở cổ là “Made in Vietnam” nhưng ở trong thân áo lại là “Made in China” là rất phổ biến. Thậm chí, nhiều cửa hàng còn đầu tư in mác mới, thay đồng bộ để đánh lừa người tiêu dùng. 

Tuy nhiên, mác giả “Made in Vietnam” rất mờ, dễ phai khi giặt chứ không được thêu, in rõ nét như hàng chuẩn. Nếu khách hàng không tinh ý sẽ khó phát hiện. Không chỉ vậy, giá cả của loại hàng Việt Nam xuất khẩu thường không ổn định. Cùng mẫu mã, một số cửa hàng bán khá rẻ nhiều shop lại thổi cao hơn hàng trăm ngàn đồng. 

Áo len bị cắt mác nham nhở phần “made in”
Áo len bị cắt mác nham nhở phần “made in”

Lý do được người bán đưa ra để giữ khách như: Kiểu lạ, độc đáo chỉ có một chiếc, hay giống hàng hiệu đến 99%... Đặc biệt, có cửa hàng còn biến hàng Việt Nam xuất khẩu, có xuất xứ Trung Quốc thành hàng hiệu nhập khẩu để bán cho khách với giá cao.

Chi vài trăm đồng mua mác hàng hiệu

Theo thông tin trên tờ Chất lượng Việt Nam, quá trình “phù phép” quần áo Trung Quốc thành “made in Việt Nam”, người bán chỉ cần đặt mua những kiểu mác của các hãng thời trang nổi tiếng về gắn lên quần áo.

Chủ cửa hàng chuyên sản xuất nhãn mác quần áo trên phố Hàng Bồ “bật mí”, thực tế hàng Việt Nam xuất khẩu lỗi chủ yếu được đặt hàng từ các khu may gia công ở Cổ Nhuế, Việt Hưng, Ninh Hiệp hoặc đặt tại các xưởng may gia công của Trung Quốc …

Người bán chỉ việc đặt các mác, tag có logo Zara, Bebe, Mango, F21, H&M đem về khâu, đính lên quần áo là có hàng “made in Vietnam”. Các loại nhãn mác này thường được bán với giá 400 – 500 đồng/chiếc. Tuy nhiên, những chiếc mác giấy này thường được cách điệu đi, khác một chút so với các nhãn, mác “xịn” nổi tiếng ngoài thị trường.
 
Bên cạnh đó, nhiều chủ cơ sở sản xuất nhãn mác tại Hà Đông, Cổ Nhuế cũng nhận đơn đặt hàng từ 200 chiếc trở lên với giá chỉ từ 40.000 – 50.000 đồng/200 chiếc mác. Nếu muốn đặt in mác theo bất kỳ thương hiệu nổi tiếng nào, khách hàng chỉ cần đưa mẫu nhãn, mác đó đến cửa hàng, nhìn vào chất liệu giấy, chủ tiệm sẽ báo giá sau. Chỉ khoảng 5 – 7 ngày là có thể hoàn toàn vài trăm chiếc mác các kiểu giống y như thật. 

Kỹ xảo biến khoai tây Trung Quốc thành hàng Đà Lạt

Tờ Tuổi trẻ ngày 20/6 đưa tin, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng vừa chính thức công bố các tiêu chí nhận diện khoai tây Đà Lạt và khoai tây Trung Quốc.

Cụ thể, theo đặc điểm nhận dạng vừa được Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng chính thức công bố, giữa hai loại khoai tây da vàng, da hồng Đà Lạt và Trung Quốc có nhiều điểm khác biệt có thể phân biệt bằng mắt thường. Theo đó, với khoai tây loại da hồng, củ khoai Trung Quốc to, dài, kích thước đồng đều, vỏ dày, trên vỏ có các chấm li ti, mắt củ to, ruột khoai có màu vàng đậm. Trong khi đó khoai tây Đà Lạt củ vừa phải, hình bầu dục hoặc tròn, ít đồng đều, vỏ mỏng nên dễ bị trầy, mắt củ ít và nhỏ, ruột có màu vàng nhạt.

Khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt để "mông má" thành khoai Đà Lạt.
Khoai tây Trung Quốc nhập về chợ nông sản Đà Lạt để "mông má" thành khoai Đà Lạt.

Cách nhận diện tương tự đối với khoai tây da vàng, nhưng ruột khoai tây da vàng Trung Quốc có màu trắng hơi ngả vàng, còn ruột khoai Đà Lạt có màu vàng ươm. Dùng ngón tay lướt trên bề mặt cắt ngang của khoai thì thấy khoai tây Trung Quốc nhiều nước, còn khoai Đà Lạt khô.

Cũng theo ông Lại Thế Hưng - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong quá trình so sánh, phân tích từ hình dáng bên ngoài đến hàm lượng tinh bột, nhóm phân tích nhận thấy ngoài hình dáng nhỏ, khoai tây Đà Lạt có chất lượng vượt khoai tây Trung Quốc. “Khoai tây Đà Lạt nhiều tinh bột, không bị nát khi chế biến món ăn. Khoai Trung Quốc ngoài ngoại hình đẹp thì chất lượng kém hẳn, đặc biệt là nặng cân do ngậm nước nhiều”, ông Hưng khẳng định.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Văn Sơn - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng thừa nhận có tình trạng nông sản Đà Lạt, đặc biệt là khoai tây, đang bị giả mạo ngay trên đất Đà Lạt. “Chúng tôi thừa biết mánh của tiểu thương tại Đà Lạt khi đưa khoai thẳng từ Trung Quốc đến Đà Lạt chủ yếu để thay đổi xuất xứ và phủ đất đỏ trước khi chuyển đi các tỉnh khác... Chúng tôi chỉ có thể kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật có trong khoai để xử phạt hoặc tiêu hủy, do khoai tây Trung Quốc đa số có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao, sắp vượt mức an toàn hoặc vượt mức”, ông Nguyễn Văn Sơn nói.

Trong khi khoai tây Trung Quốc tràn vào Đà Lạt, nhiều người dân có thâm niên trồng khoai tây tại hai xã Xuân Trường và Xuân Thọ, những địa bàn trồng khoai tây lớn nhất Đà Lạt - đã tính chuyện chuyển sang cây trồng khác.

Ông Lê Thìn, chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Trường, cũng cho biết nhiều người dân ở xã đã bỏ trồng khoai tây do giá khoai rớt thảm hại, thua lỗ nặng kể từ khi khoai tây Trung Quốc tràn vào.

Còn theo ông Nguyễn Đức Bình - chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thọ, “Khoai tây Đà Lạt càng ít thì khoai tây Trung Quốc càng nhiều cơ hội tràn vào Đà Lạt rồi mượn tiếng khoai tây Đà Lạt đánh lừa người tiêu dùng”

Tự hại mình

Không chỉ gắn mác "Made in Vietnam" cho khoai tây, dễ thấy trước phong trào cảnh giác với thực phẩm, hoa quả ngoại nhập không đảm bảo nguồn gốc, chất lượng trên thị trường... để bán được hàng, nhiều người không ngần ngại giới thiệu đó hàng Việt Nam.

Báo Nông nghiệp Việt Nam nhận định, chưa bao giờ các mặt hàng Trung Quốc lại tràn ngập thị trường như hiện nay, đe dọa cả thị trường kinh doanh trong nước lẫn sức khỏe người tiêu dùng. Mỗi năm, người Việt tiêu thụ nhiều tỷ USD các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, từ các sản phẩm thiết yếu cho đến đồ xa xỉ.

Điều đáng nói là bên cạnh các mặt hàng quần áo, giày dép, các loại trang thiết bị máy móc gia dụng và công nghiệp, người Việt còn đang tiêu thụ một lượng khổng lồ cả các loại thực phẩm sống như gia súc gia cầm, các loại cá, ếch có xuất xứ từ Trung Quốc, thậm chí là cả các loại rau củ quả thông thường, bất chấp thực tế Việt Nam là một quốc gia nông nghiệp và cũng mặc nhiên giới thiệu những mặt hàng này xuất xứ ở Việt Nam...

Không những thế, nhiều tiểu thương Việt Nam vẫn đang ngày đêm đưa hàng nghìn tấn thực phẩm độc hại từ bên kia biên giới về Việt Nam chỉ nhằm một mục tiêu duy nhất là kiếm lời cho chính bản thân mình.

Thực tế cho thấy, việc thu mua những con gà thải loại ở biên giới với giá 15.000 đồng/kg và mang về bán từ 60.000-70.000 đồng/kg hay nhập cá tầm giá chỉ bằng 1/2 so với giá bán buôn của các công ty trong nước sẽ mang lại những món lợi khổng lồ cho thương nhân.

Đấy là còn chưa kể đến hàng chục mặt hàng khác, từ cá, ếch đến rau củ quả mà loại nào cũng có giá nhập chỉ bằng một nửa, hoặc thậm chí là 1/3 so với các mặt hàng nội địa.

Việc kinh doanh “một vốn, bốn lời” như vậy có thể nhanh chóng giúp một nhóm nhỏ thương nhân trở nên giàu có nhưng lại khiến cả thị trường chăn nuôi, trồng trọt trong nước lao đao vì sản phẩm nội không cạnh tranh được về giá và đe dọa nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng. Tất cả đều là người Việt đang tự hại mình.

Hồng Anh (Tổng hợp)