Vi phạm hợp đồng, Starbucks bị buộc bồi thường 2,7 tỉ USD

13/11/2013 14:33
Nguyễn Hường
(GDVN) - Ngày 12/11, một trọng tài viên độc lập đã lệnh cho Starbucks trả 2,76 tỷ USD vì liên doanh không thành với Kraft Foods.
Starbucks
Starbucks

Starbucks được cho là đã vi phạm khi đơn phương chấm dứt hợp đồng với Kraft Foods - công ty con của hãng thực phẩm quốc tế khổng lồ Mondelez - sau khi Kraft Foods đã phân phối cà phê Starbucks đóng gói cho các siêu thị và các nhà bán lẻ khác theo hợp đồng trong 12 năm với Starbucks.
Số tiền phạt khổng lồ lên đến 2,7 tỷ USD dành cho Starbucks bao gồm khoản đền bù thiệt hại về lợi ích kinh tế cho Kraft Foods và chi phí kiện tụng. Số tiền này sẽ được trả cho Mondelez, công ty mẹ của Kraft Foods. Kraft Foods đã được tách ra từ năm ngoái.
"Chúng tôi hài lòng vì trọng tài đã công khiếu nại của chúng tôi rằng Starbucks vi phạm hợp đồng dài hạn với chúng tôi mà không bồi thường thỏa đáng", Gerd Pleuhs - Phó chủ tịch điều hành phục trách vấn đề pháp lý của Mondelez cho biết.
Mondelez cho biết họ đã ký kết thỏa thuận độc quyền phân phối cà phê cho Starbucks từ năm 1988 đến tháng 3/2014 và đã đạt doanh thu lên tới 500 triệu USD vào năm 2010. Tuy nhiên, cuối năm 2010, Starbucks đã "đơn phương chấm dứt" hợp đồng.
Kraft Foods đã đệ đơn kiện Starbucks với cáo buộc là đơn phương chấm dứt thỏa thuận không đúng hợp đồng nhằm gây thiệt hại cho hãng này. 
Trong một tuyên bố, Starbucks cho biết hãng mạnh mẽ bác bỏ phán quyết, nhưng vui mừng vì cuộc chiến kéo dài đã có thể kết thúc. 
"Chúng tôi tin rằng Kraft đã không thực hiện trách nhiệm của mình với thương hiệu của chúng tôi theo thỏa thuận và chúng tôi có quyền chấm dứt hợp đồng mà không thanh toán cho Kraft Foods," đại diện của công ty này cho biết.

Giám đốc phụ trách tài chính của Starbucks, Troy Alstead, cho biết hãng có khả năng thanh toán tiền phạt từ tiền mặt có sẵn và khả năng vay vốn của mình. Tiền phạt sẽ được tính vào chi phí hoạt động năm 2013 của công ty. 
Cổ phiếu của Starbucks đã giảm 1,5%, trong khi Mondelez thêm 3% sau khi phán quyết của trọng tài về vụ kiện được công bố. 
Nguyễn Hường