Vì sao Vinamilk tha thiết muốn sửa đổi Quy chế Người đại diện vốn nhà nước?

01/07/2015 14:42
Mai Anh
(GDVN) - Trong trường hợp của Vinamilk, theo PGS.TS Phạm Quý Thọ nên có Thông tư về Quy chế riêng Người đại diện vốn nhà nước để tạo quyền chủ động cho doanh nghiệp.

Thay đổi làm khó doanh nghiệp

Mới đây, trong buổi làm việc với Đoàn công tác của Quốc hội do bà Nguyễn Thị Kim Ngân - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn, đại diện Công ty Cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) đã nêu ra những bất cập trong văn bản luật mới sắp có hiệu lực về quyền và trách nhiệm của Người đại diện vốn Nhà nước trong doanh nghiệp,

Qua đó, Vinamilk tha thiết kiến nghị Ủy ban Kinh tế của Quốc hội chỉ đạo xem xét sửa đổi Quy chế Người đại diện vốn nhà nước cho đúng với Nghị định 99/2012/NĐ-CP và Thông tư 21/2014/TT-BTC của Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành.

Hiện Vinamilk là một công ty cổ phần, trong đó có cả nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tại Vinamilk, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) nắm giữ khoảng 45% cổ phần nhưng không phải là cổ đông quyết định. Bởi cổ phần ở khối những nhà đầu tư nước ngoài lớn hơn, chiếm tới 49%. 

Bài Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đã nêu ra những bất cập trong văn bản luật mới sắp có hiệu lực về quyền và trách nhiệm của Người đại diện vốn Nhà nước trong doanh nghiệp tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội.
Bài Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Vinamilk đã nêu ra những bất cập trong văn bản luật mới sắp có hiệu lực về quyền và trách nhiệm của Người đại diện vốn Nhà nước trong doanh nghiệp tại buổi làm việc với đoàn công tác của Quốc hội.

Theo Khoản 4 Điều 20 Nghị định 99/2012/NĐ-CP thì Chủ sở hữu Nhà nước giao nhiệm vụ cho người đại diện vốn nhà nước tại doanh nghiệp quyết định nhiều vấn đề quan trọng của doanh nghiệp như: Chiến lược,  kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư sản xuất 5 năm của doanh nghiệp…

Quy định về nghĩa vụ quyền hạn và trách nhiệm Người đại diện vốn Nhà nước tại Vinamilk đang thực hiện theo Nghị định 99/2012/NĐ-CP và Thông tư 21/2014/TT-BTC của Chính phủ và Bộ Tài chính ban hành.

Đồng thời, người đại diện vốn cũng có thể chủ động trong việc đưa ra chủ trương trong việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp khác; Thành lập, tổ chức giải thể chi nhánh;… Đưa ra chủ trương mua bán tài sản và hợp đồng vay và cho vay có giá trị lớn hơn 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp…

Trong 12 năm kể từ khi cổ phần hóa vào cuối năm 2003, Vinamilk đã đạt được những kết quả ấn tượng.

Năm 2004, một năm sau khi Vinamilk cổ phần hóa, doanh thu của công ty là 4,227 tỷ đồng. Đến năm 2014, sau 10 năm cổ phần hóa, tổng doanh thu của Vinamilk đã đạt 34.977 tỷ đồng, với tốc độ tăng trưởng bình quân về mặt doanh thu khoảng 22% mỗi năm, tăng gấp 8,3 lần so với năm 2004, tổng số tiền nộp ngân sách nhà nước là gần 19.000 tỷ đồng.  

Vốn chủ sở hữu và tổng tài sản của Vinamilk cũng tăng trưởng mạnh và tốt, tăng gấp 10  lần so với năm 2004. Trong đó, vốn điều lệ của công ty tăng từ 1.569 tỷ đồng lên hơn 10.000 tỷ đồng. Vốn hóa thị thường của Vinamilk hiện nay khoảng hơn 5 tỷ USD, đứng thứ 2 trên thị trường chứng khoán Việt Nam sau 10 năm cổ phần hóa. 

Hiện Vinamilk chiếm khoảng 53% thị phần ngành hàng sữa nước, 84% thị phần sữa chua và 80% thị phần sữa đặc. Vinamilk cũng có hệ thống phân phối bán hàng rộng khắp Việt Nam, sản phẩm Vinamilk hiện có mặt tại hơn 212.000 điểm bán lẻ, 100 cửa hàng giới thiệu sản phẩm của chính công ty, và 650 siêu thị trên toàn quốc. 

Và chiếu theo Thông tư 21/2014/TT-BTC của Chính phủ và Bộ Tài chính, khi vốn chủ sở hữu nhà nước dưới 50%, người đại diện vốn nhà nước là bà Mai Kiều Liên được tham gia ý kiến, biểu quyết điều hành các cuộc họp mà không phải báo cáo SCIC.

Tuy nhiên theo những quy định tại văn bản luật mới, cụ thể từ 1/7 tới đây Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 chính thức có hiệu lực, quy chế cho Người đại diện vốn Nhà nước sẽ thay đổi.

Tại Điều 48 Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước quy định người đại diện vốn nhà nước phải báo cáo, xin ý kiến đại diện chủ sở hữu hầu hết các vấn đề từ việc tham gia ý kiến, phát biểu, biểu quyết tại Đại hội cổ đông, Họp Hội đồng quản trị, Hội đồng thành viên. 

Nói các khác so với quy định cũ, văn bản luật mới sắp có hiệu lực sẽ không phân tách số vốn góp của nhà nước tại doanh nghiệp để cho quyền tự chủ của Người đại diện vốn nhà nước mà áp dụng chung chung.

Nếu theo quy định mới của Luật này, thì mọi kế hoạch sản xuất kinh doanh của Vinamilk sẽ đều phải được Người đại diện vốn Nhà nước (hiện tại là bà Mai Kiều Liên) báo cáo và chờ phê duyệt của SCIC.

Chính bất cập này khiến Vinamilk lo lắng doanh nghiệp sẽ mất cơ hội lợi thế cạnh tranh trên thị trường khi phải chờ quyết định của cơ quan đại diện quản lý vốn. Vì vậy Vinamilk tha thiết đề nghị sửa đổi Quy chế Người đại diện vốn nhà nước.

Nên có Quy chế riêng cho Vinamilk?

Trước đề xuất của Vinamilk, rà soát lại văn bản luật, PGS.TS Phạm Quý Thọ (chuyên gia Chính sách công) cho rằng, quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 sắp có hiệu lực mới đây đang vô tình tạo thêm quyền cho cơ quan đại diện chủ sở hữu.

Cụ thể trường hợp của Vinamilk là SCIC. Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước với quyền và trách nhiệm được giao quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thực chất chỉ với tư cách nhà đầu tư không trực tiếp điều hành, tạo ra lợi nhuận kinh doanh của doanh nghiệp.

Nói cách khác vấn đề điều hành, chiến lược phát triển khi đưa lên SCIC phải chờ cơ quan quản lý nhà nước xem xét mới quyết định đồng ý hay không.

Quy trình thủ tục như vậy sẽ gây khó cho doanh nghiệp, đặc biệt hầu hết Người đại diện vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đều đang nắm vị trí quản lý chủ chốt trong doanh nghiệp. Nếu mọi đường hướng phát triển doanh nghiệp phải được báo cáo, chờ phê duyệt sẽ là quá trình rất lâu, nhất là khi cách làm việc vẫn theo lối mòn như hiện nay.

PGS.TS Phạm Quý Thọ cho rằng, sau khi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp số 69/2014/QH13 có hiệu lực sẽ có Thông tư hướng dẫn kèm theo.

“Trong Thông tư nên có quy định Quy chế Người đại diện vốn Nhà nước dành riêng cho doanh nghiệp như Vinamilk để tạo điều kiện chủ động cho doanh nghiệp”, PGS.TS Phạm Quý Thọ cho biết.

Nói về vấn đề quy định khác nhau trong văn bản luật cũ và mới, TS Nguyễn Minh Phong – Chuyên gia kinh tế (nguyên cán bộ Viện nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội) cho rằng, văn bản Luật mới có hiệu lực phải tuân theo. Trừ khi có những quy định riêng cho Vinamilk, còn nếu không Luật có hiệu lực bắt buộc phải thực thi không có cách nào khác.

Mai Anh