Vì sao các sếp ngân hàng “đua nhau” đầu quân về VAMC?

07/06/2013 09:56
Theo Infonet
Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta đón nhận thêm thông tin một số nhân sự cấp cao ở các ngân hàng về đầu quân cho VAMC trong thời gian tới.
Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) sau một thời gian dài bàn thảo đã chính thức được phê duyệt thành lập và đi vào hoạt động từ ngày 9/7/2013 với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Công việc chuẩn bị nhân sự và kiện toàn cơ cấu hoạt động có vẻ như đang được gấp rút triển khai khi hàng loạt nhân sự liên tục hé lộ trong vài ngày qua.

Từ ngày 15/5, ông Bùi Tín Nghị chuyển sang làm việc cho VAMC.
Từ ngày 15/5, ông Bùi Tín Nghị
chuyển sang làm việc cho VAMC.
Cụ thể, TS Bùi Tín Nghị, Phó Tổng Giám đốc kiêm Giám đốc Khối Vận hành và Khối Hành chính Quản trị của SHB vừa thôi chức để sang làm việc theo chế độ chuyên trách tại Ban trù bị thành lập VAMC kể từ ngày 15/05/2013. Có thông tin cho thấy TS Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng Giám đốc LienVietPost Bank (LPB) cũng sẽ tham gia VAMC.

Sẽ không có gì ngạc nhiên nếu chúng ta đón nhận thêm thông tin một số nhân sự cấp cao ở các ngân hàng thương mại cổ phần hoặc có vốn Nhà nước chi phối về đầu quân cho VAMC trong tương lai gần.

Lý do để giải thích cho việc các sếp ngân hàng trở thành nhân sự tại VAMC có lẽ là kinh nghiệm làm việc lâu năm trong ngành ngân hàng sẽ giúp cho tiến trình xử lý nợ xấu thuận lợi hơn.

Chẳng hạn, các nhân sự này có kinh nghiệm, kiến thức về hệ thống ngân hàng, đặc biệt là kinh nghiệm về cách thức xử lý nợ xấu có được trong thời gian làm việc trước đây. Họ cũng dễ dàng nắm bắt những khoảng tối chưa được phơi bày của vấn đề nợ xấu tại các ngân hàng, giúp nhận biết những thử thách sẽ phải đương đầu.

Ngoài ra, mối quan hệ trong hệ thống ngân hàng cũng có thể giúp quá trình đàm phán mua bán nợ xấu diễn ra nhanh chóng và dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, song song với những lợi ích nêu trên, vẫn còn tồn tại nhiều lo lắng về xung đột lợi ích có thể diễn ra trong quá trình xử lý nợ xấu.

VAMC là một định chế đặc biệt, nơi tập hợp nhiều thông tin nhạy cảm của các ngân hàng khác. Liệu các thông tin này có bị rò rỉ và đem đến lợi thế nhất định trong cạnh tranh (kinh doanh và mua bán nợ xấu) hay không?

Mặc dù các điều kiện mua nợ xấu đã được quy định, nhưng các quy định này sẽ không bao giờ đủ cụ thể để đảm bảo rằng không có chuyện “lách luật”. Với sự hiện diện của các nhân sự đến từ ngân hàng thương mại, liệu có xảy ra việc nợ xấu của ngân hàng liên quan được ưu tiên mua lại hay định giá một cách ưu đãi?

Giải pháp hiện nay có lẽ là phải hình thành được cơ chế giám sát đủ mạnh, đủ độc lập và đảm bảm rằng hoạt động của VAMC là rất minh bạch để thuyết phục được giới chuyên môn.

Theo Infonet