Vì sao nhiều người cảm nhận không tích cực sau 30 năm đổi mới?

07/02/2016 07:22
Huỳnh Thế Du/chinhphu.vn
(GDVN) - Trong 3 thập kỷ của thời kỳ Đổi mới, vì sao không ít người vẫn có những cảm nhận không mấy tích cực về đời sống kinh tế-xã hội?

Trong 3 thập kỷ của thời kỳ Đổi mới, những chỉ tiêu cơ bản như tăng trưởng kinh tế, giảm nghèo, tăng chỉ số phát triển con người và thay đổi an sinh xã hội của Việt Nam đều nằm trong nhóm dẫn đầu thế giới.

Thế nhưng vì sao không ít người vẫn có những cảm nhận không mấy tích cực về đời sống kinh tế-xã hội?

Nhiều lĩnh vực tăng điểm ấn tượng

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân hàng năm giai đoạn 1985-2015 của Việt Nam lên đến 6,4%, chỉ xếp sau Trung Quốc nếu tính các nước có dân số trên 30 triệu người. Tổng GDP theo ngang bằng sức mua (GDP-PPP) năm 2015 đạt 551 tỉ USD, xếp 34 toàn cầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Nếu chia các quốc gia theo thang đo 10 (0-1 cho 10% thấp nhất và 9-10 cho 10% cao nhất) thì con số của Việt Nam năm 1990 và 2015 lần lượt là 6,6 và 8,1. Hiểu một cách đơn giản là trong thang điểm 10, điểm của Việt Nam đã tăng từ 6,6 lên 8,1.

GDP-PPP bình quân đầu người năm 2015 đạt khoảng 6.000 USD, xếp thứ 125 thế giới. Trong thang điểm 10, Việt Nam đã tăng từ 1,6 vào năm 1990 lên 3,2 vào năm 2015.

Chỉ số phát triển con người năm 2014 đạt 0.666, xếp 116 thế giới. Mức tăng điểm số bình quân hằng năm giai đoạn 1990-2014 là 1,42%, xếp 20 toàn cầu. Trong thang điểm 10, Việt Nam đã tăng từ 2,8 vào năm 1985 lên 3,8 vào năm 2015. 

Mức tăng lương thực bình quân hằng năm giai đoạn 1996-2015 đạt 7,9%, cao hơn mức tăng trưởng GDP, cho thấy người lao động được hưởng lợi nhiều. Thêm vào đó, khu vực nông thôn cũng được hưởng lợi rất nhiều khi tăng trưởng thu nhập bình quân hộ gia đình cao hơn khu vực thành thị. 

Tỉ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 58,1% vào năm 1992 đến nay chỉ còn 10,7%. Việt Nam thuộc nhóm các nước đạt thành tích giảm nghèo tốt nhất thế giới.

Chỉ số GINI đo lường bất bình đẳng (càng cao càng bất bình đẳng) của Việt Nam chỉ tăng nhẹ từ 35,7 năm 1992 lên 38,7 năm 2012. Việt Nam xếp hạng 56 trong 152 nước có số liệu trên Wikipedia.

Tuổi thọ trung bình hiện tại là 75,8, xếp hạng 71 toàn cầu. Những chỉ tiêu khác về giáo dục, chăm sóc y tế cũng có những sự tiến triển rất đáng kể.

Chỉ số cạnh tranh của cả nền kinh tế năm 2015 đạt 4,3 điểm so với nền kinh tế cao nhất là 5,8 điểm. Việt Nam xếp thứ 56 trong 140 nền kinh tế được xếp hạng. Trong thang điểm 10, Việt Nam đã tăng từ 3,1 và năm 2005 lên 6 vào năm 2015.

Tóm lại, nhìn 30 năm thì những chỉ tiêu kinh tế-xã hội là hết sức tích cực, nhiều người được hưởng lợi. Công bằng mà nói, Việt Nam vẫn có rất nhiều vấn đề, nhưng so sánh toàn cầu, Việt Nam vẫn thuộc nhóm nước có sự cải thiện tốt nhất về những chỉ tiêu cơ bản.

Vì sao nhiều người kém lạc quan?

Tuy nhiên, cảm nhận của không ít người dân về xã hội và cuộc sống lại không mấy tích cực. Có nhiều lý do dẫn đến điều này. Trước hết, nếu các đối tác nước ngoài nhìn bức tranh chung của toàn cầu để thấy nền kinh tế Việt Nam rất lạc quan, thì không ít người trong nước thường so sánh Việt Nam với các nước đã phát triển hay đi trước Việt Nam rất xa, nhiều người lại kỳ vọng quá cao vào vai trò của Nhà nước, nên thường bi quan.

Tuy nhiên, một nguyên nhân khá quan trọng phải tính đến là sự giảm đi của tính bao trùm, gia tăng của tính loại trừ trong phát triển kinh tế.

Tính bao trùm trong cải thiện kinh tế được hiểu là quá trình tăng trưởng, phát triển mà đa số mọi người được hưởng lợi. Như đã nói ở trên, Việt Nam đã đạt được thành tựu lớn trong giảm nghèo, hạn chế bất bình đẳng cũng như thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn-thành thị. Thế nhưng khi kinh tế càng phát triển, thì yêu cầu bảo đảm được tính bao trùm lại càng là thách thức. Dĩ nhiên đây không phải là vấn đề của riêng Việt Nam, khi khoảng cách giàu-nghèo trên thế giới cũng đang ngày càng trầm trọng.

Cũng rất đáng lưu ý là những trục trặc trong khu vực công, mà trục trặc đầu tiên là môi trường vĩ mô chưa thực sự ổn định, mặc dù trong thời gian qua đã có sự cải thiện rất đáng kể.

Một trong những nguyên nhân cơ bản của vấn đề này là trong một thời gian khá dài, Nhà nước tham gia quá nhiều vào những hoạt động kinh tế, mà kinh nghiệm cho thấy khu vực công rất khó làm tốt. Cùng với đó, có không ít trường hợp lại thiếu vắng sự tham gia thực chất của người dân vào quá trình ra các quyết định.

Chúng ta có thể thấy phần nào điều này khi xem lại 6 chỉ số về quản trị công do Ngân hàng Thế giới xếp hạng. Theo đó, chỉ số pháp quyền và chỉ số hiệu lực của bộ máy Nhà nước của Việt Nam có sự tiến triển tốt. Các con số năm 2014 lần lượt là 44,7 và 52,4 so với 32,3 và 34,6 của năm 1996. Đây là các vấn đề chủ yếu chỉ liên quan đến khu vực công. Chất lượng các quy định cũng có sự cải thiện chút đỉnh từ 28,4 lên 30,3 điểm.

Thế nhưng, 3 chỉ số có sự tham gia của công chúng, trong đó có chỉ số tiếng nói người dân và trách nhiệm giải trình, lại có sụt giảm đáng kể. Trong khi đó, cùng với sự cải thiện về mặt kinh tế, thì người dân cũng có nhu cầu ngày càng tăng trong việc tham gia vào quá trình phát triển đất nước.

Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc

Đánh giá về vấn đề phát huy dân chủ, Báo cáo chính trị tại Đại hội XII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chỉ rõ những hạn chế, khuyết điểm bên cạnh những thành quả, như sau: “Nhận thức về dân chủ trong một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế. Tình trạng tách rời, thậm chí đối lập giữa dân chủ và kỷ cương pháp luật trong xây dựng và thực hiện dân chủ còn tồn tại ở nhiều nơi. Quyền làm chủ của nhân dân ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực còn bị vi phạm. Có lúc, có nơi, việc thực hiện dân chủ còn hạn chế hoặc mang tính hình thức; có tình trạng lợi dụng dân chủ gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ, gây rối, ảnh hưởng đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội”.

Báo cáo chính trị cũng chỉ ra những nguyên nhân dẫn tới những hạn chế, khuyết điểm trên: “Hệ thống pháp luật, cơ chế, quy chế, tổ chức và các điều kiện để thực thi dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân còn thiếu và chưa đồng bộ. Không ít cấp ủy đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên chưa là tấm gương về phát huy dân chủ trong xã hội”.

Phương hướng được xác định là: “Tiếp tục phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, được nhân dân tham gia ý kiến. Dân chủ phải được thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bảo đảm để nhân dân tham gia ở tất cả các khâu của quá trình đưa ra những quyết định liên quan đến lợi ích, cuộc sống của nhân dân, từ nêu sáng kiến, tham gia thảo luận, tranh luận đến giám sát quá trình thực hiện. Tập trung xây dựng những văn bản pháp luật liên quan trực tiếp đến quyền làm chủ của nhân dân”.

Tóm lại, giai đoạn phát triển sắp tới của Việt Nam càng đòi hỏi sự tham gia ngày càng thực chất hơn của các doanh nghiệp và người dân trong quá trình ra các quyết định. Việc bảo đảm tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân, thực hiện đầy đủ, nghiêm túc dân chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội là điều mà Việt Nam cần hết sức lưu ý.



Huỳnh Thế Du/chinhphu.vn