Vì sao phải “cởi trói” cho kinh tế tư nhân?

15/05/2017 09:03
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Vì sao kinh tế Việt Nam chưa phát triển như mong muốn trong khi có đủ tiềm lực về dân số, tài nguyên…?

LTS: Quý vị và các bạn đang theo dõi bài viết của tác giả Trương Khắc Trà, một tác giả quen thuộc trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Trong bài viết này, tác giả bàn về phát triển kinh tế tư nhân nhằm thúc đẩy kinh tế đất nước ngày càng tiến lên.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Quan điểm xuyên suốt từ trước tới nay về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế bao gồm nhiều thành phần, trong đó kinh tế nhà nước đóng vai trò chủ đạo. 

Ưu điểm lớn nhất của nguyên lý này là giúp nhà nước tập trung cao độ nguồn lực để phân phối cho toàn xã hội thông qua các kênh khác nhau.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được thì kinh tế nhà nước cũng bộc lộ một số nhược điểm lớn, trong đó đáng chú ý nhất là sức ỳ, dễ rơi vào bao cấp, xin - cho và xuất hiện tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Điệp khúc thua lỗ khủng khiếp của 12 dự án thuộc Bộ Công thương đã ngốn cả núi  ngân sách, đó là một thất bại nặng nề của kinh tế nhà nước, cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm hướng đi mới chứ không nên “lấy trứng chọi đá”.

Người ta đặt câu hỏi: Vì sao có những doanh nghiệp nhà nước được “ôm” nhiều ưu đãi mà vẫn thua lỗ trầm trọng?

Hội nghị Trung ương 5 ban hành nghị quyết mang tính bản lề cho phát triển kinh tế. (Ảnh: Tuoitre.vn)
Hội nghị Trung ương 5 ban hành nghị quyết mang tính bản lề cho phát triển kinh tế. (Ảnh: Tuoitre.vn)

Câu hỏi không khó trả lời, nhưng trả lời sao cho thấu đáo mới thực sự khó, kết quả của nó là ngõ cụt của không ít đường quan lộ vốn mênh mông bát ngát.

Có thể ví kinh tế nhà nước như “cậu ấm cô chiêu” được nuông chiều hết mức, không ai nỡ đánh đòn và không dám đánh đòn vì cái mác con nhà có quyền thế. Nó hư hỏng những không trị đến nơi đến chốn, lâu dần bệnh nặng hết thuốc chữa.

Đại hội VI/1986 đã rút ra bài học kinh nghiệm và được gọi là “Đại hội đổi mới”.

Gần 40 năm nhìn lại, đất nước thay da đổi thịt, người dân từ “ăn no mặc ấm” đã tiến lên “ăn ngon mặc đẹp”.

Đó là kết quả lớn, nhưng chỉ lớn so với chúng ta, còn so với bè bạn khu vực, quốc tế thì chúng ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa, vì vẫn còn một khoảng cách dài.

Kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát không còn phi mã như trước nhưng nợ công thì lớn, tăng trưởng chậm và chưa thật sự bền vững.

Mặc dù đã thấy được những sai lầm của kinh tế bao cấp nhưng tốc độ đổi mới chưa thực sự nhanh chóng.

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng đắn nhằm “bơm” thêm động lực nhưng không hiểu sao trên cứ hối thúc nhưng ở dưới vẫn chậm? Phải chăng có bóng dáng của lợi ích nhóm cản trở quá trình cổ phần hóa?

Cũng cần phải nói thêm, quá trình manh nha từ “tập thể” sang “cá nhân” quả thật là một điều gì đó ghê gớm trong những năm trước và sau đổi mới, là quá trình đổi mới tư duy một cách triệt để và không ít người bị quy chụp oan uổng.

Vì sao phải “cởi trói” cho kinh tế tư nhân? ảnh 2

Nợ ngập đầu, lãnh đạo Tập đoàn Than - Khoáng sản vẫn ung dung hưởng lương cao

Cách đây chưa lâu, Đài Truyền hình Việt Nam công chiếu bộ phim “Bí thư Tỉnh ủy” kể về câu chuyện của ông Kim Ngọc (Kim Văn Nguộc) - một nhân vật có thật với chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ). 

Trong lúc cả Trung ương lẫn địa phương đánh kẻng khua chiêng làm ăn tập thể thì ông lại chủ trương khoán đất.

Trong không khí răm rắp đó, việc “khoán chui” của ông Ngọc quả thật như ăn gan hùm, nhưng thật bất ngờ những khi gia đình được khoán chui lại tỏ ra hào hứng, năng suất lúa cao hơn hẳn, bắt đầu xuất hiện tinh thần tự giác chứ không đợi kẻng đánh…

Sau khi Trung ương biết sự việc, đã nghiên cứu và cho ra đời chính sách “Khoán 10” ngay lập tức nhiều năm sau đó nước ta thoát cảnh thiếu lương thực.

Sau này Thủ tướng Phạm Văn Đồng bùi ngùi: “Công lao anh Kim Ngọc thật lớn, cần phải dựng tượng để tỏ lòng biết ơn con người như anh Kim Ngọc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp nói về công lao của ông Kim Ngọc: “Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ.

Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... 

…Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong...”.

Nguyên Bộ trưởng, Chuyên gia kinh tế Trương Đình Tuyển đúc kết: “Bài học về khoán hộ ở Vĩnh Phú mãi còn giá trị, không phải ở cách cụ thể mà đồng chí Kim Ngọc giải quyết mà là ở chỗ ông đồng cảm sâu sắc trước tình cảnh đói nghèo của người dân, cùng đau nỗi đau của họ và dám tháo bỏ những quy định mà thực tiễn đã chứng tỏ không phù hợp để thúc đẩy phát triển”.

Bài học ông Kim Ngọc càng ngày càng thấy đúng, từ lý luận và thực tiễn, Đảng đã bắt đầu nhận thấy và có những điều chỉnh mạnh mẽ hơn.

Vậy nên, một trong 3 chương trình làm việc trọng tâm của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII là Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Vì sao kinh tế Việt Nam chưa phát triển như mong muốn trong khi có đủ tiềm lực về dân số, tài nguyên…?

Hãy khoan nói chuyện tham nhũng, lợi ích nhóm mà trước hết là do nền kinh tế thiếu động lực.

Vì sao phải “cởi trói” cho kinh tế tư nhân? ảnh 3

Cần có chiến lược phát triển kinh tế, không nên đầu tư dàn trải

Trong khi kinh tế tư nhân tự thân vận động thì kinh tế nhà nước được bao bọc che chở, có lúc có nơi còn bị đối xử thiếu công bằng, vậy mới có nghịch lý là nhiều doanh nghiệp Việt Nam không muốn mở rộng quy mô. 

Vấn đề quan trọng nhất là câu hỏi: Kinh tế nhà nước làm ăn thua lỗ, ai chịu? Kinh tế tư nhân thua lỗ, ai chịu?

Tìm ra người chịu trách nhiệm là sẽ rõ động lực. Động lực của kinh tế tư nhân quá rõ ràng, còn động lực của kinh tế nhà nước lắm lúc mờ mịt.

Nhà nước không nên ôm đồm nhiều tập đoàn kinh tế mà nên giao cho tư nhân làm, có chăng nhà nước chỉ đầu tư vào những lĩnh vực có độ rủi ro cao, vòng quay vốn chậm như hạ tầng giao thông, khoa học công nghệ, công nghiệp năng lượng…

Bản chất nhà nước phải làm động tác kiến tạo, phục vụ, cung cấp dịch vụ công tạo môi trường cho doanh nghiệp sinh sôi nảy nở. 

Nhà nước không nên can thiệp quá sâu vào nền kinh tế mà chỉ điều tiết bằng chính sách vĩ mô, không nên làm thay nhiệm vụ của các quy luật khách quan.

Việc cần làm bây giờ là hoàn tất cổ phần hóa làm hồi sinh các doanh nghiệp nhà nước và gỡ bớt các thủ tục hành chính cho kinh tế tư nhân phát triển. 

Tăng số lượng các doanh nghiệp tư nhân kiểu như Vinamilk, Vietjet… nên xem những doanh nghiệp kiểu này là động lực quan trọng.

Trương Khắc Trà