Vì sao thị trường cà phê thế giới 100 tỷ USD, Việt Nam chỉ chiếm 3%?

10/03/2013 13:40
Ngọc Quang
(GDVN) - “Đứng dưới góc độ chiến lược nếu doanh nghiệp của chúng ta chỉ ở quy mô nhỏ và vừa mà “đánh” với những doanh nghiệp đa quốc gia, hùng mạnh, với đầu vào tài chính như vậy, thì làm sao chúng ta thắng được nếu chúng ta không thiết kế được cuộc chơi của mình… Thị trường cà phê thế giới trị giá trên 100 tỷ USD, chúng ta mới có 3%, còn 97% là do một số ông lớn thao túng, đây là vấn đề cần xem xét”, ông Đặng lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cà phê Trung Nguyên.

Doanh nghiệp Việt phải “thiết kế” được cuộc chơi

Trong những năm gần đây, ngành cà phê Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thô,n tính theo niên vụ 1/9/2011 đến 30/9/2012, cả nước ước xuất khẩu 1,7 triệu tấn cà phê, trị giá hơn 3,4 tỷ USD, đứng đầu thế giới về lượng xuất khẩu. Từ năm 1996 đến nay, cà phê đã trở thành mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu lớn thứ hai của đất nước.

Cà phê Việt Nam có lợi thế về khối lượng và giá thành so với nhiều quốc gia trên thế giới và đang có mặt hơn 80 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, thời gian qua doanh nghiệp kinh doanh cà phê ở Tây nguyên gặp nhiều khó khăn do lãi suất cao, sự cạnh tranh của doanh nghiệp FDI. Câu hỏi đặt ra là Việt Nam có biện pháp gì để bảo vệ cho doanh nghiệp thành viên?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ – Chủ tịch HĐQT, TGĐ Công ty CP Cà phê Trung Nguyên nhận định: “Đứng dưới góc độ chiến lược nếu doanh nghiệp của chúng ta chỉ ở quy mô nhỏ và vừa mà ‘đánh’ với những doanh nghiệp đa quốc gia, hùng mạnh, với đầu vào tài chính như vậy, thì làm sao chúng ta thắng được nếu chúng ta không thiết kế được cuộc chơi của mình.

Chúng ta vẫn phải tuân thủ quy định của WTO, nhưng cũng có rất nhiều đoạn chúng ta làm được.  Trong cuộc chơi của cà phê Việt Nam không  thể không có những doanh nghiệp nước ngoài, nhưng nếu chúng ta không hợp tác mà dần dần để họ kiểm soát từ phần gốc đến phần ngọn thì trong tương lai họ sẽ kiểm soát toàn bộ cuộc chơi.

Vì vậy, vấn đề là chúng ta thiết kế chơi trong đoạn nào, ở đâu, và với một ngành cà phê mang lại nhiều tỷ USD thì người Việt mình, doanh nghiệp Việt được hưởng lợi bao nhiêu, đây là vấn đề vô cùng quan trọng”.

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Doanh nghiệp cà phê Việt phải thiết kế được cuộc chơi cho mình.
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ: Doanh nghiệp cà phê Việt phải thiết kế được cuộc chơi cho mình.

Đồng tình với quan điểm này, ông Y Dhăm Ênuôl - Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Đắk Lắk cho hay, có bốn nguyên nhân giúp ngành cà phê Việt Nam đạt được sản lượng, chất lượng như hiện nay: Thứ nhất, diện tích cà phê ổn địnhh, cả nước có khoảng 500 ngàn ha, Đắk Lắk là 190 ngàn ha.

Thứ hai là trình độ, từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, đặc biệt là chế biến ngày càng phát triển. Thứ ba, thị trường thu mua cà phê khác các năm trước, nay nông dân là chủ nhân quyết định sản phẩm của mình, bán lúc nào, giá thế nào, còn trước kia nông dân thụ động.

Việc tạm trữ cà phê trước đây do doanh nghiệp quyết định, nay do nông hộ quyết định, sự phối hợp giữa nông dân với nhau, với các doanh nghiệp cũng rõ nét hơn. Các doanh nghiệp nay giao cà phê thời gian ngắn hơn ít rủi ro. Sự cạnh tranh lành mạnh hơn giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước gần đây cũng khiến các doanh nghiệp trong nước phải tính toán lại, nâng sức cạnh tranh. Thứ tư, mối liên kết giữa 4 nhà ngày càng chặt chẽ, từ đó bắt đầu xuất hiện cánh đồng mẫu lớn với cà phê.

Nói về những khó khăn luôn thường trực “đe dọa” các doanh nghiệp cà phê Việt, ông Y Dhăm Ênuôl cho biết, có tới 90% doanh nghiệp ngành hàng cà phê là nhỏ và vừa trong nước hoàn toàn phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, với mức lãi suất hiện khoảng 11 - 12%, trong khi đó doanh nghiệp nước ngoài chỉ 3%. Như vậy, doanh nghiệp cà phê nội địa đã gặp ít nhiều khó khăn.

“Chúng tôi đã kiến nghị nhiều lần nên chăng chúng ta đã có chính sách mua tạm trữ cà phê lâu dài như đối với gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long có được không? Mấu chốt của vấn đề làm làm sao có cơ chế thích đáng đối với cây cà phê để giúp doanh nghiệp của chúng ta trụ vững, phát triển, nếu không một lúc nào đó doanh nghiệp FDI sẽ chiếm thị phần toàn bộ”, ông Y Dhăm Ênuôl bày tỏ.

Còn ông Nguyễn Viết Vinh - Tổng thư ký Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam chia sẻ,  tổng kết niên vụ 2011-2012 thì tỷ lệ về tổng lượng cà phê xuất khẩu giữa doanh nghiệp FDI so với doanh nghiệp trong nước, cho đến 3 tháng đầu niên vụ này, nếu trước đây là 70-30 thì hiện 50-50, do cách thức mua bán đã thay đổi.

Theo tôi, doanh nghiệp FDI cũng là doanh nghiệp tham gia đóng góp quá trình sản xuất, chế biến xuất khẩu, hiện Hiệp hội đề xuất các doanh nghiệp trong nước có thể cùng phối hợp với doanh nghiệp FDI thông qua liên kết qua chuỗi giá trị, tôi cho đây là bước chuyển mới trong hợp tác doanh nghiệp, ổn định vấn đề thu mua cho người dân, trong đó có vai trò rất quan trọng của các doanh nghiệp mạnh như Trung Nguyên, Vinacafe.

“Theo kinh nghiệm của một số nước như Indonesia họ có rất nhiều chính sách để hỗ trợ các doanh nghiệp hợp tác với nhau về tài chính, trao đổi thông tin, nắm tình hình thị trường, điều tiết thị trường… Hiện ở Việt Nam, doanh nghiệp tham gia ngành hàng cà phê cũng rất đa dạng, có nhiều loại doanh nghiệp  vừa sản xuất, chế biến, xuất khẩu hoặc chỉ tập trung vào 1 khâu, vì vậy cần phải có sự hợp tác để tăng chuỗi giá trị cho cà phê”, ông Vinh nói.

Ngành cà phê Việt Nam cần phải giải quyết nghịch lý: Xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng giá trị kim ngạch thì rất nhỏ.
Ngành cà phê Việt Nam cần phải giải quyết nghịch lý: Xuất khẩu nhất nhì thế giới, nhưng giá trị kim ngạch thì rất nhỏ.

Chiến lược trở thành “người khổng lồ” trên toàn thế giới

Bên cạnh những yếu tố về giá cả thì phải kể đến việc các doanh nghiệp trong ngành cà phê không ngừng nỗ lực cải thiện chất lượng, xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường xuất khẩu cũng là những yếu tố hết sức cần thiết. Cuộc chơi trên thị trường thế giới ngày càng khắc nghiệt, doanh nghiệp cà phê Việt Nam sẽ đối mặt với những thách thức đó thế nào?

Ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ, cần phải quy hoạch lại công tác giao thương, tạo sự công bằng, tránh sự thao túng của các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, phải xây dựng doanh nghiệp hạt nhân để vươn ra toàn cầu. Thí dụ phát triển chiến lược ngành cà phê quốc gia thì Malaysia có một chiến lược hẳn hoi với cây cọ dầu, cả với những vấn đề liên quan cây cọ dầu. Nếu sống trên một bệ phóng là chiến lược phát triển cà phê quốc gia như vậy, doanh nghiệp cà phê Việt Nam sẽ tạo ra giá trị và hình ảnh lớn hơn.

“Thị trường cà phê thế giới trị giá trên 100 tỷ USD, chúng ta mới có 3%, còn 97% là do một số ông lớn thao túng, đây là vấn đề cần xem xét. Chúng tôi tự đặt cho mình 2 nhiệm vụ. Thứ nhất, cùng các nhà quản lý của tỉnh, Hiệp hội và lãnh đạo Trung ương đề xuất chiến lược cà phê quốc gia.

Những thành tựu của ngành cà phê là đáng ghi nhận, nhưng chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế nếu tư duy lại, định vị lại vị trí của ngành cà phê Việt Nam. Trong chiến lược này, thứ nhất, kêu gọi sự quyết tâm của chính chúng ta, có muốn làm, có hoài bão với ngành cà phê hay không? Thứ hai, vấn đề “tam nông cà phê” phải được xác lập, xem xét cẩn trọng.

Về nông nghiệp cà phê, cần tăng đầu tư, tăng chất lượng, sản lượng và trị giá, dù hiện nay năng suất cao nhất thế giới nhưng còn có thể cao hơn nữa. Về nông dân trồng cà phê, chúng ta phải xử lý thế nào để họ gia tăng thu nhập. Về nông thôn cà phê, phải làm sao để thịnh vượng hơn, để có bản sắc riêng, lối sống riêng”, ông Vũ nói.

Những yếu tố bất ổn trong chiến lược phát triển của ngành cà phê Việt Nam đã dẫn tới việc cà phê của chúng ta chiếm gần 30% khối lượng cà phê giao dịch toàn cầu, nhưng giá trị kim ngạch mới chỉ chiếm 10% trong tổng giá trị thương mại 35 tỷ USD của cà phê thế giới. Vì sao có sự chênh lệch về khối lượng và giá trị như vậy?

Ông Nguyễn Viết Vinh lý giải, nếu nói về góc độ thương mại thuần tuý thì chỉ chênh lệch giữa khối lượng cà phê giao dịch và giá trị cà phê Việt Nam chỉ khoảng 3% và nếu chúng ta đẩy mạnh việc nâng giá trị cà phê thông qua chuỗi giá trị gia tăng trong sản xuất, và chế biến sâu thì chắc chắc tỷ lệ sẽ khác.

“Tôi nghĩ quan trọng là chuỗi giá trị gia tăng với hai công đoạn từ sản xuất, thu mua, bảo quản và công đoạn chế biến sâu với đặc thù của cà phê Việt Nam chủ yếu Robusta để pha trộn và là cà phê hoà tan. Nói vậy chúng ta phải có thị trường, nhiều người chỉ nói về thị trường ngoài nước nhưng theo tôi thị trường trong nước cũng rất quan trọng, nhất là khi giới trẻ hiện nay có xu hướng sử dụng loại đồ uống này ngày một nhiều. Vì vậy, nếu chúng ta tăng được thị phần tiêu thụ cà phê trong nước này thì giá trị của ngành cà phê Việt Nam sẽ tăng lên”, ông Vinh nhận định.

Ngọc Quang